Xây dựng Đảng

Kỳ 5: Góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Nhóm PVTS 19/11/2024 10:44

“Giữ mối liên hệ chặt chẽ, phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri và chịu sự giám sát của cử tri” – lời nhấn mạnh của Tổng Bí thư Tô Lâm tại kỳ họp Quốc hội đã đặt ra yêu cầu đổi mới mạnh mẽ đối với đại biểu dân cử. Sự gắn bó mật thiết với cử tri không chỉ là trách nhiệm mà còn là chìa khóa để đại biểu phát huy vai trò cầu nối, giải quyết những vấn đề cấp bách của xã hội, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới với sự đồng lòng của Nhân dân.

txct-b5cover.png

Nhóm Phóng viên Thời sự-Chính trị • 19/11/2024

“Giữ mối liên hệ chặt chẽ, phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri và chịu sự giám sát của cử tri” - lời nhấn mạnh của Tổng Bí thư Tô Lâm tại kỳ họp Quốc hội đã đặt ra yêu cầu đổi mới mạnh mẽ đối với đại biểu dân cử. Sự gắn bó mật thiết với cử tri không chỉ là trách nhiệm mà còn là chìa khóa để đại biểu phát huy vai trò cầu nối, giải quyết những vấn đề cấp bách của xã hội, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới với sự đồng lòng của Nhân dân.

txct-b5-tit1.png

“Đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Thực tiễn nóng bỏng của đất nước đang đặt ra những vấn đề cấp bách cần giải quyết, nhân dân đang mong chờ và kỳ vọng vào những quyết sách của Đảng, Nhà nước, của Quốc hội”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

tolam-quotes(1).png

Trên cơ sở đó, Tổng Bí thư đặt ra yêu cầu: Đổi mới mạnh mẽ tổ chức, hoạt động của Quốc hội, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội, coi đây là một trong những yếu tố then chốt của then chốt để đổi mới hoạt động của Quốc hội; trong đó cần thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, phản ánh trung thực, ý kiến, kiến nghị của cử tri và chịu sự giám sát của cử tri.

Điều đó không chỉ đặt ra cho Quốc hội, đại biểu Quốc hội, mà cần nhìn rộng ra là cho các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử các cấp để có thể phát huy tốt nhất vai trò làm Nhân dân làm chủ thông “cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất” (Quốc hội) và “cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân (HĐND).

tranthanhman-quotes.png

Qua theo dõi và nắm bắt thông tin, cử tri và cơ quan, đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc tích hợp và sẽ ban hành Nghị quyết chung quy định chi tiết về tiếp xúc cử tri của ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp với nhiều điểm mới, qua đó đổi mới một cách mạnh mẽ hình thức và nội dung tiếp xúc cử tri.

Ông Trần Văn Lâm - Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết liên tịch số 525, ngày 27/9/2012, đến thời điểm này, sau 12 năm triển khai thực hiện cũng đã đặt ra một số bất cập. Đây là nghị quyết chỉ quy định hình thức tiếp xúc cử tri của ĐBQH mà chưa quy định các hình thức tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, nên chưa tạo được sự thống nhất giữa ĐBQH và HĐND các cấp trong hoạt động tiếp xúc cử tri. Hoặc trong tiếp xúc cử tri của ĐBQH cũng chưa quy định cụ thể cấp huyện, hay cấp xã trực tiếp chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri, nên có nơi thì cấp huyện, nơi cấp xã đứng ra chủ trì tổ chức, điều hành hội nghị tiếp xúc cử tri; có nơi tổ chức tại một xã, có nơi tổ chức theo cụm xã…

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp gỡ cử tri, người dân huyện Anh Sơn, Nghệ An. Ảnh Thành Duy
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp gỡ cử tri, người dân huyện Anh Sơn, Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Cho nên, theo ông Trần Văn Lâm việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội “chốt” ban hành mới Nghị quyết chung quy định chi tiết về tiếp xúc cử tri của ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp là rất cần thiết, đảm bảo sự thống nhất trong hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH và HĐND các cấp. Với trách nhiệm, vai trò của mình, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An cũng cần tăng cường tổ chức tập huấn kỹ năng tổ chức, điều hành hội nghị tiếp xúc cử tri cho đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp đảm bảo sự cởi mở, dân chủ và thân thiện, bởi có một thực tế có những cử tri mặc dù có tâm tư, nguyện vọng nhưng ngại phát biểu trước chỗ đông người.

Mặt khác, MTTQ cũng phải nâng cao chất lượng tổng hợp ý kiến cử tri, bao gồm đầy đủ nội dung, đúng bản chất vấn đề, có địa chỉ cụ thể và phân loại thẩm quyền giải quyết của từng cấp, từ đó có kiến nghị giải quyết phù hợp; đồng thời chủ động phối hợp với Đoàn ĐBQH và HĐND các cấp trong khâu giám sát, theo dõi việc giải quyết, trả lời của các cơ quan Nhà nước đối với các kiến nghị, phản ánh của cử tri, Nhân dân.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh trao đổi thân tình với cử tri trước Hội nghị tiếp xúc cử tri tại huyện Nghi Lộc. Ảnh: Mai Hoa
Bà Võ Thị Minh Sinh - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An trao đổi với cử tri huyện Nghi Lộc. Ảnh: Mai Hoa

Còn Phó Chủ tịch HĐND huyện Tương Dương Kha Văn Ót đánh giá cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét để bổ sung quy định hình thức tiếp xúc cử tri trực tuyến, trực tiếp kết hợp với trực tuyến; tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp bất thường của Quốc hội; tổ chức tiếp xúc cử tri trong tình hình thiên tai, dịch bệnh hoặc bất khả kháng; việc thu thập, tổng hợp kiến nghị cử tri trước và sau kỳ họp bất thường của Quốc hội… nhằm khắc phục tình trạng "đại cử tri", "cử tri chuyên nghiệp" hay tiếp xúc cử tri còn “hình thức”, “đơn điệu”.

“Tiếp xúc cử tri trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến rất phù hợp với đặc điểm của chúng tôi. Tương Dương là huyện có diện tích lớn nhất cả nước, gấp 3,4 lần tỉnh Bắc Ninh. Nếu có thêm các hình thức tiếp xúc cử tri này sẽ đa dạng hơn hình thức, mở rộng diện đối tượng tiếp xúc giữa đại biểu và cử tri; chưa kể giảm chi phí, thời gian đi lại cho cả đại biểu và người dân khi mà khoảng cách từ trung tâm huyện đến xã xa nhất khoảng 140 km”, ông Kha Văn Ót nói.

Toàn cảnh trung tâm huyện Tương Dương. Ảnh Sách Nguyễn
Toàn cảnh trung tâm huyện Tương Dương. Ảnh Sách Nguyễn

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất bổ sung quy định về khái nhiệm “tiếp xúc cử tri” để làm rõ nội hàm của hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử. Bởi thực tế hiện nay, có những cuộc tiếp xúc cử tri đã “biến” thành cuộc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của cử tri, nhân dân.

Bà Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nhận định dự thảo Nghị quyết liên tịch Quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp (đang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến góp ý) sau khi được ban hành sẽ tạo sự đột phá để nâng cao chất lượng, hiệu quả của các cuộc tiếp xúc cử tri.

bna_Đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh Nam An.jpg
Đại biểu Thái Thị An Chung - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An phát biểu thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Nam An

Bà Thái Thị An Chung cũng cho rằng, tại các Hội nghị tiếp xúc cử tri cần phát huy vai trò chủ trì điều hành hội nghị, linh hoạt lựa chọn những nội dung cử tri quan tâm để thông tin và gợi mở, hướng cử tri tập trung cho ý kiến. Đồng thời, các đại biểu dân cử phải thường xuyên liên hệ với địa phương, cử tri, chủ động đề xuất đa dạng hóa hình thức tiếp xúc cử tri để nắm được nhiều ý kiến kiến nghị, phản ánh của cử tri; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp huyện, Thường trực HĐND cấp huyện cần chủ động nắm bắt tình hình, dư luận xã hội tại địa phương để đề xuất Đoàn ĐBQH tỉnh, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc chuyên đề và địa bàn tiếp xúc trọng tâm; quan tâm lựa chọn địa điểm, thời gian tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cử tri tham gia, vừa khắc phục cử tri “chuyên nghiệp”, cử tri đại diện.

hoangnghiahieu-quotes.png

Phát biểu tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 24, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu khẳng định: Tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, thống nhất, dân chủ, tập trung trí tuệ, nỗ lực phấn đấu, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước cử tri và Nhân dân; không ngừng đổi mới, cải tiến phương thức làm việc để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh, xứng đáng là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của cử tri và Nhân dân tỉnh nhà.

txct-b5-tit2.png

Theo nhiều ý kiến đại biểu và cử tri Nghệ An, đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri cũng cần gắn với đổi mới giải quyết các kiến nghị của cử tri. Thời gian qua, dù có nhiều bước tiến, song chưa đáp ứng được mong muốn, yêu cầu đặt ra, vẫn còn những vấn đề mà cử tri kiến nghị đi, kiến nghị lại nhiều lần, mà một trong những nguyên nhân là câu trả lời của cơ quan chức năng vẫn còn đó những nội dung chung chung, nặng về “giải thích, giải trình”, mà thiếu đi “giải pháp, giải quyết”.

Bà Nguyễn Thị Anh Hoa - Phó Chánh Văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Nghệ An cho biết: Hiện tại, việc trả lời đạt tỷ lệ 100%, song giải quyết chưa đảm bảo 100%. Điều này đặt ra cho Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh những trăn trở, cố gắng làm sao “bóc tách” rõ hơn, nội dung nào đã giải quyết, nội dung nào là trả lời, giải đáp, giải trình; đồng thời phải thực hiện một bước cao hơn nữa: nội dung nào kiến nghị mới, nội dung nào đã kiến nghị lần 1, lần 2, lần 3… để dễ theo dõi, giám sát, đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết. Trên cơ sở, các cấp, các ngành thấy rõ trách nhiệm để tập trung vào cuộc xử lý.

 MTyy
Cán bộ Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh phối hợp với cán bộ các sở, ngành rà soát, tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri qua đường dây điện thoại trực tuyến. Ảnh: Mai Hoa

Kết quả giám sát chuyên đề “Việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026” của Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An cũng chỉ ra: Một số kiến nghị cử tri chưa được giải quyết kịp thời do đơn vị được giao giải quyết kiến nghị cử tri chưa quyết liệt, “đeo bám” việc giải quyết đến cùng kiến nghị cử tri, mới chỉ quan tâm đến việc thông tin, trả lời kiến nghị cử tri; công tác phối hợp giữa các sở, ngành và giữa các sở, ngành với địa phương có thời điểm, có việc chưa chặt chẽ, hiệu quả. Một số kiến nghị cử tri mặc dù đã có nhiều giải pháp để giải quyết nhưng chuyển biến còn chậm, chưa dứt điểm, có kiến nghị có tính chất cấp bách, khẩn cấp nhưng việc giải quyết còn kéo dài, nên cử tri kiến nghị lại nhiều lần.

“Chất lượng báo cáo, trả lời kết quả giải quyết một số kiến nghị cử tri chưa cao, có nội dung còn chung chung, chưa trọng tâm vào vấn đề cử tri kiến nghị, chưa đề ra lộ trình, giải pháp cụ thể để giải quyết kiến nghị cử tri. Một số nội dung báo cáo về kết quả giải quyết chưa có giải pháp, lộ trình cụ thể, chủ yếu mang tính chất trả lời, chưa chú trọng vào giải pháp giải quyết”, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An chỉ rõ.

Thường trực HĐND tỉnh làm việc với UBND thành phố Vinh theo kế hoạch giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri trên địa bàn tỉnh. Ảnh Mai Hoa
Thường trực HĐND tỉnh làm việc với UBND thành phố Vinh theo kế hoạch giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Mai Hoa

Có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan của thực trạng trên, nhưng rõ ràng yếu tố trách nhiệm cần được đánh giá đúng thực trạng khi mà qua giám sát chỉ ra rằng, trách nhiệm của một số sở, ngành, địa phương trong tiếp nhận, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri cũng như ý thức, trách nhiệm trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, nhưng việc xử lý trách nhiệm chưa nghiêm, chưa quan tâm lấy kết quả giải quyết kiến nghị cử tri làm một trong những tiêu chí để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức; thậm chí vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trong tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của cử tri.

Ông Cao Văn Sơn, cử tri thành phố Vinh đề nghị: Cần nghiên cứu quy định cụ thể hơn về trách nhiệm tham gia tiếp xúc cử tri và giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan liên quan; có chế tài nghiêm đối với những trường hợp chậm giải quyết hoặc không giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri do ĐBQH, đoàn ĐBQH hay của đại biểu HĐND, thường trực HĐND các cấp chuyển đến.

Đại diện lãnh đạo các sở, ngành tham dự và trả lời kiến nghị của cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri. Ảnh Thanh Lê - Mai Hoa - Thành Duy
Đại diện lãnh đạo các sở, ngành tham dự và trả lời kiến nghị của cử tri tại các hội nghị tiếp xúc cử tri theo chuyên đề . Ảnh: Thanh Lê - Mai Hoa - Thành Duy

Ông Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An cho rằng: Trách nhiệm của mỗi đại biểu phải được nâng lên để vừa trả lời, giải đáp được các vấn đề cử tri quan tâm; vừa tổng hợp, phân loại, chuyển tải, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhanh, hiệu quả, nhất là kiến nghị mang tính cấp bách, sát thực cuộc sống của người dân; tránh chỉ tiếp thu, tổng hợp và chuyển các cơ quan chức năng giải quyết là hết nhiệm vụ. Có như vậy mới thực hiện tốt vai trò “đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân”.

txct-b5-tit3.png

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân.” Tư tưởng “Dân làm gốc” mà Người để lại đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động, đặt Nhân dân vào vị trí trung tâm của sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước. Kế thừa tinh thần đó, Đảng ta luôn khẳng định rằng, sự đồng lòng, ấm no và hạnh phúc của Nhân dân chính là mục tiêu cao nhất của mọi chủ trương, chính sách, là nền tảng vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Trên hành trình tiến vào kỷ nguyên mới, những yêu cầu cấp thiết của đất nước đòi hỏi sự chuyển mình mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là đổi mới hoạt động của đại biểu dân cử. Vai trò của đại biểu không chỉ là phản ánh tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân mà còn là người trực tiếp kiến tạo những cầu nối hiệu quả giữa ý chí của Nhân dân và các quyết sách chiến lược của Đảng và Nhà nước. Mỗi đại biểu cần trở thành “ngọn đuốc sáng,” chủ động lắng nghe, thấu hiểu, và kịp thời giải quyết các kiến nghị, không để những tiếng nói của cử tri rơi vào hình thức hoặc bị lãng quên.

Đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri không chỉ đơn thuần là mở rộng các hình thức lắng nghe, mà còn là nâng cao tính thực chất, biến các cuộc gặp gỡ thành không gian đối thoại dân chủ, thẳng thắn và hiệu quả. Qua đó, đại biểu dân cử không chỉ nhận được niềm tin từ cử tri, mà còn góp phần khơi dậy sức mạnh đoàn kết, tinh thần sáng tạo của toàn dân - yếu tố quyết định để vượt qua mọi thách thức và tận dụng tốt các cơ hội phát triển.

Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Quốc hội và các cơ quan dân cử là nhiệm vụ then chốt để làm sáng rõ bản chất dân chủ của chế độ ta. Khi mỗi đại biểu dân cử không ngừng nâng cao trách nhiệm, tâm huyết và tầm nhìn, đất nước sẽ có thêm những động lực bứt phá mạnh mẽ, bước vào kỷ nguyên độc lập, tự cường và phát triển bền vững, với Nhân dân là trung tâm của mọi hành động, và đoàn kết toàn dân tộc là chìa khóa cho mọi thắng lợi.

Nghệ An đã tạo nền móng vững chắc để bước vào giai đoạn phát triển mới, hoà chung kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong ảnh: Một góc trung tâm thành phố Vinh. Ảnh: Thành Duy
Nghệ An đã tạo nền móng vững chắc để bước vào giai đoạn phát triển mới, hòa chung kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong ảnh: Một góc trung tâm thành phố Vinh. Ảnh: Thành Duy

>> Trang chủ
>> Kỳ 1: Cần đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri
>> Kỳ 2: Lắng nghe thực chất, hành động hiệu quả
>> Kỳ 3: Niềm tin cử tri, trọng trách dân cử
>> Kỳ 4: Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động đại biểu và cơ quan dân cử

Nhóm PVTS