Anh Sơn phát triển thương hiệu cam bù thành sản phẩm chủ lực

Thái Hiền 15/02/2022 08:25

(Baonghean.vn) - Với những đặc trưng nổi bật, hiện nay 2 giống cam bù Kim Nhan và cam bù Sen của Anh Sơn đã có mặt trên khắp thị trường trong nước, từng bước khẳng định và nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống của địa phương.

Sau những ngày Tết Nguyên đán, thời điểm này gia đình ông Trần Văn Hải ở thôn 2, xã Hội Sơn đang thu hoạch những lứa cam bù Kim Nhan vàng óng cuối mùa để kịp giao cho khách đặt.

Ông Hải chia sẻ: Gia đình ông có 7 ha đất đồi, nằm dưới chân lèn Mé, ông đã quy hoạch toàn bộ diện tích này để trồng 3.500 gốc cam bù Kim Nhan, hiện nay 1.700 gốc đã cho thu hoạch còn lại là đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Với kinh nghiệm trồng cam đã hơn 20 năm nay và được tiếp cận phần lớn các giống cam nổi tiếng trên thị trường, ông Hải khẳng định hiện nay đặc sản cam bù Kim Nhan vẫn đang là cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình.

Thời điểm này gia đình ông Trần Văn Hải ở thôn 2 xã Hội Sơn đang thu hoạch những trái cam bù Kim Nhan vàng óng cuối mùa để kịp giao cho khách đặt. Ảnh Thái Hiền
Thời điểm này gia đình ông Trần Văn Hải ở thôn 2, xã Hội Sơn đang thu hoạch những trái cam bù Kim Nhan vàng óng cuối mùa để kịp giao cho khách đặt. Ảnh: Thái Hiền

Theo ông Hải, vườn cam bù Kim Nhan của gia đình ông là cây bản địa, được chọn lọc tự nhiên qua hàng chục năm và tồn tại đến ngày nay. Hiện nay, vườn cam bù Kim Nhan của gia đình ông đã được Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An và Hội đồng bình tuyển cây đầu dòng tỉnh Nghệ An công nhận cây đầu dòng đạt chuẩn để lấy mắt ghép sản xuất cây giống.

Sản phẩm cam bù Kim Nhan của gia đình ông đã được cấp chứng nhận VietGAP và được xếp hạng 3 sao trong chương trình OCOP mỗi xã một sản phẩm. Nhờ đầu tư, chăm sóc đúng kỹ thuật nên sản phẩm cam năm nay sai quả, không bị dịch hại nên quả to đều, đẹp mã, dự kiến cả vụ thu về 17 tấn quả, với giá tại vườn giao động từ 30-80 nghìn đồng/kg, tùy thời điểm và tùy phân loại quả. Sau khi trừ chi phí cho gia đình ông Hải thu về hơn 600 triệu đồng.

Nhờ đầu tư, chăm sóc đúng kỹ thuật nên sản phẩm cam bu Kim Nhan năm nay sai quả, không bị dịch hại nên quả to đều, đẹp mã. Ảnh Thái Hiền
Nhờ đầu tư, chăm sóc đúng kỹ thuật nên sản phẩm cam bù Kim Nhan năm nay sai quả, không bị dịch hại nên quả to đều, đẹp mã. Ảnh: Thái Hiền

Những ngày này, vườn cam bù Sen của gia đình anh Hoàng Đình Quyên thôn 9, xã Khai Sơn cũng đang bận rộn thu hoạch những lứa cam cuối cùng cho khách hàng đặt mua.

Anh Quyên cho biết: Gia đình hiện có 400 gốc cam bù Sen cho thu hoạch. Hàng năm, loại cam này được nhiều khách hàng đến tận vườn để đặt mua về ăn hoặc làm quà biếu. Để cây cam phát triển bền vững, gia đình không chỉ chú ý đến khâu chăm sóc để mang đến cho người tiêu dùng những quả cam đảm bảo chất lượng nhất, mà còn áp dụng KHKT vào chăm sóc ngay từ đầu vụ, đồng thời chủ động chăm bón, tìm cách hãm cam chín muộn hơn để bán đúng vào dịp trước, trong và sau Tết.

Vụ cam năm nay của gia đình anh ước đạt gần 8 tấn quả; Thời điểm Tết cổ truyền có giá từ 50.000- 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá hiện tại đã hạ nhiệt chỉ còn mức trung bình 20.000 - 50.000 đồng/kg, tùy mẫu mã. Sau khi trừ chi phí gia đình thu về 300 triệu đồng.

Những năm gần đây, cam bù ở Anh Sơn rất được người tiêu dùng ưa chuộng, cam được thương lái vào tận vườn thu mua. Ảnh Thái Hiền
Những năm gần đây, cam bù ở Anh Sơn rất được người tiêu dùng ưa chuộng, cam được thương lái vào tận vườn thu mua. Ảnh: Thái Hiền

Cam bù ở Anh Sơn hiện được trồng nhiều ở 2 xã Hội Sơn và Khai Sơn. Đặc điểm của 2 giống cam này là có khả năng chịu bệnh, chịu hạn tốt và chịu úng tốt hơn các loại cây có múi khác. Cam chín vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, bắt đầu từ đầu tháng 12 âm lịch và kéo dài đến hết tháng Giêng năm sau. Khi chín vỏ có màu đỏ cam, có vị ngọt đậm đà, hơi chua thanh, mặn, tép cam mềm và ráo. Năng suất bình quân 50-70kg/cây; cá biệt có những cây cho năng suất 100-300 kg/cây.

Với những đặc trưng như vậy, những năm gần đây, cam bù ở Anh Sơn rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Vụ cam năm nay, sản lượng dự kiến đạt hơn 300 tấn, mang lại doanh thu dự kiến trên 20 tỷ đồng cho bà con nông dân. Đây là một trong những cây trồng chủ lực mang lại thu nhập chính cho người dân nơi đây, là sản phẩm đặc sản mà huyện Anh Sơn khuyến khích phát triển, tập trung sản xuất theo hướng hàng hóa chất lượng cao.

Anh Sơn phát triển thương hiệu Cam Bù thành sản phẩm chủ lực. Ảnh Thái Hiền
Anh Sơn đang tập trung phát triển thương hiệu cam bù thành sản phẩm chủ lực. Ảnh: Thái Hiền

Ông Nguyễn Đăng Khoa - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Anh Sơn cho biết: Xác định được những tiềm năng, lợi thế của giống cam bù Kim Nhan và cam bù Sen trong việc phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo, UBND huyện đã xây dựng đề án phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó tập trung phục hồi, lưu trữ, bảo tồn nguồn giống và phát triển diện tích trồng cam bù đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Ngoài ra thời gian qua huyện Anh Sơn cùng với các ngành chức năng đã hoàn thành các bước để công nhận cây đầu dòng với 2 giống cam bù Kim Nhan và cam bù Sen nhằm phục vụ tốt cho việc mở rộng diện tích sản xuất tại địa phương bằng nguồn giống đảm bảo, có chất lượng cao. Huyện cũng chỉ đạo Hội Nông dân xã Hội Sơn và xã Khai Sơn thành lập 2 tổ hợp tác trồng cam bù, qua đó tạo sự liên kết chặt chẽ trong quá trình tiêu thụ, giới thiệu và quảng bá sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên trong tổ hợp tác.

Thái Hiền