Kinh tế

Người dân vùng sạt lở Kỳ Sơn mong nơi an cư

Xuân Hoàng - Quang An 06/10/2024 07:36

Nhiều gia đình trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đã phải bỏ nhà cửa đi ở nhờ nhà người thân do sạt lở đất. Hàng trăm hộ dân sinh sống trong vùng không an toàn mong chờ khu tái định cư để "an cư lạc nghiệp".

Mất nhà vì sạt lở đất

Sau 2 ngày xảy ra trận mưa lớn trên địa bàn xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn), chúng tôi có mặt tại điểm sạt lở nghiêm trọng tại bản Xiêng Thù. Bản nằm trên trục đường nối từ xã Chiêu Lưu vào xã Bảo Thắng. Khối lượng đất đá khổng lồ từ vách núi đổ xuống mặt đường, ập vào nhà dân, có những ngôi nhà bị vùi lấp, không thể khắc phục để ở. Các phương tiện tham gia giao thông không thể qua đoạn đường này từ nhiều ngày nay.

Ngôi nhà của gia đình chị Vi Thị Môn ở bản Xiêng Thù, xã Chiêu Lưu bị đất đá sạt lở vùi lấp. Ảnh: Quang An
Ngôi nhà của gia đình chị Vi Thị Môn ở bản Xiêng Thù, xã Chiêu Lưu bị đất đá sạt lở vùi lấp. Ảnh: Quang An

Chị Vi Thị Môn bế đứa con nhỏ trong tay, đứng trước ngôi nhà của mình vừa bị đất đá vùi lấp, gạt nước mắt, ngậm ngùi: Chồng chị - anh La Văn Ỏn sang bên Lào làm ăn, tích cóp được ít vốn, cách đây 4 năm xây cất được ngôi nhà khung gỗ, tường xây, trị giá gần 500 triệu đồng.

Những tưởng cuộc sống ổn định “an cư lạc nghiệp”, nhưng không ngờ chỉ sau một đêm mưa lớn, đất đá từ vách núi sau nhà đổ ập xuống, vợ chồng trở nên tay trắng.

bna_3(5).jpg
Cảnh tan hoang tại bản Xiêng Thù sau vụ sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Quang An

“May mà trước đó chính quyền địa phương đến hỗ trợ tháo dỡ hết phần gỗ, cùng đó vợ chồng đưa 2 đứa con nhỏ đến ở nhờ nhà khác, nên thoát nạn. Trước mắt thì cả gia đình ở nhờ nhà người thân, còn lâu dài chưa biết tính sao. Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương bố trí khu tái định cư để dựng nhà”, chị Vi Thị Môn bày tỏ.

Không chỉ nhà cửa bị vùi lấp mà tuyến đường cũng ngập đầy bùn đất, các phương tiện không thể lưu thông được. Ảnh: Xuân Hoàng
Không chỉ nhà cửa bị vùi lấp mà tuyến đường từ xã Chiêu Lưu đi xã Bảo Thắng cũng ngập đầy bùn đất, các phương tiện không thể lưu thông được. Ảnh: Xuân Hoàng

Theo người dân sinh sống ở bản Xiêng Thù, sau đợt mưa lũ lớn vào năm 2022 và 2023, tình trạng sạt lở núi ở khu vực này đã xảy ra, một số hộ dân đã bị mất nhà cửa. Riêng gia đình chị Vi Thị Môn vì không có chỗ để làm nhà nên cố ở lại. Do đó, gia đình đã đầu tư hàng chục triệu đồng để kè đá phía sau nhà, phòng sạt lở đất. Nhưng mưa lũ xảy ra liên tục, đất đá sạt lở kinh hoàng, khiến đoạn kè đá không thể chống đỡ được, nay phải chấp nhận tháo dỡ nhà để thoát thân.

Cách đó không xa, đất đá cũng đã tràn qua đường, đổ ập vào mảnh đất nhà bà Vi Thị Chiến và một số hộ dân khác. Đứng trước ngôi nhà đang bị đất đá đe dọa vùi lấp, bà Chiến cho biết không dám dựng lại nhà tại đây nữa mà sẽ di tản đến nhà người thân để sinh sống. Quan sát cho thấy, ở khu vực sạt lở nghiêm trọng này có trên 10 ngôi nhà trong cảnh thấp thỏm lo âu, bởi một bên là vách núi luôn trong tình trạng sạt lở, một bên là vực suối sâu thẳm, nguy cơ sạt lở mất nhà rất cao.

Vào mùa mưa lũ, nước các sông suối dâng cao dễ gây ngập nhà và sạt lở đất trên địa bàn Kỳ Sơn. Ảnh: Xuân Hoàng
Vào mùa mưa lũ, trên địa bàn Kỳ Sơn, nước các sông, suối dâng cao dễ gây ngập nhà và sạt lở đất. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Lô Văn Cáng – Chủ tịch UBND xã Chiêu Lưu cho biết: Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, đặc biệt là trận mưa lớn đêm 30/9, địa phương bị thiệt hại lớn về tài sản và cây trồng, hoa màu của người dân. Trong đó, 40 nhà dân bị ảnh hưởng do sạt lở đất và ngập nước, 5 nhà phải di dời khẩn cấp. Do được dự báo trước, cùng với huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân di chuyển nhà cửa, tài sản, con người ra khỏi vùng nguy hiểm, nên rất may không có thiệt hại về người, nhưng nhiều gia đình không còn nhà để ở.

Hiện tại, địa phương động viên các hộ dân khắc phục khó khăn, ở tạm trong nhà người thân, xã sẽ kiến nghị cấp trên bố trí khu tái định cư mới.

Sẽ bố trí khu tái định cư mới

Trao đổi với chúng tôi, ông Thò Bá Rê – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Trước mỗi đợt được dự báo có mưa to, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động xử lý các tình huống khi có mưa lớn xảy ra. Tuy nhiên, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 và đặc biệt là trận mưa lớn trong đêm 30/9, trên địa bàn huyện có 54 nhà dân bị thiệt hại. Trong đó, 3 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn.

Đây là tuyến giao thông huyết mạch của các bản vùng trung tâm xã Bảo Thắng, Chiêu Lưu. Trong đợt mưa lũ vừa qua, nhiều hộ dân phải di dời nhà cửa do sạt lở, lún sụt. Con đường này cũng bị xói lở nghiêm trọng, có những đoạn lở khoảng 50% diện tích mặt đường. Ảnh: Quang An
Một đoạn đường trên tuyến giao thông huyết mạch của các bản vùng trung tâm xã Bảo Thắng, Chiêu Lưu bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Quang An

Nhiều tuyến đường ở các xã: Hữu Kiệm, Chiêu Lưu, Bảo Thắng… bị sạt lở. Tuyến đường Xiêng Thù - Bảo Thắng tiếp tục bị sạt lở đất một số vị trí, gây hư hỏng 1 cống qua đường tại địa phận xã Bảo Thắng; đoạn qua bản Lưu Hòa, xã Chiêu Lưu bị sạt lở có nguy cơ đứt đường dài khoảng 70m.

Trên các tuyến đường xã (Xiềng Tắm - Xằng Trên - Xốp Dương - Cha Nga, Yên Hòa - Phà Chiếng, Noọng Dẻ - Huồi Pốc,...) của xã Nậm Cắn xảy ra các điểm sạt lở, tổng chiều dài sạt lở khoảng 80m, khối lượng khoảng hơn 1000m3.

Lòng đường đoạn qua xã Bảo Thắng bị lún sụt với độ dài khoảng 10 mét, gây hư hỏng cống qua đường. Ảnh: Xuân Hoàng
Điểm sạt lở tạo hàm ếch, ăn sâu vào nền đường. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Thò Bá Rê cho rằng, Chiêu Lưu là địa phương thường xuyên xảy ra mưa lớn, sạt lở đất, do đó từ năm 2023, huyện đã phối hợp với địa phương khảo sát thực tế tại các bản, đặc biệt tại các khu vực trọng yếu ngập nước, khu vực ven sông suối, vách núi... đã xác định trên dưới 300 hộ dân phải di dời, trong đó hơn 10 hộ thuộc diện di dời khẩn cấp tại bản Xiêng Thù.

Để các hộ này có nơi ở mới, huyện đã tính đến phương án lập khu tái định cư mới. Theo đó, huyện đã khảo sát khu vực đất Piêng Xẹt của bản Khe Nằn, xã Chiêu Lưu làm khu tái định cư mới cho hơn 300 hộ dân nói trên.

Nhiều hộ dân sinh sống trên Quốc lộ 7, một bên là sông Nâm Nơn nguy cơ sạt lở cao. Ảnh: Xuân Hoàng
Nhiều hộ dân sinh sống trên Quốc lộ 7, một bên là sông Nâm Mộ có nguy cơ sạt lở cao. Ảnh: Xuân Hoàng

“Để có điểm tái định cư mới, huyện còn phải lập dự án đề xuất với cấp trên, sau đó mới triển khai thực hiện, do đó thời gian không phải ngày một ngày hai mà phải kéo dài nhiều tháng. Bởi vậy, trước mắt, các hộ dân tự tìm cho mình vị trí an toàn để làm nhà ở, nếu không thì chờ huyện xây dựng khu tái định cư để làm nhà”, ông Thò Bá Rê chia sẻ./.

Xuân Hoàng - Quang An