Lão nông Nghệ An nức tiếng là 'nghệ nhân' làm trúm bắt lươn vô cùng hiệu quả
(Baonghean.vn) - Ông Nguyễn Văn Kính ở xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu, Nghệ An) được mệnh danh là “cao thủ” làm trúm bắt lươn đồng vốn đang là nghề tạo việc làm, giúp nhiều hộ dân nông thôn có thu nhập khá...
Độ này, gia đình ông Nguyễn Văn Kính đang bận rộn với nghề làm trúm bắt lươn đồng. Nhiều người trong, ngoài tỉnh đến tận nhà ông hoặc gọi điện để đặt hàng. Gắn bó với nghề làm trúm đã hơn 30 năm nay, ông Kính làm trúm lươn nổi tiếng cả vùng, có người cho rằng đã đến tầm nghệ nhân.
Thời gian này, ông Nguyễn Văn Kính ở xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu) luôn bận rộn nghề làm trúm bắt lươn đồng. Ảnh: Việt Hùng |
Mỗi chiếc trúm làm ra đều thể hiện sự tinh tế, kỹ thuật, giúp người đi săn lươn đạt được hiệu quả. Ông Kính chia sẻ: “Trước đây, khi còn trẻ tôi cũng có thời gian đi thả trúm nhưng sau đó đã tự mày mò làm ống trúm và duy trì nghề cho đến nay. Không như các nghề khác làm theo thời vụ mà nghề này làm quanh năm, trong đó vào khoảng tháng 1 – 4 âm lịch là mùa cao điểm, bán rất chạy hàng bởi đây là dịp lươn đồng sinh sản nhiều và người dân tập trung đi săn. Bình quân mỗi tháng, tôi làm khoảng 3.000 trúm với kích cỡ khác nhau, được bán với giá 3.000 đồng/chiếc”.
Nguyên liệu làm trúm là tre, nứa được ông Kính thu mua từ các huyện miền núi về, xom đem phân loại. Người dân đến nhà đặt làm trúm theo kích cỡ nào, ông đều sẵn sàng làm cho họ.
Sau khi cắt từng ống trúm là khâu khoan lỗ trúm để khi lươn vào bẫy vẫn sống. Làm nắp trúm là công đoạn quan trọng nhất để dụ lươn vào ăn mồi dễ dàng và không thể trườn ra ngoài được. Nắp trúm được đan bằng nan tre già, được kết lại bằng sợi tre. Ảnh: Việt Hùng |
Anh Nguyễn Văn Bình ở xã Quỳnh Trang (T. X Hoàng Mai) cho biết, người dân ở làng anh làm nghề bắt lươn đều vào Quỳnh Lưu để đặt ông Kính làm trúm. "Trúm do chính tay ông Kính làm ra chúng tôi mới yên tâm bởi sử dụng cho thấy hiệu quả hơn hẳn người khác làm, trúm nào lươn đồng cũng đều mắc bẫy".
Đến tay thợ săn lươn, khâu quan trọng là chế mồi dụ lươn, họ dùng giun đất và cua xay nhuyễn cho vào nắp trúm. Ảnh: Việt Hùng. |
“Để mỗi chiếc trúm bắt được nhiều lươn thì một trong những yếu tố quan trọng đó là công đoạn làm nắp trúm. Nắp được đan bằng nan tre già, được kết lại bằng sợi tre. Đây là khâu khó nhất, đòi hỏi kỹ thuật cao, nan và dây tre phải chẻ rất mỏng được vót trơn mịn, để khi dụ lươn vào ăn mồi dễ dàng, không bị trầy xước vùng da và lươn bị nhốt ở trong không thể trườn ra ngoài được. Hiện nay có nhiều nơi làm trúm bằng ống nhựa PVC nhưng không thể “ăn” lươn bằng trúm nứa”, ông Kính nói.
Ngoài trúm, khâu quan trọng nữa để dụ lươn vào bẫy chính là cách dùng mồi.
Hiện nay, hầu hết các thợ săn ở Nghệ An đang dùng hai loại thức ăn mà con lươn thích nhất là giun đất và cua. Cua nướng lên thơm lừng trộn với giun đất băm nhuyễn sẽ tạo nên mùi tanh nồng mà không con lươn nào có thể cưỡng lại được.
Từ săn lươn đồng, mỗi ngày người dân thu nhập từ 200.000 – 500.0000 đồng. Ảnh: Việt Hùng. |
“Cá chết vì đăng, lươn chết vì mồi”, chúng nghe mùi là sẽ kéo nhau chui vào, có trúm đến cả chục con, bắt mãi không hết. Có người sau một đêm đặt từ 150 – 200 bẫy, thu về 2 – 3 kg cho thu nhập hơn 300.000 đồng. Vào mùa lươn sinh sản, có ngày thợ săn thu nhập 500.000 – 1 triệu đồng”, một thợ săn cho hay.