Nghệ An vào cuộc quyết liệt bảo vệ các đàn chim di trú
(Baonghean) - Hiện đang là thời điểm nhiều đàn chim từ phương Bắc di trú vào phương Nam tránh rét, các lực lượng chức năng ở Nghệ An đang đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ chim hoang dã và xử lý các trường hợp vi phạm.
Cạm bẫy trên đồng quê
Đây là thời điểm thời tiết phương Bắc bắt đầu se lạnh, những đàn chim hoang dã bắt đầu hành trình vào phương Nam tránh rét. Trên hành trình vạn dặm, không ít cánh chim trời không may bị sa vào cạm bẫy giăng sẵn dưới mặt đất, trở thành miếng mồi hay món hàng cho con người.
Những năm qua, Nghệ An là một trong những địa phương xảy ra hiện tượng người dân tổ chức đánh bắt, biến chim di trú thành hàng hóa tại các khu chợ và nhà hàng. Thậm chí, có thời điểm chim được bày bán tràn lan dọc các tuyến đường quốc lộ và khu dân cư gây không ít lo ngại và bức xúc về vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái. Những “điểm nóng” xảy ra hiện tượng săn bẫy chim hoang dã thuộc địa bàn các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn…
Người dân nhiều nơi ở Nghệ An từng quây lưới giữa đồng để bẫy chim di trú. Ảnh tư liệu: Công Kiên |
Có nhiều cách để bẫy, bắt chim hoang dã, ở Nghệ An người dân thường dùng cách giăng lưới và dùng chim mồi để đánh bắt những đàn chim di trú. Sau vụ gặt, những cánh đồng trơ gốc rạ là địa điểm được người dân chọn để giăng lưới bắt chim. Tùy vào số lượng nhiều hay ít, lưới sẽ được quây theo vùng rộng hay hẹp. Trên những tấm lưới thường được treo vỏ lon bia và các loại vật dụng phát ra âm thanh khi lưới đung đưa.
Những người săn bẫy chim còn mở flie ghi âm tiếng chim hót, tiếng còi để gây sự chú ý cho những đàn chim đang bay trên cao. Ban đêm, bay qua cánh đồng hoang vắng, nghe tiếng âm thanh ở phía dưới, đàn chim sẽ sà xuống, tìm đến điểm phát ra âm thanh để tìm đồng loại. Khi đàn chim lọt vào khoảng lưới, người săn sẽ xuất hiện và có hành động để đàn chim náo loạn và mắc vào mắt lưới. Lúc này người săn chỉ việc gỡ từng con chim mắc lưới rồi mang về.
Cò giả bằng xốp được đặt trên các thửa ruộng để bẫy chim cò di trú. Ảnh: CSCC |
Cách bẫy bằng chim mồi cũng thường diễn ra ở những cánh đồng, người dân dùng miếng xốp cắt thành hình chim cò và rải trên các thửa ruộng, xung quanh là những thanh tre, gỗ được phết đầy keo dính. Cũng có nơi người dân dùng chim thật là làm mồi bẫy, lấy giây buộc chân chim cạnh bờ ruộng để thu hút sự chú ý của chim trời. Đang bay trên không trung, thấy đàn cò xốp bên dưới, tưởng đồng loại đang kiếm ăn, đàn chim di trú liền sà xuống.
Không ít chú chim “xấu số” đã bị dính keo và rơi vào tay con người. Số chim di trú bẫy được, người dân thường đem ra bán tại các khu chợ và nhà hàng đặc sản với mức giá trên dưới 20 nghìn đồng/con. Với cách săn, bẫy này, mỗi mùa chim di trú ông Nguyễn Đình Liên ở xã Minh Châu (Diễn Châu) đánh bắt được khoảng 500 con, bán được hàng chục triệu đồng.
Đoàn kiểm tra liên ngành xã Diễn Thọ (Diễn Châu) ra quân xử lý, dỡ bỏ các điểm bẫy chim di trú trái phép. Ảnh: CSCC |
Và nhờ việc săn, bẫy chim hoang dã, nhiều người dân ở các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc có thu nhập hàng trăm, có khi hàng triệu đồng mỗi ngày, tùy thuộc vào số lượng chim bẫy được.
Vào cuộc quyết liệt
Những ngày này, có dịp đi qua những cánh đồng lớn ở vùng đồng bằng và trung du, chúng tôi nhận thấy gần như không còn cảnh cò xốp rải trắng đồng như thời điểm này những năm trước. Điều đó cho thấy lực lượng chức năng và chính quyền các cấp đã vào cuộc quyết liệt để bảo vệ chim hoang dã và nhận thức của người dân đã bắt đầu được nâng cao.
Điển hình là huyện Diễn Châu – nơi những năm trước là một trong những “điểm nóng”, nhất là ở các xã Diễn Thịnh, Diễn Lộc, Diễn Phú và Minh Châu… Theo số liệu của Hạt Kiểm lâm, huyện Diễn Châu, qua gần 20 ngày ra quân, các xã đã triệt xóa 545 điểm đánh bắt chim cò, tiến hành thu giữ trên 35.000 m lưới và tiêu hủy gần 75.00 cò giả làm bằng xốp.
Cò giả làm bằng xốp được lực lượng chức năng huyện Diễn Châu thu giữ chờ tiêu hủy. Ảnh: CSCC |
Đặc biệt, tại xã Diễn Thọ, chỉ trong một buổi ra quân, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Kiểm lâm huyện, công an, quân sự xã đã phá dỡ 30 điểm bẫy chim cò, tiêu hủy 450 con cò giả và 800m lưới.
Ông Hoàng Hữu Tình – Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Thọ cho biết: “Theo chỉ đạo của cấp trên, xã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, thường xuyên ra quân xử lý các trường hợp vi phạm quy định bảo vệ động vật hoang dã, trong đó có chim di trú. Cùng với đó tiến hành kiểm tra các nhà hàng, khu chợ trên địa bàn, nếu phát hiện tình trạng buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ các loài chim hoang dã sẽ bị xử lý theo quy định”.
Cũng như ở Diễn Châu, các cánh đồng ở huyện Nghi Lộc gần đây cũng đã vắng bóng dần màu trắng của những đàn cò xốp, những đàn cò thật được thản nhiên chao lượn giữa không trung và kiếm ăn trên đồng ruộng. Các xã Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Thiết, Nghi Hưng và Nghi Đồng vốn là những “điểm nóng” về săn bắt chim di trú nhưng tình hình cơ bản cũng đã “hạ nhiệt”.
Lực lượng chức năng huyện Diễn Châu tuyên truyền, vận động nhân dân ký cam kết không đánh bắt, vận chuyển, tiêu thụ và giết mổ động vật hoang dã. Ảnh: CSCC |
Theo anh Trương Thanh Bình – kiểm lâm viên phụ trách xã Nghi Yên, cách đây không lâu trên địa bàn xảy ra tình trạng ở một số khu vực người dân cò xốp để săn, bẫy chim di trú. Phát hiện tình trạng này, anh đã tham mưu UBND xã Nghi Yên ra thông báo cấm các hành vi săn bắt, đánh bẫy, mua bán, giết mổ các loại chim di trú và động vật hoang dã.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm và đẩy mạnh tuyên truyền và yêu cầu các hộ gia đình và nhà hàng thực hiện cam kết không vi phạm quy định săn, bẫy, giết mổ và tiêu thụ chim hoang dã.
Theo thông tin từ Hạt Kiểm Lâm huyện Nghi Lộc, từ cuối tháng 9, đơn vị đã tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch tăng cường quản lý động vật hoang dã trên địa bàn. Trong đó có nội dung các ban, ngành liên quan phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã.
Đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra tiến hành thu giữ, phá hủy lưới và cò xốp trên đồng ruộng; tổ chức ký cam kết không kinh doanh, giết mổ, vận chuyển và tiêu thụ động vật hoang dã, trong đó có chim di trú.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, nhiều cánh đồng không còn cò giả và lưới bẫy chim di trú. Ảnh: Công Kiên |
“Triển khai kế hoạch, chúng tôi chủ động phối hợp với các xã tiến hành phát hiện, đấu tranh và xử lý các trường hợp cố tình vi phạm. Sau một tuần thực hiện quyết liệt, đến nay tình trạng săn bắt và bẫy chim hoang dã đã giảm hẳn, trên đồng bãi không còn chim mồi và lưới bẫy” – ông Nguyễn Hồng Lam, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nghi Lộc cho biết.
“Vào mùa mưa bão có nhiều loài chim di cư đến trú ẩn và kiếm ăn trên địa bàn Nghệ An, người dân ở một số địa phương đã tổ chức săn bắt trái quy định. Cuối tháng 9, Chi cục Kiểm Lâm đã có văn bản yêu cầu các Hạt kiểm lâm trực thuộc tăng cường quản lý chim di cư trong mùa mưa, phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền không săn bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật hoang dã và tổ chức truy quét nạn săn bắt chim di cư”.