Giới tinh hoa EU đang "dọa dẫm" Anh?

05/03/2016 19:39

(Baonghean) - Thời gian gần đây, Liên minh châu Âu (EU) liên tiếp bị “bủa vây” bởi những vấn đề liên quan đến cuộc khủng hoảng di cư và kịch bản để mất nước Anh. Những rắc rối đan xen đánh mạnh vào tâm lý của các quốc gia, nhiều nước chọn cách dựng lên những “hàng rào ảo” đi ngược lại nguyên tắc của EU, rạn nứt giữa các thành viên manh nha hiện rõ.

Sỹ quan cảnh sát tìm cách ngăn người di cư trèo lên xe tải để tới Anh, ảnh chụp bên ngoài khu trai Calais hồi năm 2015. Ảnh: Getty Images.
Sỹ quan cảnh sát tìm cách ngăn người di cư trèo lên xe tải để tới Anh, ảnh chụp bên ngoài khu trai Calais hồi năm 2015. Ảnh: Getty Images.

Mới nhất, hôm 3/3, sau cuộc gặp cấp cao song phương giữa nhà lãnh đạo Pháp và Anh, Tổng thống François Hollande đã ngầm “đe dọa” Anh về viễn cảnh không mấy sáng sủa nếu nước này “đội nón ra đi”.

Trong trường hợp người dân Anh bỏ phiếu tán thành phương án tách ra khỏi khối liên minh, xứ sở sương mù sẽ phải lãnh không ít “hậu quả” bao gồm khả năng người di cư đang tạm dừng chân ở khu trại Calais của Pháp sẽ tìm đường đặt chân sang Anh, “nhấn chìm” nước này bởi làn sóng di cư mang theo nhiều thách thức khôn lường.

Đây chính là khẳng định chắc nịch của Tổng thống Pháp François Hollande mà theo nhiều người hàm ý chút “đe dọa” đối với nhà lãnh đạo nước Anh trong bối cảnh khó khăn chồng chất hết sức phức tạp như hiện nay tại EU.

Trong cuộc họp báo sau cuộc gặp cấp cao với ông Cameron, ông Hollande nhắc lại những cảnh báo trước đây về hậu quả của việc kiểm soát biên giới, nhưng không quên nhấn mạnh: “Tôi không muốn dọa dẫm ai hết, tôi chỉ đơn thuần muốn nói ra sự thật mà thôi”.

Theo giới quan sát, những lời lẽ mới đây của Tổng thống Pháp trước báo giới chính là động thái can thiệp sâu nhất từ trước đến nay vào cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU hay nói cách khác là chuyện đi hay ở của Anh.

Hậu quả nặng nề mà vị nguyên thủ tại kinh đô ánh sáng lường trước ở một loạt lĩnh vực quan trọng: thị trường chung, thương mại tài chính, và cả phát triển kinh tế giữa các quốc gia. Trong thời điểm hiện nay, có thể tất cả những nguy cơ ấy chưa đồng nghĩa với việc mọi thứ vốn tồn tại bấy lâu sẽ bị hủy hoại, đem lại cho người dân EU một kịch bản thảm khốc không ai mong muốn, song xét công bằng, những hậu quả nhất định về mặt con người là nhãn tiền.

Dù ông Hollande vẫn quả quyết tình hữu nghị Anh-Pháp sẽ khó bề suy suyển, nhưng chỉ một sơ sẩy nhỏ trong đường hướng xử lý tình hình khủng hoảng sẽ đẩy các quốc gia đi xa hơn, tiềm ẩn nguy cơ đối mặt với những vấn đề khó có thể giải quyết trong ngày một ngày hai.

Viễn cảnh ảm đạm trong suy nghĩ của ông chủ Điện Élysée lại không được lãnh đạo Hạ viện Anh Chris Grayling tỏ ý hoan nghênh. Thay vào đó, theo tờ Guardian, ông Grayling cho rằng bình luận của ông Hollande có phần “tuyệt vọng”, và cáo buộc giới tinh hoa châu Âu “đồng tâm hiệp lực” với các doanh nghiệp lớn để chất chồng sức ép lên cử tri Anh.

Động thái “can thiệp” của ông Hollande xảy ra ngay sau sự kiện Bộ trưởng Kinh tế của Pháp, Emmanuel Macron, nói với tạp chí Financial Times rằng ông này đặt rất nhiều kỳ vọng vào việc hiệp ước Le Touquet (cho phép Anh triển khai lực lượng cảnh sát biên giới tại Pháp) sẽ mất hiệu lực nếu Anh bỏ phiếu đồng thuận rời EU. Điều này đồng nghĩa với việc những người di cư đang nương náu ở khu trại Calais có thể di chuyển sang lãnh thổ Anh.

Boris Johnson, thị trưởng London đồng thời là người ủng hộ Anh rời EU ngay lập tức đã lên tiếng phản đối, lập luận rằng không có lý do nào để thay đổi bản hiệp ước, bởi Le Touquet là hiệp ước liên chính phủ ký kết giữa Chính phủ Anh và Chính phủ Pháp. Pháp sẽ không có lợi lộc gì nếu các thỏa thuận bị phá vỡ. Giới chính khách Anh cũng nhiều ý kiến cho rằng những tuyên bố của Pháp “giống trò hăm dọa hơn là một mối đe dọa thực sự”.

Bởi nếu viễn cảnh Anh rời EU trở thành hiện thực, nước này sẽ một lần nữa nắm quyền kiểm soát biên giới và có thể quyết định chuyện ai được phép nhập cư, ai không. Thậm chí, họ còn đoan chắc rằng kể cả trong trường hợp Pháp có ý định đẩy người di cư bất hợp pháp lên những chuyến tàu hay phà để đưa họ sang Anh, xứ sở sương mù hoàn toàn có khả năng “gửi thẳng họ trở về Pháp”.

Thủ tướng Anh David Cameron (trái) và Tổng thống Pháp François Hollande sau cuộc gặp cấp cao hôm 3/3. Ảnh: Guardian.
Thủ tướng Anh David Cameron (trái) và Tổng thống Pháp François Hollande sau cuộc gặp cấp cao hôm 3/3. Ảnh: Guardian.

Vậy các chính trị gia nước Anh trên phố Downing phản ứng ra sao? Liệu làn sóng lo sợ trước những sự “can thiệp” của các nhân vật lãnh đạo cấp cao nước ngoài có ảnh hưởng nhiều đến quốc gia này không?

Thủ tướng Cameron đã lên tiếng phủ nhận việc chính phủ đang gánh sức ép, trái lại còn đưa ra lời hứa cung cấp thêm khoản tài chính 17 triệu Bảng Anh để giúp nước Pháp đối phó với khủng hoảng di cư đang dày vò Calais cũng như nhiều địa danh khác. Khoản tiền này sẽ dành cho những nỗ lực đưa người di cư từ trại Calais tới các cơ sở khác ở Pháp và cùng chung sức với nước bạn để đưa những người di cư không thuộc trường hợp cần phải bảo vệ hồi hương.

Ông đáp trả đầy ẩn ý nhưng thể hiện rõ tinh thần cầu thị: “Rất nhiều người đang cố gắng bày tỏ quan điểm cá nhân của họ, và chúng tôi có thể chọn lắng nghe hoặc không. Tôi sẽ nói với mọi người rằng, với các nhà lãnh đạo của các nước vốn mong muốn điều tốt đẹp xảy đến với Anh như New Zealand, Australia, Canada, Mỹ, Pháp - khi nhận được thông điệp từ họ, đó là những điều đáng tiếp thu. Khi các tổ chức kinh doanh đại diện cho các doanh nghiệp nhỏ lẫn lớn nói rằng có những rủi ro nếu Anh rời EU, nên lắng nghe ý kiến của họ”.

Trước tình hình hiện nay khi Pháp chưa thể hiện rõ ràng lập trường của họ về vấn đề này, cách đáp trả của nhà lãnh đạo nước Anh là mềm dẻo nhưng không kém phần cương quyết.

Điều đáng nói là chúng ta có thể nhận thấy cùng với những rắc rối nảy sinh từ bên ngoài, những dấu hiệu rạn vỡ trong lòng EU đang ngày một rõ rệt hơn. Các thành viên EU cần hiểu rõ sự tồn tại của một liên minh bền vững phụ thuộc rất lớn vào cách các nước giải quyết những bất đồng, trên cơ sở mang tính xây dựng và tôn trọng lẫn nhau.

Những “mánh đòn” dọa dẫm không những phi hiệu quả, mà nhiều lúc còn trở nên phản tác dụng nếu được áp dụng sai thời điểm, nhầm đối tượng.

Thu Giang

TIN LIÊN QUAN