Người dân Kỳ Sơn ngậm ngùi nhìn nhiều diện tích lúa mùa mất trắng sau mưa lũ
Mưa lũ không chỉ gây thiệt hại về nhà ở, công trình giao thông mà còn khiến cho nhiều diện tích lúa, hoa màu của người dân huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) bị vùi lấp, nhiều hộ dân mất trắng vụ mùa.
Trên địa bàn các xã Chiêu Lưu, Bảo Thắng, Nậm Cắn… huyện Kỳ Sơn, nhiều diện tích lúa mùa đang giai đoạn ngậm sữa chắc hạt của người dân đã bị đổ rạp, vùi lấp trong đất, cát sau trận mưa lũ lớn vừa qua.
Gia đình bà Vy Thị May ở bản Tạt Thoong, xã Chiêu Lưu có gần 2 sào lúa mùa, chuẩn bị đến ngày thu hoạch thì đã bị trận lũ lớn tràn qua, vùi lấp đến 80%. Bà May ngậm ngùi: Sau nhiều tháng chăm sóc, những tưởng cuối tháng 10 này sẽ thu về mấy tạ lúa. Nhưng lũ về nhanh quá, nước khe, suối chảy xối xả không có cách nào cứu được lúa. Đây là vụ lúa để ăn Tết sắp tới nhưng bây giờ coi như mất trắng rồi, gia đình không biết phải làm sao…
Bản Lưu Hòa, xã Chiêu Lưu cũng có nhiều diện tích lúa bị vùi lấp, hư hỏng sau mưa lũ lớn. Đứng trước cánh đồng lúa có nguy cơ mất trắng, ông Kha Văn Tuất – Trưởng bản Lưu Hòa cho biết: Toàn bản có 6 ha lúa thì có đến 1 nửa bị đổ ngã, trong đó, khoảng 30% bị vùi lấp, không thể khôi phục. Kể cả sau này việc cải tạo lại đồng ruộng cũng khó khăn, vất vả, bởi lớp đất đá vùi lấp dày.
“Đây là vùng núi cao, đời sống của đồng bào gặp nhiều khó khăn, diện tích đất trồng lúa nước ít, nên bà con nơi đây ai cũng bỏ công chăm sóc cây lúa để đảm bảo lương thực. Thế nhưng, trận mưa lũ vừa qua, nhiều gia đình đã mất trắng vụ lúa mùa”, ông Tuất cho hay.
Ông Lô Văn Cáng – Chủ tịch UBND xã Chiêu Lưu, địa phương bị thiệt hại nặng nhất trong đợt mưa lũ trên địa bàn Kỳ Sơn cho biết: Với đặc thù của vùng miền núi, diện tích lúa nước ít, những năm qua cùng với sự chỉ đạo của ngành nông nghiệp, đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã áp dụng đưa các giống lúa lai vào gieo cấy, đạt năng suất cao, hàng trăm hộ không những đủ lượng thực ăn quanh năm mà còn phục vụ chăn nuôi. Do vậy, thiệt hại về lúa mùa trong dịp này sẽ ảnh hưởng đến nguồn lương thực cho người dân trong những tháng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết.
Đối với các diện tích lúa có thể khắc phục được, xã đã chỉ đạo các bản huy động người dân vớt rác, khơi thông mương dẫn nước, cửa cống để cứu lúa. Tuy nhiên, lúa bị đổ trong giai đoạn ngậm sữa chắc hạt này sẽ khó khắc phục.
Ông Nguyễn Xuân Trường – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kỳ Sơn cho biết: Trước khi mưa lũ xảy ra, huyện đã chỉ đạo các địa phương xác định vùng sản xuất có nguy cơ bị ngập úng, huy động các lực lượng khơi thông dòng chảy.
Mặc dù vậy, trận mưa đêm 30/9 rất lớn, kéo dài, nước lũ về nhanh nên nhiều diện tích lúa ở các xã Chiêu Lưu, Bảo Thắng, Nậm Cắn bị vùi lấp. Hiện nay chưa có thống kê diện tích thiệt hại cụ thể do các địa phương đang tiếp tục cập nhật số liệu một cách chính xác nhất.
Theo dự báo, thời tiết tiếp tục sẽ có mưa trong thời gian tới, với phương châm "xanh nhà hơn già đồng" đối với diện tích lúa có thể thu hoạch được, huyện chỉ đạo các địa phương khẩn trương thu hoạch nhanh. Với những thiệt hại về lúa mùa, thì thời gian tới nhiều hộ dân trên địa bàn huyện sẽ thiếu lương thực là điều hiện hữu.
Những ngày tới, ngành nông nghiệp huyện sẽ kiểm tra, thống kê thực tế diện tích lúa bị thiệt hại, mức độ thiệt hại cụ thể để có phương án hỗ trợ kịp thời cho người dân ổn định sản xuất trong thời gian tới./.