damgo-b4-cover.png
Pháp luật

Bài cuối: Cần gióng tiếng chuông cảnh báo!

Nhật Lân - Tiến Đông 09/07/2024 08:49

Từ kết quả kiểm tra của Đoàn liên ngành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị UBND tỉnh thực hiện một số giải pháp căn bản. Về phía Hiệp hội Chế biến gỗ và Lâm sản ngoài gỗ tỉnh Nghệ An, dù kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm Kết luận 02- KL/TU ngày 13/05/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, nhưng nhìn nhận, đã đến lúc cần phải đánh giá lại…

Giải pháp của Sở NN&PTNT

Dù đã làm rõ những tồn tại, vi phạm, nhưng theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Báo cáo số 249 /BC-SNN.KL ngày 7/6/2024 thì hoạt động băm dăm gỗ trên địa bàn tỉnh có những mặt tích cực. Đó là đã mang lại một số hiệu quả về kinh tế, xã hội nhất định như tiêu thụ phần lớn gỗ rừng trồng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh; cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ; tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân tham gia vào quá trình khai thác, vận chuyển, chế biến gỗ rừng trồng. Đồng thời thúc đẩy phong trào trồng rừng nguyên liệu, từng bước nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân trồng rừng, góp phần ổn định kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng khu vực nông thôn và miền núi. Bên cạnh đó, tận dụng được tối đa sản phẩm gỗ (cành, nhánh, phế phẩm sau quá trình sản xuất gỗ bóc, ván ghép thanh...); tạo ra được nguồn lực kinh tế đáng kể, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh nhà.

Nông dân xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn thu hoạch keo. Ảnh tư liệu: Văn Trường
Nông dân xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn thu hoạch keo. Ảnh tư liệu: Văn Trường

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tồn tại, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, là bởi tỉnh có trên 228.435 ha rừng trồng, trong đó phần lớn là rừng trồng keo. Các cơ sở chế biến, băm dăm gỗ xây dựng, hoạt động trên địa bàn, xuất phát từ nhu cầu thực tế tại địa phương về giải quyết nhu cầu tiêu thụ nguồn nguyên liệu keo rất lớn cho các hộ gia đình, cá nhân trồng rừng, chủ rừng Nhà nước. Mặt khác, vị trí đặt các cơ sở này gần với vùng keo nguyên liệu, thuận lợi cho việc khai thác, vận chuyển, giảm tối đa chi phí từ đó tăng giá thành gỗ nguyên liệu; giải quyết được công ăn việc làm, thu nhập, đời sống cho người lao động, người trồng rừng.

Bên cạnh đó, nhận thức pháp luật của một số chủ cơ sở, nhất là các hộ kinh doanh còn nhiều hạn chế, đã vay vốn, thế chấp ngân hàng đầu tư lớn, xây dựng cơ sở băm dăm gỗ khi chưa đầy đủ thủ tục theo quy định. Về phía chính quyền địa phương, ở một số huyện, xã thực hiện chưa nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước; không kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn các sai phạm ngay khi mới phát sinh, đã để xảy ra tình trạng một số tổ chức, cá nhân đầu tư rất lớn về tiền bạc, xây dựng cơ sở băm dăm gỗ trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp. Quá trình kiểm tra xử lý vi phạm thì chưa dứt điểm, chưa quyết liệt dẫn đến tình trạng chủ cơ sở được kiểm tra không chấp hành, hoặc chấp hành không đầy đủ quyết định xử phạt, gây bức xúc dư luận.

Do số lượng cơ sở chế biến tại các huyện miền núi ít nên keo nguyên liệu chủ yếu được vận chuyển sang tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Đạo
Do số lượng cơ sở chế biến tại các huyện miền núi ít nên keo nguyên liệu chủ yếu được vận chuyển sang tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Đạo

Đánh giá những mặt tích cực, chỉ ra nguyên nhân tồn tại, hạn chế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam và UBND các huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý nhà nước và thực hiện một số giải pháp cụ thể. Trong đó, đáng lưu ý là kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành tham mưu cho UBND tỉnh các văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư các dự án có liên quan đến hoạt động chế biến lâm sản, đặc biệt là hoạt động chế biến dăm gỗ.

Với UBND các huyện, thị xã có cơ sở băm dăm gỗ, kiến nghị tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; thường xuyên tiến hành thanh, kiểm tra để phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý/tham mưu xử lý kịp thời, dứt điểm, theo đúng quy định pháp luật các vi phạm của các cơ sở chế biến, băm dăm gỗ; tuyệt đối không để cho các sai phạm kéo dài, gây khó khăn cho công tác xử lý. Đề nghị theo dõi, đôn đốc các cơ sở đã bị xử phạt vi phạm hành chính chấp hành quyết định xử phạt; xác minh, cưỡng chế đối với các trường hợp đủ điều kiện cưỡng chế.

Dây chuyền băm dăm của HTX Nông nghiệp Thanh Thủy đang tạm ngừng hoạt động. Ảnh: Tiến Đông
Dây chuyền băm dăm gỗ của HTX Nông nghiệp Thanh Thủy đang tạm ngừng hoạt động. Ảnh: Tiến Đông

Đồng thời, yêu cầu các cơ sở có hoạt động băm dăm gỗ chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định của pháp luật. Rà soát lại hoạt động của cơ sở mình nhằm kịp thời bổ sung, hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục còn thiếu để hoạt động sản xuất, kinh doanh đúng quy định pháp luật. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan có thẩm quyền xử lý và khắc phục hậu quả đối với các vi phạm đã được chỉ ra.

Cần gióng hồi chuông cảnh báo!

Bởi Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Chế biến gỗ và Lâm sản ngoài gỗ tỉnh, ông Nguyễn Tiến Lâm từng là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nên chúng tôi đã đề nghị cho được làm rõ một số nội dung kiến nghị tại Văn bản số 05/HHCBG&LS ngày 20/7/2023.

Theo ông Nguyễn Tiến Lâm nhìn nhận, đóng góp của lĩnh vực lâm nghiệp trong phát triển kinh tế của tỉnh chưa có nhiều thay đổi, thậm chí đang có dấu hiệu bị chững lại. Về kiến nghị của Hiệp hội lên UBND tỉnh, không nhằm việc cản trở, gây khó cho tổ chức, cá nhân có nguyện vọng tổ chức sản xuất, kinh doanh ngành gỗ. Lý do vì Luật Doanh nghiệp không nói ngành gỗ là một ngành kinh doanh có điều kiện. Ông Lâm nói: “Ý của Hiệp hội là không phải kiến nghị UBND tỉnh cấm việc tổ chức ngành gỗ, mà việc sản xuất ngành gỗ phải thực hiện đúng Luật Doanh nghiệp, nghĩa là phải đăng ký kinh doanh. Và điều kiện đăng ký kinh doanh là phải có đất, có nhân lực, có máy móc… Doanh nghiệp muốn kinh doanh ngành gỗ thì phải làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư để được cấp phép thành lập doanh nghiệp theo quy định. Nhưng hiện nay ở tỉnh đang có một số tổ chức đơn vị không đăng ký giấy phép kinh doanh, không thực hiện các nghĩa vụ theo quy định. Ý của Hiệp hội gỗ là cần quan tâm xử lý vấn đề này”.

Dù có một số bất cập, nhưng theo Sở NN&PTNT thì hoạt động băm dăm gỗ đem lại những mặt tích cực. Ảnh dăm gỗ tại dây chuyền của Công ty CP chế biến gỗ Hoàn Thành, Chi Khê
Dù có một số bất cập, nhưng theo Sở NN&PTNT thì hoạt động băm dăm gỗ đem lại những mặt tích cực. Ảnh: Dăm gỗ tại dây chuyền của Công ty CP chế biến gỗ Hoàn Thành, Chi Khê (Con Cuông). Ảnh: T.Đ

Trước trao đổi này của ông Nguyễn Tiến Lâm, đặt câu hỏi: Tại sao Hiệp hội lại dẫn nội dung “không đầu tư xây dựng mới các nhà máy chế biến sắn, bột giấy, gỗ băm” trong kết luận từ năm 2011, có thời hiệu thực hiện đến năm 2015 để đề nghị UBND tỉnh thực hiện. Trong khi kết luận này chưa hẳn đã phù hợp với thực tế trong phát triển kinh tế lâm nghiệp hiện nay? Bất ngờ là ông Nguyễn Tiến Lâm nhìn nhận Kết luận số 02 - KL/TU ngày 13/05/2011 đã không còn phù hợp ở giai đoạn hiện tại. Ông Lâm đã trả lời:“Kết luận số 02 được ban hành ở thời điểm đó là phù hợp, nhưng bây giờ phải rà soát lại và phải sửa đổi vì Luật Doanh nghiệp ra đời thì không cấm hoạt động băm dăm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đề xuất sửa văn bản này mấy lần nhưng văn bản chưa được sửa nên buộc phải thực hiện, vì nếu văn bản đang còn hiệu lực mà không thực hiện nghiêm cũng không được…”.

Dẫn ra những ghi nhận ở vùng Bãi Trành và cảng Nghi Sơn của tỉnh bạn Thanh Hóa, băn khoăn về giải pháp để nguồn nguyên liệu gỗ keo dồi dào của tỉnh được sử dụng trở thành sản phẩm xuất khẩu, qua đó tránh lãng phí, tăng thu cho ngân sách. Theo ông Nguyễn Tiến Lâm, trách nhiệm chính trước nội dung này thuộc Sở Công thương. Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Chế biến gỗ và Lâm sản ngoài gỗ tỉnh, ông Nguyễn Tiến Lâm trao đổi: “Sở Công thương phải trả lời cho UBND tỉnh về câu hỏi này. Vì Sở Công thương quản lý về chế biến, bao nhiêu nhà máy thì Sở Công thương phải cân đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư. Cần gõ lên một tiếng chuông để UBND tỉnh biết sự việc này. Nếu không có giải pháp đồng bộ để giải quyết, nhất là đồng bộ trong một chính sách thì sẽ không giải quyết được vấn đề…”.

Cần gõ lên một tiếng chuông để UBND tỉnh biết sự việc này. Nếu không có giải pháp đồng bộ để giải quyết, nhất là đồng bộ trong một chính sách thì sẽ không giải quyết được vấn đề…”.

Ông Nguyễn Tiến Lâm

* * *

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với tổng diện tích rừng trồng 228.435 ha rừng trồng, trong đó phần lớn là keo, toàn tỉnh có 45 doanh nghiệp chế biến gỗ, 98 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ, 3 nhà máy viên nén sinh khối. Giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 270,25 triệu USD, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 6,67%. Có thể, với một số người những con số này đã là ấn tượng. Tuy nhiên qua khảo sát thực tế của chúng tôi trong thời gian vừa qua đang cho thấy số doanh nghiệp đáp ứng được việc tiêu thụ gỗ keo nguyên liệu trên địa bàn tỉnh chỉ đếm trên đầu ngón tay, và đây là nguyên nhân dẫn đến ngành lâm nghiệp chưa có đóng góp thực sự tương xứng với vị thế của một địa phương có diện tích rừng lớn nhất cả nước.

Theo ông Nguyễn Danh Hùng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhu cầu đầu ra cho sản phẩm rừng trồng ở Nghệ An là rất lớn. Chính vì vậy, Sở đã tham mưu quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất phù hợp để đảm bảo sản xuất phát triển, đồng thời, đã tham mưu nhiều văn bản và có ý kiến đối với nhiều dự án sản xuất, chế biến lâm sản trên địa bàn, trong đó ưu tiên đối với các dự án chế biến sâu, sản xuất các sản phẩm có giá trị cao. Đồng ý với trao đổi này, cũng như một số giải pháp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Báo cáo số 249 /BC-SNN.KL ngày 7/6/2024 đã nêu ra ở trên. Nhưng như Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Chế biến gỗ và Lâm sản ngoài gỗ tỉnh, ông Nguyễn Tiến Lâm trao đổi, cần gõ một tiếng chuông cảnh báo. Vì nội dung này, cần được quan tâm đúng mức, và không chỉ riêng với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn!

Dù sở hữu diện tích trồng keo lớn, nhưng nguồn thu từ chính sản phẩm keo nguyên liệu của Nghệ An đang là vấn đề được nhiều người đặt câu hỏi. Ảnh: Nguyễn Đạo
Dù sở hữu diện tích trồng keo lớn, nhưng nguồn thu từ chính sản phẩm keo nguyên liệu của Nghệ An đang là vấn đề được nhiều người đặt câu hỏi. Ảnh: Nguyễn Đạo

>> Bài 1: Cận cảnh xưởng băm gỗ dăm không phép
>> Bài 2: Keo Nghệ, về Thanh…
>> Bài 3: Thanh kiểm tra hoạt động chế biến, băm gỗ dăm

Nhật Lân - Tiến Đông