Xây dựng Đảng

Kỳ 3: Niềm tin cử tri, trọng trách dân cử

Nhóm PVTS 19/11/2024 06:00

Hiệu quả của đại biểu dân cử không chỉ dừng lại ở việc lắng nghe, ghi nhận ý kiến cử tri mà được đo bằng cách xử lý, giải quyết các vấn đề thực tế ra sao. Niềm tin của cử tri chỉ được củng cố khi họ thấy các đại biểu thực sự hành động vì quyền lợi của người dân, đưa những vấn đề nóng từ đời sống vào nghị trường, và biến lời hứa thành những chính sách cụ thể, thiết thực.

txct-b3cover.png

Nhóm PVTS • 19/11/2024

Hiệu quả của đại biểu dân cử không chỉ dừng lại ở việc lắng nghe, ghi nhận ý kiến cử tri mà được đo bằng cách xử lý, giải quyết các vấn đề thực tế ra sao. Niềm tin của cử tri chỉ được củng cố khi họ thấy các đại biểu thực sự hành động vì quyền lợi của người dân, đưa những vấn đề nóng từ đời sống vào nghị trường, và biến lời hứa thành những chính sách cụ thể, thiết thực.

txct-b3-tit1.png

Xã Bảo Nam, huyện vùng cao biên giới Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An là một trong những địa bàn trọng điểm, phức tạp về mua bán người. Các đối tượng thường tiếp cận phụ nữ mang thai thường dụ dỗ bán con sẽ có một khoản tiền lớn để trang trải cuộc sống, chỉ cần họ đồng ý là các đối tượng móc nối, đặt xe, đưa những phụ nữ này ra một số tỉnh phía Bắc để xuất cảnh sang nước ngoài. Nguy hiểm hơn, nhiều phụ nữ từng là nạn nhân của các đối tượng mua bán người, sau khi trở về địa phương lại lôi kéo, lừa gạt những phụ nữ khác bán con. Tính từ năm 2019 đến nay, lực lượng Công an xã Bảo Nam đã phối hợp với các lực lượng các cấp phá 10 chuyên án mua bán người, bắt 18 đối tượng, giải cứu thành công 12 nạn nhân…

Đứng trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị xã cũng đã phối hợp với Công an xã tăng cường công tác phát hiện, tố giác, đấu tranh và xử lý các trường hợp mua bán người trên địa bàn; chú trọng khâu tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kiến thức cho các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức, như tuyên truyền trực quan, trực tiếp, băng rôn, loa phát thanh, phát tờ rơi, pa nô; đặc biệt xây dựng bài tuyên truyền bằng tiếng đồng bào, video các vụ án điển hình liên quan để tuyên truyền đến tận các cụm dân cư.

Một góc xã Bảo Nam (Kỳ Sơn). Ảnh Hoài Thu
Một góc xã Bảo Nam (Kỳ Sơn). Ảnh: Hoài Thu

Ông Lô Văn Mười - Bí thư Đảng ủy xã Bảo Nam cho biết: Xã thành lập Ban chỉ đạo đảm bảo an ninh trật tự do Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban và Trưởng Công an, Quân sự, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội xã; ở từng bản thành lập tổ đảm bảo an ninh trật tự, trong đó có nội dung phòng, chống mua bán người. Một trong nhiệm vụ, hoạt động của ban chỉ đạo cấp xã là phối hợp với các tổ ở bản lập danh sách và theo dõi những người phụ nữ đi làm ăn trở về địa phương, nhất là những người đi làm ăn xa không có địa chỉ cụ thể hoặc có lối sống phô trương về tiền bạc, vật chất nhằm “câu” dẫn, móc nối chị em phụ nữ độ tuổi vị thành niên để môi giới giao dịch mua, bán. Kể cả lập danh sách chị em phụ nữ trong độ tuổi vị thành niên và phụ nữ mang thai để vừa tuyên truyền, vừa “canh chừng”, không cho kẻ xấu dụ dỗ. Cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị cũng quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ về kiến thức, nguồn vốn để chị em giải quyết việc làm, thu nhập ổn định tại địa bàn như hỗ trợ các mô hình chăn nuôi bò, trồng gừng...

Tổ canh bào thai trong một lần thăm hỏi thai phụ trong bản Đỉnh Sơn 2.
Tổ phòng, chống mua bán bào thai và mua bán người xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) thăm hỏi thai phụ trong bản Đỉnh Sơn 2. Ảnh: Tiến Hùng

Trước sự tinh vi, phức tạp của tội phạm mua bán người, các ĐBQH đoàn Nghệ An đã về tận xã Bảo Nam làm việc, khảo sát, gặp gỡ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; từ đó mang tâm tư nguyện vọng cử tri, bất cập từ thực tiễn cuộc sống nhằm hoàn thiện chính sách.

Từ thực tiễn trên, tại diễn đàn Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, bà Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã chỉ ra khoảng trống về pháp luật dẫn đến tình trạng buôn bán bào thai lâu nay khó xử lý. “Mua bán bào thai là một thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người. Đối tượng phạm tội thường tìm đến những phụ nữ đang mang thai là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa để dụ dỗ ra nước ngoài sinh con rồi bán lấy tiền hoặc đổi các hiện vật khác. Việc thỏa thuận này bản chất là tiền đề của việc mua bán trẻ em. Tuy nhiên, việc xử lý đối tượng gặp khó khăn do Bộ luật Hình sự chưa có quy định”, đại biểu Thái Thị An Chung nêu thực trạng. Do vậy, để tạo cơ sở pháp lý cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền lợi của trẻ em thì việc bổ sung quy định nghiêm cấm hành vi “thỏa thuận mua bán người từ khi còn là bào thai”, trong dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) là hết sức cần thiết, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, góp phần quan trọng trong việc đấu tranh với tội phạm mua bán trẻ em từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ và phù hợp với quy định của Công ước Quốc tế về quyền trẻ em.

 B
Bà Thái Thị An Chung, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cùng đoàn công tác khảo sát việc thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người tại xã Bảo Nam (Kỳ Sơn).

Hay như đối với việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội thời gian qua, Nghệ An đứng trước một số thách thức không nhỏ khi việc thay đổi chính sách ảnh hưởng lớn đến công tác phát triển người tham gia. Nhiều địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 thuộc các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhưng sang giai đoạn 2021 - 2025 không còn nằm trong danh sách này theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 433/QĐ-UBDT của Ủy ban dân tộc nên không còn được hỗ trợ BHYT. Ông Chu Đức Thái - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho biết, qua khảo sát cho thấy, những khó khăn về kinh tế khiến một bộ phận người dân chưa mặn mà tham gia BHYT, rất nhiều cá nhân đã từ bỏ sau khi không còn được hỗ trợ.

Trên cơ sở đó, để tăng tỷ lệ phủ BHYT, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã đề xuất và được Thường trực HĐND tỉnh thống nhất sớm ban hành nghị quyết về hỗ trợ mức đóng BHXH đối với người tham gia BHXH tự nguyện và BHYT cho người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Ban Văn hóa - Xã hội phối hợp với Ban Dân tộc khảo sát mô hình bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện Con Cuông. Ảnh Thành Cường
Ban Văn hóa - Xã hội phối hợp với Ban Dân tộc HĐND tỉnh khảo sát mô hình bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện Con Cuông. Ảnh: Thành Cường

Tháng 10/2023, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An đã giám sát chuyên đề “Việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay”. Qua đó cho thấy, nhiều kiến nghị đã được UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương giải quyết thấu đáo, đáp ứng nguyện vọng của cử tri; đồng thời trình HĐND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm góp phần giải quyết các kiến nghị của cử tri như: Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2025; Nghị quyết số 31/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Nghị quyết số 20/2022/NQ-HĐND ngày 12/11/2022 về một số chính sách hỗ trợ phát triển đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Nghị quyết số 01/2023/NQ-HĐND ngày 07/7/2023 về một số chính sách hỗ trợ tàu cá khai thác thủy sản vùng khơi trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND ngày 07/7/2023 quy định chính sách hỗ trợ cho chủ rừng để thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Nghị quyết số 05/2023/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận một cửa các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND ngày 07/7/2023 quy định chính sách hỗ trợ đầu tư bể bơi và tổ chức dạy bơi cho trẻ em trên địa bàn tỉnh Nghệ An...

Đồng chí Nguyễn Nam Đình trao đổi với lãnh đạo huyện Thanh Chương trong giải quyết một số kiến nghị của cử tri ngay sau hội nghị tiếp xúc cử tri. A
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình trao đổi với lãnh đạo huyện Thanh Chương trong giải quyết kiến nghị của cử tri ngay sau hội nghị tiếp xúc cử tri. Ảnh: Mai Hoa

Những nỗ lực đưa thực tiễn vào chính sách đã khẳng định vai trò tiên phong của các đại biểu dân cử trong việc lắng nghe, thấu hiểu và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến nghị trường. Chính sự sát sao của họ đã thổi bùng "ngọn lửa" quyết tâm, thúc đẩy các cấp, ngành xây dựng những chính sách thiết thực, kịp thời. Đây không chỉ là minh chứng cho trách nhiệm của đại biểu với cử tri, mà còn là động lực để những chính sách nhân văn thực sự đi vào cuộc sống, góp phần thay đổi diện mạo vùng khó khăn và thắp sáng niềm tin cho người dân.

txct-b3-tit2.png

Xã Hưng Trung (huyện Hưng Nguyên) là quê hương của nhà canh tân yêu nước Nguyễn Trường Tộ, có hơn 11.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào đạo Công giáo chiếm 70%. Ngôi trường mang tên ông là nơi theo học của 1.000 đến 1.100 học sinh mỗi năm học. Mặc dù hàng năm địa phương và nhà trường đều bổ sung cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học, nhưng do kinh phí hạn hẹp nên cho đến nay trường vẫn đang thiếu 6 phòng học văn hóa, 7 phòng học bộ môn và chức năng. Tiếp xúc đại biểu Quốc hội trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ông Đinh Bạt Bình, Hội trưởng Hội phụ huynh đã mang tâm tư, nguyện vọng giãi bày với đại biểu.

Chia sẻ với cử tri, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý bày tỏ băn khoăn khi tình trạng này tồn tại đã lâu nhưng chưa được xử lý, ảnh hưởng đến học tập của hơn 1.000 học sinh. Trên cơ sở thống nhất với ngành Tài chính ngay tại hội nghị, ông đề nghị huyện Hưng Nguyên làm thủ tục để sang năm 2025 khởi công bằng ngân sách tỉnh. “Không thể để thiếu phòng học của con em”, Trưởng đoàn ĐBQH Nghệ An trả lời trong tiếng vỗ tay tán thành cao của cử tri.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý tiếp xúc cử tri huyện Hưng Nguyên trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh Thành Duy
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý tiếp xúc cử tri huyện Hưng Nguyên trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh Thành Duy

Đối với huyện Nghi Lộc, vấn đề dân sinh được cử tri bức xúc phản ánh tại nhiều diễn đàn tiếp xúc cử tri là tình trạng thiếu nước sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt ở các xã cuối nguồn nước như Nghi Hoa, Nghi Hưng, Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Thiết, Nghi Quang, Nghi Thuận…; có những vùng chỉ sản xuất vụ xuân, còn vụ hè thu bỏ hoang hoặc sản xuất bấp bênh, không hiệu quả, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Thậm chí có những thời điểm, mực nước trên sông Cấm xuống thấp, nước biển đi qua cống Nghi Quang do bị hư hỏng mấy cánh cửa chắn xâm nhập mặn sâu vào đồng ruộng, với độ mặn đo được lên đến phần nghìn. Nguyên nhân của tình trạng thiếu nước nêu trên là do biến đổi khí hậu, Nghi Lộc nằm ở vùng "cuối ngọt, đầu mặn" và hệ thống hồ đập, kênh mương, trạm bơm nhiều nơi còn là công trình tạm hoặc đã xuống cấp, giảm năng lực phục vụ tưới tiêu.

ĐBQH - ĐB HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Nghi Lộc. Ảnh Mai HOa
Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Nghi Lộc. Ảnh: Mai Hoa

Trên cơ sở phản ánh, kiến nghị của cử tri được HĐND tỉnh chuyển đến, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, khảo sát giải quyết kiến nghị cử tri huyện Nghi Lộc. Liên tục trong mấy năm gần đây, cùng với nguồn ngân sách huyện và xã đầu tư khá lớn nâng cấp hệ thống thủy lợi, thì UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ưu tiên bố trí nguồn lực nâng cấp, kiên cố hóa hơn 14 km mương cấp 1 và cấp 2; đầu tư kiên cố hóa đập Khe Xiêm, trạm bơm Thọ Sơn, trạm bơm Chợ Cầu…; duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa 6/9 cửa van đóng mở tại cống ba ra Nghị Quang nhằm đảm bảo “giữ ngọt, ngăn mặn” tốt hơn ở công trình này. Bên cạnh đó, hiện nay, trên địa bàn huyện Nghi Lộc có thêm một số công trình thuỷ lợi quan trọng đã được thông qua chủ trương, phân bổ vốn và đang tiến hành các thủ tục chuẩn bị đầu tư nâng cấp từ nguồn ngân sách Trung ương và tỉnh. Bao gồm kênh N2 Sơn Thành - Nghi Văn với tổng mức đầu tư hơn 80 tỷ đồng; kênh tưới 8 xã trọng điểm lúa với tổng mức đầu tư 33 tỷ đồng; kênh tưới xã Nghi Kiều hơn 10 tỷ đồng; kênh tưới xã Nghi Thái gần 15 tỷ; kênh tưới xã Nghi Công Nam gần 15 tỷ…

HĐND huyện Nghi Lộc khảo sát hệ thống thủy lợi
HĐND huyện Nghi Lộc khảo sát hệ thống thủy lợi. Ảnh: PV

Bà Lê Thị Hiền - Phó Chủ tịch HĐND huyện Nghi Lộc cho rằng: Thông qua các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền của tỉnh, mấy năm gần đây đã được UBND tỉnh và các sở, ban, ngành cấp tỉnh tập trung chỉ đạo giải quyết. Cùng với hệ thống tưới tiêu được tỉnh ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư, nâng cấp, đáp ứng tốt hơn việc tưới tiêu, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thì một số kiến nghị cử tri bức xúc liên quan đến đến hạ tầng lưới điện nông thôn; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tồn đọng; một số vướng mắc, tồn đọng trong giải phóng mặt bằng; chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn… cũng được tỉnh quan tâm giải quyết. Qua đó góp phần giảm bức xúc trong nhân dân; đồng thời củng cố thêm niềm tin của cử tri đối với cơ quan dân cử và đại biểu dân cử các cấp; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước.

lethihien-quotes.png

Sau khi có báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng UBND tỉnh phân loại, tham mưu phân công, chỉ đạo các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các cấp giải quyết, trả lời cử tri và tổng hợp kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri để báo cáo HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh theo quy định. Trong quá trình giải quyết, các đơn vị đã quan tâm kiểm tra, xác minh nội dung cử tri phản ánh, đối thoại với người có kiến nghị để giải quyết kiến nghị cử tri như: Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức khảo sát, kiểm tra, nắm thông tin thực tế các ý kiến, phản ánh của cử tri về ô nhiễm môi trường; Sở Công Thương tổ chức kiểm tra thực tế các phản ánh về hoạt động nổ mìn khai thác khoáng sản làm ảnh hưởng đến người dân; Điện lực Nghệ An kiểm tra, tìm các giải pháp khắc phục về hạ tầng lưới điện; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra các tuyến đê, kè có nguy cơ bị sạt lở; Sở Giao thông vận tải kiểm tra các hạ tầng giao thông mà cử tri phản ánh xuống cấp, cần duy tu, sửa chữa… UBND thành phố Vinh tổ chức nhiều cuộc đối thoại với người dân trong quá trình giải quyết các khu tập thể cũ. Đồng thời, các sở ngành, địa phương đã phối hợp tương đối chặt chẽ để giải quyết, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của ngành, phạm vi quản lý địa bàn và chỉ đạo của UBND tỉnh. Để nâng cao chất lượng giải quyết kiến nghị cử tri, có địa phương như thành phố Vinh còn ban hành Kế hoạch về nâng cao trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri.

Chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII. Ảnh Thành Cường
Chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII. Ảnh: Thành Cường

Theo tổng hợp từ Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, HĐND tỉnh Nghệ An đã tiếp nhận, tổng hợp, phân loại, chuyển 702 ý kiến, kiến nghị của cử tri và 205 đơn thư của công dân đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời. Tỷ lệ ý kiến, kiến nghị của cử tri được UBND tỉnh, các sở, ngành nghiên cứu trả lời giải quyết trong mỗi kỳ tiếp xúc cử tri đạt 100%, trong đó tỷ lệ giải quyết xong mỗi những kỳ gần đây là 81% - 84%.

Trên cơ sở văn bản giao việc của UBND tỉnh, các đơn vị, địa phương liên quan đều gửi văn bản trả lời kiến nghị cử tri đến Thường trực HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, UBND cấp huyện nơi có cử tri kiến nghị để thông báo đến tận địa chỉ cho cử tri; đồng thời đăng tải văn bản trả lời kiến nghị cử tri trên cổng Thông tin điện tử của đơn vị, gửi tới Báo Nghệ An, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh để thông tin rộng rãi nội dung trả lời.

Đây là những cách làm mới thể hiện nỗ lực của chính quyền tỉnh Nghệ An trong việc giải quyết các kiến nghị của cử tri; qua đó cử tri cảm nhận rõ trách nhiệm, tận tâm của đại biểu, cơ quan dân cử với quan điểm “đã hứa là phải làm”, chứ không phải ghi nhận, tiếp thu rồi để đó.

Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An trao đổi với cử tri xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc. Ảnh Mai Hoa
Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An trao đổi với cử tri xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc. Ảnh: Mai Hoa

Có thể thấy, từ việc lắng nghe cử tri đến hành động quyết liệt trong nghị trường, các đại biểu dân cử không chỉ làm cầu nối giữa ý chí của Nhân dân với chính sách, pháp luật mà còn khẳng định vai trò trung tâm của cử tri trong mọi quyết sách quan trọng. Những nỗ lực như cải thiện điều kiện giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội, đấu tranh chống tội phạm hay tháo gỡ bất cập pháp lý… đều minh chứng cho trọng trách và cam kết mạnh mẽ của đại biểu đối với cử tri. Chỉ khi người dân cảm nhận rõ ràng sự thay đổi tích cực từ những điều đã được hứa, niềm tin và sự đồng hành của họ mới trở thành động lực để các đại biểu tiếp tục cống hiến. Đó cũng chính là giá trị cốt lõi của một nền dân chủ thực chất: mọi quyết định đều phải xuất phát từ lòng dân và vì lợi ích của dân.

Tại Phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nhấn mạnh: "Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực tập trung giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị và trách nhiệm. Nhiều kiến nghị đã được trả lời trước thời hạn, số kiến nghị của cử tri được tiếp thu, giải quyết xong ngay giữa hai kỳ họp đã tăng so với kỳ họp trước, chất lượng trả lời các kiến nghị ngày càng được nâng lên...”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn
Biểu đồ-Kết quả giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến Quốc hội
Đồ họa: H.Q

>> Trang chủ
>> Kỳ 1: Cần đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri
>> Kỳ 2: Lắng nghe thực chất, hành động hiệu quả
>> Kỳ 4: Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động đại biểu và cơ quan dân cử
>> Kỳ cuối: Góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Nhóm PVTS