Shinzo Abe - Donald Trump: Phép thử cho cả hai

17/11/2016 06:35

(Baonghean) - Chưa đầy 10 ngày sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến thăm Mỹ ngày 17/11 và có cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống đắc cử Donald Trump. Việc Thủ tướng Nhật Bản hội đàm với Tổng thống mới đắc cử của Mỹ trước khi nhậm chức là sự kiện chưa từng có tiền lệ. Cuộc gặp vội vàng này được cho là phép thử với cả hai.

Hiệu ứng Trump ở Tokyo

Trong khi nhiều thành viên chính phủ của ông Abe chưa hết bàng hoàng về kết quả bầu cử Mỹ, thì 1 ngày sau đó, Thủ tướng Nhật Bản đã ngay lập tức có cuộc điện đàm với người mới đắc cử Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông Abe chúc mừng tỷ phú Trump, đồng thời bày tỏ niềm tin rằng dưới sự lãnh đạo của ông Trump, nước Mỹ chắc chắn sẽ trở nên vĩ đại hơn. Họ cũng nhanh chóng ấn định buổi gặp gỡ đầu tiên tại New York vào ngày 17/11.

Những động thái từ nhà lãnh đạo của Nhật Bản gây không ít sự tò mò. Tuy vậy, có nhiều lý do giải thích cho cuộc gặp vội vàng này.

Có thể Thủ tướng Abe muốn tranh thủ thời gian tạo mối quan hệ cá nhân thân mật giữa hai nhà lãnh đạo của hai nước đồng minh. Bởi trước đó, Nhật Bản được cho là đã dự đoán cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ là chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.

Bằng chứng là chỉ một vài ngày trước bầu cử Mỹ, các quan chức chính phủ tiết lộ cho giới truyền thông Nhật Bản rằng ông Abe đã kế hoạch thăm Washington trong tháng 2/2017, để hội đàm với bà Clinton. Trước nữa, hồi tháng 9, Thủ tướng Abe cũng có chuyến thăm Mỹ và chỉ gặp bà Clinton. Đây cũng là điều chưa từng có tiền lệ khi một thủ tướng gặp ứng viên Tổng thống.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) và Tổng thống đắc cử Donald Trump.Ảnh: AP
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) và Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ảnh: AP

Đó cũng có thể là cách để đánh giá thực hư tuyên bố tranh cử của ông Trump liên quan đến Nhật Bản - vốn khiến Tokyo quan ngại về rạn nứt trong quan hệ đồng minh với Washington. Trong thời gian vận động tranh cử, ông Trump từng gây xôn xao dư luận ở Nhật Bản và Hàn Quốc với tuyên bố muốn hai nước này trả thêm tiền để Mỹ tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ quốc phòng.

Hiện tại, khoảng 50.000 lính Mỹ vẫn đồn trú tại Nhật Bản. Mặc dù chính phủ Nhật Bản hàng năm đã trả một khoản phí tự nguyện (khoảng 1,9 tỷ USD) hỗ trợ lính Mỹ, nhưng ông Trump vẫn cho rằng số tiền này chưa thỏa đáng với gánh nặng tài chính về mặt quân sự mà Lầu Năm Góc đang đối mặt. Thậm chí ông Trump còn phàn nàn rằng mối quan hệ Mỹ - Nhật là “một chiều”, Mỹ phải gánh vác quá nhiều gánh nặng, trong khi nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới là bên “hưởng lợi miễn phí”.

Vấn đề quan tâm của người Nhật là không rõ ông Trump có thực sự yêu cầu Nhật Bản phải trả thêm tiền không, và nếu không trả, Mỹ có rút lực lượng quân sự ra khỏi Nhật Bản hay không?

Ngoài ra, ông Trump thậm chí còn gợi ý Nhật Bản có thể trở thành một cường quốc hạt nhân để đối phó với Triều Tiên. Lời gợi ý này đã khiến nhiều người dân Nhật Bản sốc bởi họ là nạn nhân duy nhất trên thế giới từng phải hứng chịu một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân.

Không chỉ có vậy, Tổng thống vừa đắc cử Donald Trump còn cam kết sẽ rút Mỹ ra khỏi tư cách thành viên TPP ngay ngày đầu tiên nhậm chức. Hiện, “số phận” của TPP hết sức mong manh. Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa cũng khẳng định không đưa TPP ra bỏ phiếu trong thời gian chuyển giao quyền lực và chấm dứt các cuộc đàm phán cho đến khi chính quyền mới nhậm chức.

Đây là điều khiến chính phủ của Thủ tướng Abe “đứng ngồi không yên”. Thực tế, TPP sẽ không thể có hiệu lực nếu như không được Quốc hội Mỹ thông qua và thất bại này sẽ tạo ra khoảng trống lớn trong chương trình phát triển kinh tế của ông Abe.

Vì vậy, ngoài chuyện xác thực sớm mối quan hệ Nhật - Mỹ trong lộ trình của Tổng thống đắc cử Donald Trump, ông Abe sẽ “bày tỏ suy nghĩ” với ông Trump về “tầm quan trọng của tự do thương mại” trong chuyến thăm lần này, với hy vọng chính quyền mới của Mỹ sẽ không “bỏ rơi” hiệp định vốn được Tokyo trông đợi. Trong trường hợp, vị chủ nhân tương lai của Nhà Trắng khăng khăng “vứt bỏ TPP”, Nhật Bản cần nhanh chóng tính đến phương án “làm hồi sinh” hiệp định này với 10 thành viên khác.

Phép thử cho Trump về châu Á

Ở khía cạnh khác, cuộc gặp mặt giữa Thủ tướng Abe và vị Tổng thống vừa đắc cử của Mỹ không chỉ giúp Tokyo “giải mã” những mối hoài nghi mà còn giúp các nước châu Á có cái nhìn đầu tiên về chính sách của ông Trump với châu lục này trong tương lai. Nói cách khác, đây sẽ là phép thử đầu tiên về chính sách đối ngoại của Trump đối với châu Á.

Mỹ duy trì căn cứ quân sự trên đảo Okinawa của Nhật Bản. Ảnh: EPA.
Mỹ duy trì căn cứ quân sự trên đảo Okinawa của Nhật Bản. Ảnh: EPA.

Nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá, những quan điểm chính trị được đưa ra trong quá trình tranh cử chưa hẳn sẽ được thực hiện khi các ứng cử viên thắng cử. Điều này cũng có thể sẽ xảy ra trong trường hợp của ông Trump.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump tỏ ra không mấy coi trọng các mối quan hệ liên minh của Mỹ ở châu Á, tuy nhiên ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố, ông Trump đã “đột ngột” thay đổi thái độ và tìm cách trấn an các đồng minh ở châu Á khi điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye. Ông tái khẳng định mạnh mẽ về sự ủng hộ của Mỹ đối với cả hai đồng minh này. Ông Trump còn cho biết, ông đánh giá cao chính sách kinh tế của Thủ tướng Abe và chờ đợi được làm việc với Nhà lãnh đạo Nhật Bản.

Giới quan sát cho rằng, nhiều khả năng Thủ tướng Shinzo Abe sẽ tiếp tục lãnh đạo Nhật Bản qua năm 2021 nhờ vào một sự thay đổi quy tắc trong đảng Dân chủ Tự do. Vì vậy, mối quan hệ Donald Trump - Shinzo Abe sẽ đặc biệt quan trọng đối với chính sách của Mỹ ở châu Á.

Giai đoạn hiện nay, khi những vị trí quan trọng liên quan đến chính sách đối ngoại của Mỹ tại châu Á vẫn chưa ngã ngũ, cuộc gặp mặt với Thủ tướng Nhật Bản có thể tác động đến những quyết định về nhân sự trong chính quyền tương lai của ông Donald Trump.

Giới quan sát cho rằng, Thủ tướng Abe có thể sẽ dẫn dắt cuộc nói chuyện với ông Trump theo hướng mình mong muốn và tập trung vào việc hình thành những đường nét cơ bản cho chiến lược đồng minh Mỹ - Nhật nói riêng và châu Á nói chung của Tổng thống đắc cử.

Thanh Huyền

TIN LIÊN QUAN