Ghi ở xóm trọ công nhân

Diệp Thanh 11/07/2022 17:01

(Baonghean.vn) -  Nhiều lần đến thăm nhà trọ, tôi tình cờ được chứng kiến, được biết, được nghe rất nhiều câu chuyện của công nhân lao động. Căn phòng trọ nóng bức, chật chội của họ thiếu đủ thứ nhưng lại thừa quá nhiều những tâm sự buồn và những nỗi vất vả.

Những phòng trọ thiếu đủ thứ

Tôi gặp gia đình chị Hà Thị Phượng trong một lần theo đoàn công tác của Liên đoàn Lao động tỉnh đến tặng quà cho công nhân lao động các xóm trọ tư nhân gần Khu Công nghiệp Bắc Vinh (xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên). Lúc đó là 6h chiều, trong lúc các phòng trọ khác tất bật nấu nướng thì vợ chồng anh Cường, chị Phượng có vẻ rảnh rang hơn, rủ nhau ra hành lang trò chuyện và gọi điện thoại về cho con. Vừa nựng con qua cái màn hình điện thoại, chị Phượng vừa nói: “Bé được 14 tháng thì vợ chồng em gửi con cho ông bà trên Quế Phong rồi xuống đây. Từ bữa giờ đi làm đã gần 5 tháng rồi chưa được gặp con. Nhớ lắm!”

Vợ chồng chị Phượng gọi điện thoại cho con sau giờ tan ca. Ảnh: Diệp Thanh

Xa nhà, xa con, thậm chí xa chồng, xa vợ là hoàn cảnh chung của rất nhiều công nhân thuê trọ. Với họ, thời điểm nỗi nhớ trở nên cồn cào nhất trong ngày có lẽ là vào buổi chiều hôm với tiếng cơm sôi, tiếng dao thớt lạch cạch.

Dãy phòng trọ của vợ chồng chị Phương có diện tích chừng 12-14 m2, được xây cách đây không lâu nên nước sơn vẫn còn mới. Tuy nhiên, phòng lợp mái tôn, lọt thỏm giữa các dãy nhà xung quanh. Cửa sổ duy nhất ngoảnh ra hông nhà chủ không hút nổi gợn gió, sự bí bức đọng lại thành từng giọt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt các thành viên. Vợ chồng chị Phượng chống chọi với sự nóng và bức bí của mùa Hè bằng chiếc quạt điện con con màu xanh lơ mượn của chủ dãy trọ. Trong điều kiện đó, dù có bật hết công suất, chiếc quạt cũng khó hạ nhiệt cho căn phòng.

Liên đoàn Lao động tỉnh thăm, tặng quà cho công nhân lao động tại các khu nhà trọ trong "Tháng Công nhân năm 2022". Ảnh: Diệp Thanh

Phòng trọ ở ngoài cùng của dãy, có cửa sổ ngoảnh ra một khu vườn nhỏ, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tưởng (công nhân thuê trọ ở xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên) không mấy khi phải phàn nàn về sự nóng. Thay vào đó, muỗi và mưa dột mới là vấn đề khiến anh chị bận tâm. Anh Tưởng nói: “Vì dãy trọ của chúng tôi được xây dựng khá lâu rồi nên tường có hiện tượng bong tróc, ẩm thấp. Hệ thống thoát nước cũ kỹ, chắp vá và vườn tược xum xuê xung quanh là nguyên nhân khiến dãy trọ có nhiều muỗi, dù chúng tôi thường xuyên dọn dẹp. Hôm nào trời mưa to thì còn khổ nữa, mưa tạt ướt nhẹp hành lang, chưa kể dột từ mái hoặc nước rịn từ các vách tường”.

May mắn các thành viên trong gia đình không phải xa nhau khi từ huyện Quỳnh Lưu vào làm công nhân tại Khu Công nghiệp VSIP, khó khăn của 2 vợ chồng chị Hồ Thị Ngân là phòng trọ quá chật nhưng người quá đông. Căn phòng trọ hơn 15 m2 của vợ chồng chị là chỗ ở cho 3 người lớn, 2 đứa trẻ: Vợ chồng chị, 2 đứa con và bà nội. Với tổng số lương hơn 10 triệu đồng/tháng của cả 2 vợ chồng, tiền bỉm, sữa đã 5-6 triệu đồng, anh chị chỉ có thể ở căn phòng này, chấp nhận người nằm trên giường, người nằm dưới đất, chật chội, hầm bí dưới cái nóng Hè oi bức. “Hồi vợ có bầu đã thấy vất vả rồi, nay con chào đời lại còn vất vả hơn. Vì nóng không chịu nổi nên mới đây 2 vợ chồng tôi chắt chiu gom góp mua lại 1 cây quạt hơi nước cũ để bà và các cháu có thể ngủ ngon hơn. Tuy nhiên, với thời tiết này, dù có quạt thì nhiều hôm các cháu cũng quấy khóc vì nóng và rôm sảy”, chồng chị Ngân thở dài.

Bữa cơm của gia đình anh Cường, chị Phượng với một số món ăn xin từ căng tin công ty. Ảnh: Diệp Thanh

Tôi từng chứng kiến những phân vân, cân nhắc của công nhân khi nâng lên đặt xuống một bó rau, những cái nhìn tiếc nuối trước một miếng thịt sạch hay mớ cá tươi… Nhưng lần này, khi vô tình đến với công nhân đúng vào giờ ăn, sự thiếu thốn, chật vật, giật gấu vá vai thể hiện theo một cách khác. “Chị có nhận ra đĩa cá này không có con nào nguyên không? Là vì em xin chúng về từ bữa ăn trưa nay ở căng tin công ty. Không phải đi chợ nấu nướng, chỉ cần hâm lại số thức ăn thừa này là bữa tối đỡ được phần nào chi phí rồi”, chị Lô Thị Phượng cười.

Trời tối hẳn, khi các dãy trọ đã leng keng bát đĩa trong những bữa cơm thì chị Lê Thị Oanh mới lật đật cất xe, mở phòng. Hôm nay công ty của chị tăng ca và chị không kịp mua gì ở chợ. Vơ vội cái rổ nhựa, chị Oanh ra vườn rau của chủ nhà. Một tay cầm rổ, một tay hái, chị Oanh chia sẻ: “Em từ Nghĩa Đàn xuống đây trọ và làm cũng được 1 năm rồi. Bác chủ nhà trọ tốt tính và thương công nhân nghèo nên cho chúng em sử dụng vườn rau để cải thiện. Tuy nhiên, chúng em cũng có ý giữ cho bác nên chỉ hôm nào bí quá mới xin bác thôi”.

Tăng ca về muộn, chị Oanh ra vườn chủ nhà trọ hái tạm ít rau để chuẩn bị bữa tối. Ảnh: Diệp Thanh

Sống cùng 2 người bạn gái, bữa cơm tối nay của phòng chị Oanh sẽ gồm rau luộc, trứng rán với mấy hũ vừng, hũ cà mang sẵn từ nhà xuống. Chị Oanh nói thêm, xóm trọ công nhân nghèo nhưng mọi người tình cảm lắm, ai về quê cũng tranh thủ mang thêm đồ ăn để chia cho hàng xóm một ít.

Cần lắm những quan tâm

Trong sự thiếu thốn của đời công nhân, rất dễ để bắt gặp những khoảng khắc sẻ chia mà chị Oanh nói đến. Họ tặng nhau nải chuối quê hay gói măng khô, hũ nhút mít hay ít cà chua, là đùm lạc mới hay mấy củ khoai vừa bới… Không chỉ giữa phòng này với phòng kia, dãy này với dãy kia, mà còn giữa những người đồng nghiệp trong cùng một công ty, giữa chủ cho thuê trọ và công nhân thuê trọ. Trong chuyến đi của mình, tôi nhớ mãi chuyện một chủ nhà trọ áy náy mãi vì hông xôi mà không đủ để biếu cho các khách trọ nhà mình. Món quà chẳng đáng bao nhiêu nhưng sao mà đáng yêu, đáng quý!

Cán bộ công đoàn LĐLĐ tỉnh và KKT Đông Nam nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động khu nhà trọ. Ảnh: Hoàng Yến

Cùng với sự thăm hỏi và mong muốn được đồng hành, hỗ trợ, những món quà là chiếc quạt cây và tiền mặt 300.000 đồng mà Công đoàn Nghệ An bất ngờ tặng tận tay công nhân mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Chia sẻ về hoạt động này, đồng chí Kha Văn Tám - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An nói: “Đây là năm thứ 2 chúng tôi tổ chức Chương trình “Đến với nhà trọ công nhân” và cảm thấy hoạt động này vô cùng thiết thực. Có đến tận nơi người lao động ở mới hiểu hết những khó khăn, vất vả của công nhân, mới hiểu được họ cần được chăm lo hơn cả về vật chất lẫn tinh thần. Sự chăm lo đó phải đến từ toàn xã hội, từ chính quyền đến doanh nghiệp, từ công đoàn đến chủ nhà trọ, từ các chính sách lớn đến những hoạt động cụ thể…”.

Xúc động thay con đón nhận món quà từ Liên đoàn Lao động tỉnh và Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6), chị Hồ Thị Ngân trải lòng: “Sự hỗ trợ dù ít dù nhiều của các tập thể, cá nhân có ý nghĩa rất lớn đối với công nhân nghèo chúng tôi. Trải qua giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19, chúng tôi vui vì liên tiếp đón nhận những món quà, những chương trình hỗ trợ và những tin tốt lành. Đó là những món quà động viên, là gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng dành cho công nhân thuê trọ, là thông tin về 2 dự án nhà ở xã hội cho công nhân. Sự quan tâm đó là động lực để chúng tôi cố gắng vươn lên trong cuộc sống, nỗ lực lao động, sản xuất để góp phần vào sự phát triển chung của xã hội”.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh - ông Kha Văn Tám, trao quà cho công nhân thuê trọ Hưng Tây (Hưng Nguyên) trong chương trình "Đến với nhà trọ công nhân". Ảnh: Diệp Thanh

Thấu hiểu, đồng cảm với công nhân thuê trọ, bà Trần Thị Hảo - chủ một nhà trọ ở xã Hưng Tây (Hưng Nguyên) chia sẻ: “Cho công nhân thuê trọ nhiều năm nay, tôi hiểu những khó khăn, hạn chế của họ. Trong số đó, nhiều người có những mặc cảm về vị trí, công việc của mình, nhiều người nỗ lực nhưng không thoát được sự nghèo khó. Vẫn biết rằng, các cơ quan chức năng quan tâm đến người lao động nhưng tôi cho rằng, sự quan tâm đó cần đồng bộ, quyết liệt hơn nữa. Không chỉ là hỗ trợ, không chỉ là tặng quà mà hãy để đời sống công nhân ổn định bằng mức thu nhập lâu dài của họ. Khi mức lương tăng cao thì chắc chắn đời sống vật chất lẫn tinh thần của công nhân sẽ cải thiện”.

Diệp Thanh