Nhạc sĩ người Nghệ với ca khúc bất hủ về xứ sở ngàn hoa

Công Kiên 04/11/2022 07:06

(Baonghean.vn) -  Người dân Đà Lạt (Lâm Đồng) luôn tự hào quê hương mình có nhiều ca khúc hay, thể hiện vẻ đẹp phong cảnh và tâm hồn lãng mạn của con người xứ sở ngàn hoa. Nổi bật là ca khúc “Ai lên xứ hoa đào” và “Bài thơ hoa đào” của Hoàng Nguyên - nhạc sĩ tài danh một thuở. Có điều, ít ai biết tác giả của hai ca khúc tuyệt hay về Đà Lạt lại là người con của quê hương Nghệ An.

Cơ duyên với xứ sở ngàn hoa

Hơn 4 năm trước, Chi hội Văn học - Nghệ thuật Diễn Châu tổ chức cuộc tọa đàm về nhạc sĩ Hoàng Nguyên, có sự tham gia của các nhạc sĩ tên tuổi và những người trong gia tộc. Ý kiến các đại biểu thống nhất cao về tiểu sử, cuộc đời của nhạc sĩ Hoàng Nguyên. Qua đó, khẳng định với gần 30 ca khúc đang được lưu hành, sự nghiệp sáng tác của ông đã mang lại niềm tự hào cho quê hương xứ Nghệ.

Nhạc sĩ Hoàng Nguyên. Ảnh tư liệu

Nhạc sĩ Hoàng Nguyên tên thật là Cao Cự Phúc (1930 - 1973), quê ở xã Diễn Bình (nay là xã Minh Châu), huyện Diễn Châu. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống về nghề y, mồ côi mẹ nên từ nhỏ sống cùng gia đình bên nội. Lớn lên, ông theo bố vào Quảng Trị tiếp tục con đường học hành rồi dạy học và sáng tác âm nhạc. Đây là nguyên do hàng chục năm qua không ít người đã nhầm lẫn là quê quán của nhạc sĩ ở Quảng Trị.

Do biến động của thời cuộc lịch sử, Cao Cự Phúc học ở Huế rồi lên Đà Lạt dạy học và sáng tác âm nhạc, rồi bị bắt đày ra Côn Đảo; ra tù, ông tiếp tục công việc giảng dạy và sáng tác âm nhạc ở Sài Gòn. Năm 1973, nhạc sĩ Hoàng Nguyên qua đời ở Vũng Tàu do tai nạn xe hơi khi ở độ tuổi 43, để lại niềm tiếc thương cho người thân, bạn bè khi sự nghiệp và con đường sáng tạo nghệ thuật còn dang dở.

Một góc xã Diễn Bình (nay là xã Minh Châu), huyện Diễn Châu (Nghệ An) - quê hương của nhạc sĩ Hoàng Nguyên. Ảnh: Nguyễn Thế Thắng

Nhạc sĩ Hoàng Nguyên thực sự có cơ duyên với cao nguyên Đà Lạt, nơi được xem là “Xứ sở đào nguyên”. Bởi thời điểm ấy, phong cảnh Đà Lạt còn rất đỗi nguyên sơ với núi đồi, rừng thông, hồ nước, khoác lên mình vẻ đẹp kỳ thú và thơ mộng, mang đến nỗi say đắm, bâng khuâng trong tâm hồn lữ khách.

Thời tiết Đà Lạt lại luôn luôn mát mẻ, muôn hoa đua nhau khoe sắc, sương chiều lãng đãng giăng mắc càng dễ gợi lên bao nỗi niềm, xúc cảm và rung động trong tâm hồn nghệ sĩ. Chắc bởi thế mà chàng nghệ sĩ sinh ra và lớn lên ở xứ Nghệ gió Lào đã say mê với cảnh vật, thiên nhiên xứ ngàn hoa, để rồi tâm hồn rung lên những điệu nhạc thiết tha, say đắm.

Tiến sĩ, nhà thơ Phạm Quốc Ca là đồng hương Diễn Châu và có hàng chục năm gắn bó với Đà Lạt đã chia sẻ: “Trong niềm kính phục và thương cảm đối với một nghệ sĩ tài hoa, bạc mệnh, tôi hình dung hình dáng thanh mảnh của Hoàng Nguyên đang thong thả dạo bước trên những con đường mờ sương Đà Lạt hay say đắm ngắm mùa hoa anh đào nở rực hồng…”.

Phong cảnh thơ mộng của Đà Lạt đã giúp nhạc sĩ Hoàng Nguyên sáng tác được nhiều ca khúc hay. Ảnh tư liệu

Theo nhà thơ Phạm Quốc Ca, có thể ai đó không nhớ tên Hoàng Nguyên nhưng người Đà Lạt không mấy ai không biết, không thuộc bài hát “Ai lên xứ hoa đào”. Ca khúc này trong các dịp lễ hội, trên đài phát thanh - truyền hình, trong Festival Hoa Đà Lạt, trong đám cưới, giao lưu văn nghệ, trong các đại nhạc hội và cả khi một mình thầm lặng tự hào về vẻ đẹp của quê hương

Ca khúc bất hủ về Đà Lạt

Cố nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, cũng là đồng hương Diễn Châu đã có bài tham luận tại buổi tọa đàm về nhạc sĩ Hoàng Nguyên vào năm 2018. Ông khẳng định: “Nếu nói về sáng tác âm nhạc thì Cao Cự Phúc - Hoàng Nguyên là một nhạc sĩ rất nổi tiếng ở thập niên 50, 60 của thế kỷ trước. Ông không chỉ sáng tác mà còn dạy nhạc, dàn dựng tác phẩm và phát hiện, bồi dưỡng những nhạc sĩ trẻ…”.

Và trên hành trình sáng tác của mình, nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã say mê Đà Lạt trinh nguyên thuở ban đầu. Cho nên, trong một thời gian ngắn, hai ca khúc về Đà Lạt được ông sáng tác và trở thành hai ca khúc bất hủ của vùng đất này, đó là “Ai lên xứ hoa đào” và “Bài thơ hoa đào”.

Vẻ đẹp Đà Lạt. Ảnh tư liệu

Hai ca khúc này được đánh giá giàu chất thơ, hết mực trong trẻo, thể hiện một tâm hồn lãng mạn và say đắm giữa vẻ đẹp thiên nhiên. Làm sao quên được ca từ của “Ai lên xứ hoa đào” đã khiến bao trái tim mê đắm: “Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi/Nghe hơi giá len vào hồn người chiều xuân mây êm trôi/Thông reo bên suối vắng lời dìu dặt như tiếng tơ/Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ/Nghe tâm tư mơ ước mộng đào nguyên đẹp như chuyện ngày xưa…”.

Ca từ và giai điệu của bài hát đã đưa người nghe lạc vào xứ sở đào nguyên. Ở đó có tiếng thông reo, suối vắng, khói sương, đường hoa, bướm lượn… ngỡ như chỉ có trong thế giới thần tiên, trong giấc mơ của người nghệ sĩ.

Giống với “Ai lên xứ hoa đào”, ca từ và giai điệu của “Bài thơ hoa đào” cũng mang đầy nỗi bâng khuâng và lấp lánh vẻ đẹp trinh nguyên cùng điệu hồn phiêu lãng: “Ngày nào dừng chân phiêu lãng/Khách tới đây khi hoa đào vương lối đi/Màu hoa in dáng trời/Tình hoa lưu luyến người/Bồi hồi lòng lữ khách thấy chơi vơi…”.

Nhạc sĩ Hoàng Nguyên - người con Nghệ An "tỏa hương" trên xứ sở ngàn hoa Đà Lạt. Ảnh tư liệu

Vẻ đẹp mộng mơ của Đà Lạt lần lượt hiện lên trong từng câu hát, tựa như lời thì thầm mời gọi của chốn đào nguyên. Không gian nghệ thuật của nhạc phẩm luôn là sức hút, là lời mời gọi những bước chân lữ thứ trên hành trình đi tìm cái đẹp. Và người yêu nhạc trữ tình có dịp được hòa điệu tâm hồn mình với thế giới âm thanh, hình sắc muôn màu của xứ sở ngàn hoa Đà Lạt.

Ngày nay, Đà Lạt vẫn là điểm du lịch nổi tiếng cả nước bởi khí hậu mát mẻ, phong cảnh nên thơ và nhịp sống yên bình. Nơi đây phù hợp với những người ưa vẻ đẹp thiên nhiên, thích được hòa mình vào cảnh vật và những đôi tình nhân lãng mạn hay đôi uyên ương hưởng tuần trăng mật.

Dù cảnh vật ít nhiều thay đổi so với thời điểm nhạc sĩ Hoàng Nguyên sinh sống nhưng Đà Lạt vẫn có sức hút với du khách trong nước và quốc tế. Chúng tôi nghĩ rằng, trong số hàng chục triệu du khách đến Đà Lạt hàng năm, có nhiều người tìm đến từ sự tò mò thu hút của ca khúc “Ai lên xứ hoa đào” và “Bài thơ hoa đào”.

Chương trình biểu diễn các ca khúc của nhạc sỹ Hoàng Nguyên. Ảnh tư liệu: Công Kiên

Nhạc sĩ Hoàng Nguyên và những ca khúc của ông về Đà Lạt được người dân nơi đây vô cùng yêu mến, riêng “Ai lên xứ hoa đào” được khắc trên đá hoa cương trong vườn hoa thành phố và có mặt hàng đầu trong các đĩa nhạc, tuyển tập ca khúc hay về Đà Lạt. Và nhiều người đang mong muốn có một con đường mang tên nhạc sĩ Hoàng Nguyên trên phố phường Đà Lạt.

Đồng thời, những người yêu âm nhạc cũng mong muốn nhạc sĩ tài hoa của đất Nghệ sẽ có dịp được vinh danh trên mảnh quê hương, xứng đáng với tài năng và cống hiến…

Công Kiên