Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Những tượng đài ghi dấu đậm nét tinh thần bất khuất của quê hương Nghệ An

Công Khang 19/10/2024 20:05

Phong trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931) đã diễn ra gần 95 năm nhưng mãi in đậm trong lòng người xứ Nghệ nói riêng, người dân Việt Nam nói chung. Trên quê hương Nghệ An hôm nay có nhiều tượng đài ghi dấu tội ác man rợ của thực dân Pháp và tinh thần bất khuất của các chiến sĩ cách mạng và quần chúng nhân dân.

Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh được đánh giá là cuộc diễn tập đầu tiên của quần chúng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng để từng bước đi tới thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám (1945). Cao trào diễn ra trên phạm vi cả nước, đạt đến đỉnh cao ở Nghệ - Tĩnh, bởi mức độ đấu tranh hết sức quyết liệt và kẻ thù cũng bộc lộ hết sự dã man, tàn bạo.

Những di tích, tượng đài rải rác trên mảnh đất Nghệ An hôm nay luôn nhắc nhớ bao thế hệ người dân Việt Nam về những năm tháng rên xiết dưới gông cùm nô lệ và tinh thần đấu tranh kiên cường của thế hệ cha ông.

bna_3(1).jpg
Tượng đài Công – Nông Xô viết (TP. Vinh). Ảnh: Công Khang

Đứng chân bên bờ sông Lam, nơi “địa đầu” thành Vinh, Tượng đài Công - Nông Xô viết uy nghi, sừng sững trước dòng chảy thời gian. Đây là một trong những “địa chỉ đỏ” của người dân thành phố, nhất là các em lứa tuổi học sinh đến tham quan, tìm hiểu về truyền thống đấu tranh cách mạng.

Hơn 71 năm trước, vào ngày 1/5/1930, hơn 1.200 công nhân và nông dân đã kéo về Nhà máy Trường Thi đòi tăng lương, giảm giờ làm, chia lại ruộng đất, giảm sưu cao, thuế nặng. Trước khí thế đấu tranh của quần chúng cách mạng, chính quyền thực dân đã thực sự hoang mang, dao động. Cờ đỏ búa liềm đã được cắm trên đỉnh cột đèn Ngã ba Bến Thủy.

Để trấn áp tinh thần đấu tranh, thực dân Pháp đã nổ súng khiến 7 người chết, 18 người bị thương và nhiều người khác bị bắt. Ngã ba Bến Thủy được xem là nơi khởi đầu phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, cũng là nơi thực dân Pháp bộc lộ tính chất dã man, tàn bạo.

Quảng trường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Hưng Nguyên) là điểm viếng thăm, học tập nhân dân và học sinh. Ảnh: Công Khang
Quảng trường Xô viết Nghệ Tĩnh (Hưng Nguyên) là điểm viếng thăm, học tập của nhân dân và học sinh. Ảnh: Công Khang

Nếu Tượng đài Công - Nông Xô viết đánh dấu bước khởi đầu thì Quảng trường Xô viết Nghệ Tĩnh ở thị trấn Hưng là địa điểm chứng kiến tinh thần đấu tranh anh dũng của nhân dân huyện Hưng Nguyên và các vùng phụ cận cũng như sự đàn áp khốc liệt của kẻ thù. Nơi đây, vào sáng 12/9/1930, 8.000 nông dân thuộc các tổng Phù Long, Thông Lãng (Hưng Nguyên) và Nam Kim (Nam Đàn) dưới sự lãnh đạo của Đảng với vũ khí thô sơ, giương cao cờ đỏ búa liềm kéo về phủ lỵ.

Khi đoàn biểu tình vừa đến Thái Lão đã bị thực dân Pháp cho máy bay ném bom vào giữa đám đông làm nhiều người chết và bị thương. Đến chiều, khi người dân đang khâm lượm, mai táng những người hy sinh, thực dân Pháp lại cho máy bay đến ném bom 1 lần nữa. Cuộc đàn áp, khủng bố dã man khiến 217 người chết, 125 người bị thương và nhiều người bị bắt giam…

bna_2(2).jpg
Quảng trường Xô Viết Nghệ Tĩnh ở thị trấn Hưng là địa điểm chứng kiến tinh thần đấu tranh anh dũng của nhân dân huyện Hưng Nguyên và các vùng phụ cận. Ảnh: Công Khang

Những năm qua, Quảng trường Xô viết Nghệ Tĩnh và phần mộ của các liệt sĩ đã trở thành điểm viếng thăm của nhân dân trong và ngoài tỉnh, là điểm học tập, ngoại khóa của học sinh các trường trên địa bàn.

Về tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh ở quê hương Nghệ An có thể kể thêm Tượng đài ghi công và phần mộ của 28 liệt sĩ trong cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh ở xóm Ngọc Tân, xã Diễn Ngọc (Diễn Châu).

Tại địa điểm này, vào ngày 7/11/1930, dưới sự lãnh đạo của Phủ ủy Diễn Châu, hàng nghìn người từ nhiều nơi trong huyện dương cao cờ đỏ búa liềm rầm rập kéo về phủ lỵ hô vang các khẩu hiệu: “Ủng hộ Liên bang Xô viết!”, “Đả đảo đế quốc Pháp và Nam Triều phong kiến…!”. Thực dân Pháp đã cho lính bắn xối xả vào đoàn biểu tình làm 28 người chết và hàng trăm người bị thương.

Nằm cách xã Diễn Ngọc hơn 20 km là Di tích Tràng Kè thuộc xã Mỹ Thành (Yên Thành). Nơi đây, từ ngày 7/11/1930 - 9/1931, thực dân Pháp đã xử bắn 72 chiến sĩ Xô viết, là những người con của vùng đất Nam Đàn, Đô Lương và Yên Thành.

Riêng xã Mỹ Thành có tới 20 người con đã ngã xuống trên mảnh đất quê hương. Từ bao năm nay, Di tích Tràng Kè và phần mộ các liệt sĩ luôn được chăm sóc hương khói và trở thành chứng tích hào hùng, thể hiện sự quật cường trong đấu tranh cách mạng. Tràng Kè là một trong những “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.

Ông Bùi Công Vinh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết: “Toàn tỉnh có hàng trăm di tích gắn với cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, hệ thống di tích này đã và đang được đầu tư trùng tu, nâng cấp, trong đó, hơn 40 di tích đã được xếp hạng. Các di tích Tượng đài Công - Nông Xô viết (TP. Vinh), Quảng trường Xô viết Nghệ Tĩnh (Hưng Nguyên), Tượng đài ghi công và phần mộ của 28 liệt sĩ trong cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (Diễn Châu) và Di tích Tràng Kè (Yên Thành) là nơi ghi dấu đậm nét tinh thần đấu tranh anh dũng của nhân dân Nghệ An”.

Công Khang