Pủ Chiêng Yến - truyền thuyết và hiện thực

10/03/2014 09:45

(Baonghean) - Vùng đất của Tạo Khủn Tinh (huyện Quỳ Hợp) đã có từ rất xa xưa, và đã ghi danh mình vào công cuộc dựng nước và giữ nước trải qua các thời kỳ lịch sử chống ngoại xâm huy hoàng của dân tộc. Thế kỷ 15, theo truyền thuyết thì miền đất này đã đóng góp một chiến công vào chiến công chung đánh đuổi giặc Minh xâm lược, giành lại tự do, độc lập cho đất nước trong khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 1428) do Lê Lợi lãnh đạo, đó là trận đánh thắng địch trên núi Pu Chẻ!

Thắng địch ở núi Pu Chẻ đã mở đường thuận lợi cho nghĩa quân Lam Sơn tiếp tục tiến về phía Nam, làm nên chiến thắng Trà Lân (thuộc huyện Con Cuông ngày nay)! Trận đánh thắng địch trên núi Pu Chẻ (thuộc xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp), có liên quan trực tiếp đến Pủ Chiêng Yến - nhân vật chính trong truyền thuyết “Pủ Chiêng Yến”, được đồng bào các bản người Thái trong vùng Khủn Tinh cũ truyền tụng cho đến tận ngày nay!

Nhà thờ Pủ Chiêng Yến. Ảnh: Sầm Văn Bình
Nhà thờ Pủ Chiêng Yến. Ảnh: Sầm Văn Bình

Theo cuốn “Gia Phả” chép tay của dòng họ Lo Kăm (họ Sầm bản Yên Luốm ngày nay), dầy 65 trang, được viết từ năm 1980 và hoàn thành năm 2000, do các ông thuộc ba thế hệ khác nhau của dòng họ Sầm ở bản Chiêng Yến: Sầm Văn Hòa, Sầm Văn Phong, Sầm Văn Vịnh và Sầm Văn Bình chấp bút thì Pủ Chiêng Yến (không rõ tên tuổi, ngày sinh, ngày mất) là ông tổ của dòng họ Lo Kăm bản Chiêng Yến; là người đã có công đánh thắng giặc trên núi Pu Chẻ, được nhà vua ban thưởng một vùng đất là bản Chiêng Yến ngày nay!

Khi Pủ Chiêng Yến cùng với nghĩa quân Lam Sơn vạch ra kế sách đánh “xấc Hãn”(tức là quân Minh), giúp Pủ có rất nhiều người con của cả vùng cùng tham gia, trong đó có anh em "chệt chai" ở bản Phảy là những người rất có tài, gan dạ và dũng cảm, được Pủ rất tin tưởng (chệt chai, tiếng Thái có nghĩa là 7 anh em con trai, người bản Phảy, thuộc xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp).

Trong quá trình tổ chức đánh giặc, anh em “chệt chai” đã làm quen được với một cô gái người bản Đôn. Cô gái này rất trẻ và xinh đẹp, bị quân Minh bắt lên núi Pu Chẻ để phục dịch và làm trò vui cho chúng (cần nói thêm rằng, theo truyền thuyết và theo cuốn “Gia Phả” viết tay của họ Sầm ở bản Chiêng Yến như đã nói ở trên, thì cô gái này không ai rõ tên, tuổi, năm sinh, năm mất, và là người bản Đôn chứ không phải người bản Le như một số người đã viết).

Vốn bị nhục nhã, buộc phải phục dịch chúng và hàng ngày, hàng giờ trông thấy sự tàn ác của quân Minh đối với đồng bào ruột thịt của bản mường mình, nên cô gái rất căm thù lũ “xấc Hãn”. Bởi vậy mà khi gặp được anh em “chệt chai” và Pủ Chiêng Yến, cô gái đã nhận lời làm nội ứng. Theo kế hoạch, người bản Đôn phao tin rằng cô gái trên núi Pu Chẻ đã có người đến hỏi làm vợ, nhân đó, người nhà khiêng rượu cần lên núi, vừa để làm lễ tục, vừa để khao binh chúc mừng…

Đêm ấy, khi bọn quan binh địch đã no say rượu thịt, chúng chui cả vào trong các bao tải ngủ để chống muỗi như thường lệ, lúc ấy cô gái bản Đôn lấy dây rừng buộc thật chặt các miệng bao lại, xong xuôi, cô chạy xuống chân núi, dùng ánh mắt liếc về phía nghĩa quân để làm ám hiệu (bởi lúc này dưới chân núi vẫn còn một số lính gác bảo vệ). Nhận được “cái liếc mắt” ám hiệu đúng như kế hoạch, Pủ Chiêng Yến ra lệnh cho anh em “chệt chai”, cùng nhiều dân binh khác, kết hợp với nghĩa quân Lam Sơn, nhanh chóng tiêu diệt bọn lính gác dưới chân núi, rồi xông lên trên đỉnh Pu Chẻ…

Chỉ trong phút chốc, hàng trăm tên “xấc Hãn” đã bị diệt gọn. Nghĩa quân phóng hoả đốt cháy toàn bộ núi Pu Chẻ. Lửa chiến thắng sáng rực cả mường Khủn Tinh, khiến quân Minh ở các điểm chốt khác phải kinh hoàng bỏ chạy. Ngọn lửa chiến thắng không chỉ thiêu cháy toàn bộ núi Pu Chẻ, mà nó còn thiêu cháy sang một ngọn núi khác cao hơn ở ngay cạnh. Vết cháy mãi đến ngày nay vẫn không có cây cối nào phủ lấp được, đồng bào gọi ngọn núi này là “Phá Luốm” (tiếng Thái, luốm có nghĩa là cháy. “Phá Luốm”, tức là núi cháy)!...

Sau khi thắng giặc, mường quê trở lại yên bình, Pủ Chiêng Yến được vua ban thưởng công và cho lập nên bản Chiêng Yến ngày nay. Dưới chân Pu Chẻ, Pủ cho lập một bản mới, lấy tên là bản Le (chứ không phải bản Lè như người ta vẫn gọi để ghi nhớ và tặng thưởng cho công lao của cô gái đã giúp đỡ nghĩa quân đánh thắng địch trên núi Pu Chẻ! Về sau, nhân dân trong vùng đã sáng tạo nên truyền thuyết và lập đền thờ Pủ Chiêng Yến tại bản Chiêng Yến.

Nhân dân trong vùng, cứ đến ngày 20/8 (âm lịch) hàng năm thì làm “hỏ mọc”, cử đại diện mang đến bản Chiêng Yến để dâng lên Pủ, tỏ tấm lòng thành và kính trọng nhất đối với người đã có công giết giặc, dựng mường bản, người đã đem lại bình yên cho cả vùng Khủn Tinh rộng lớn này! Cô gái bản Đôn được ghi công thứ hai sau Pủ Chiêng Yến, được dựng nhà thờ ở một ngọn đồi nhỏ, sát ra khe Nặm Huống, đó chính là nơi mà ngày trước, cô gái đã dùng “cái liếc mắt” của mình để ra hiệu cho nghĩa quân xông lên diệt địch trên núi Pu Chẻ.

Ngày nay, đồng bào gọi là đồi “Nhả Póm” (tiếng Thái có nghĩa là: Ngọn đồi bà thần). Vì “Nhả Póm” là con gái, theo phong tục của người Thái thì con gái không được làm nhà thờ to, chỉ làm nhà thờ bằng tranh tre, hàng năm sửa lại một lần để thờ phụng mà thôi. Cũng như Pủ Chiêng Yến, “Nhả Póm” được thờ vào ngày 20/8 (âl) hàng năm. Lễ vật thờ cũng chỉ là gói “hỏ mọc” rất đơn giản và dân dã, nhưng ngoài gói “hỏ mọc” ra, “Nhả Póm” còn được đồng bào thờ bằng một con lợn đực chưa thiến, to chừng 8-10kg. Thờ xong, tổ chức ăn uống ngay tại chỗ, không ai được đem thứ gì về nhà mình. Thông thường, việc thờ cúng ngày trước là do người bản Đôn đảm nhiệm, vì là con cháu của họ, nhưng dần dần, có sự kết hợp giữa hai “chầu đằm” người bản Đôn và người bản Le (chầu đằm là thủ lĩnh tinh thần, là người phụ trách việc tâm linh của bản) cùng tổ chức thờ “Nhả Póm”!

Năm tháng qua đi, với biết bao biến đổi của thời cuộc, đến nay hậu duệ của “chầu đằm” bản Le vẫn giữ việc thờ cúng “Nhả Póm”, nhưng chỉ trong phạm vi một gia đình mà thôi!

Riêng anh em “chệt chai” được đánh giá và ghi công sau “Nhả Póm” cũng được người dân bản Phảy lập đền thờ tại vùng Hẻo Mạy (khu vực trạm giống của huyện Quỳ Hợp bây giờ), hàng năm cũng được thờ cúng bằng gói “hỏ mọc” vào ngày 20/8 âm lịch.

Thái Tâm

Mới nhất
x
Pủ Chiêng Yến - truyền thuyết và hiện thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO