"Quả bom" Wikileaks lại gây chấn động cho các đồng minh Mỹ
(Baonghean) - Từ năm 2006 đến 2012, cơ quan tình báo Mỹ (NSA) đã nghe trộm 3 đời Tổng thống Pháp. Thông tin do Wikileaks công bố dù không có gì quá bất ngờ hay bí mật, nhưng rõ ràng đã làm dấy lên phản ứng gay gắt trong giới chính trị gia Pháp. Rất có thể vụ việc này cũng sẽ đẩy mối quan hệ đồng minh Mỹ - Pháp vào vùng “thời tiết xấu”.
Trong bộ hồ sơ mang tên “Tình báo Elysee” của WikiLeaks tiết lộ, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã do thám 3 đời Tổng thống Pháp - gồm hai cựu Tổng thống Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy và đương kim Tổng thống François Hollande. Không những vậy, NSA được cho là đã do thám cả các Bộ trưởng Pháp và đại sứ Pháp tại Mỹ. Các số điện thoại của các nhà lãnh đạo Pháp đều nằm trong danh mục các đối tượng theo dõi của NSA. Các tài liệu bị rò rỉ bao gồm các đoạn hội thoại giữa các quan chức chính phủ Pháp về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, tương lai của Liên minh châu Âu, mối quan hệ giữa chính phủ Pháp và chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel, các nỗ lực của Pháp trong việc xây dựng hệ thống nhân viên điều hành của Liên Hợp quốc và những tranh cãi giữa Pháp và Mỹ về chương trình do thám của Mỹ.
Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2014. |
Đây không phải lần đầu tiên Mỹ dính vào bê bối bởi những hành động theo dõi đồng minh. Những thông tin mà Wikileak công bố liên quan đến nước Pháp khiến người ta nhớ lại vụ Cơ quan tình báo Mỹ NSA theo dõi điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Vụ việc bị tiết lộ hồi năm ngoái và sau đó đã tạo ra một thời kỳ băng giá trong quan hệ Mỹ - Đức. Cũng thời điểm đó, hàng triệu người dân Pháp cũng bị nghe lén từ cơ quan an ninh Mỹ khiến Paris nổi giận và đích thân Tổng thống Obama phải gọi điện cho người đồng cấp của mình để giải thích. Vì thế, lần này không ít nhà phân tích nghi ngại, quan hệ giữa Mỹ và đồng minh thân thiết là Pháp lại khó tránh khỏi những căng thẳng khi nạn nhân là 3 đời Tổng thống Pháp.
Với nước Pháp, có lẽ người khó xử nhất sau vụ việc này là Tổng thống Hollande. Vụ việc diễn ra khi quan hệ Mỹ - Pháp đang ở giai đoạn tươi sáng nhất sau một thập niên kể từ khi Paris từ chối tham gia cuộc chiến do Mỹ đứng đầu ở Iraq. Chuyến thăm Mỹ của ông Hollande cuối năm ngoái đã “cài đặt lại” và tạo động lực mới cho mối quan hệ giữa hai đồng minh thân cận này. Thế nên, đứng trước sự việc mà chính ông là “nạn nhân”, ông chủ Điện Elysee sẽ phải cân nhắc, liệu có nên “làm căng” quá với đối tác quan trọng của mình. Nhưng, nếu không làm rõ vấn đề, ông sẽ “khó ăn nói” với nội các - những người đã tỏ ra tức giận trước sự việc vừa diễn ra.
Mặc dù câu chuyện nghe lén của nước Mỹ không quá xa lạ sau những tiết lộ của cựu nhân viên an ninh Edward Snowden hồi năm 2013. Thế nhưng, bê bối này dường như vẫn ám ảnh nước Mỹ khi thỉnh thoảng Wikileaks lại công bố những thông tin gây chấn động và lần này là với nước Pháp. Trong một phản ứng, Nhà Trắng khẳng định hiện tại không theo dõi các liên lạc của Tổng thống Pháp François Hollande và "sẽ không làm vậy". Người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Ned Price tuyên bố Washington không tiến hành các hoạt động do thám tình báo nước ngoài nếu không nhằm mục đích an ninh quốc gia hợp lý và cụ thể. Nguyên tắc này áp dụng cho mọi trường hợp và đối tượng. Ông Price nhấn mạnh Mỹ hợp tác chặt chẽ với Pháp trên nhiều vấn đề quốc tế cùng quan tâm và Paris là một đối tác không thể thiếu của Washington. Tuy nhiên, có vẻ như câu trả lời này của Mỹ không làm các đồng minh của nước này hài lòng. Vì khó ai đoán chắc rằng mình không từng bị người Mỹ “theo dõi” và một ngày nào đó bí mật lại bị phanh phui.
Thế nhưng, giới quan sát cũng nhận định dù có thể gây ra những tranh cãi với các đồng minh, nhưng bê bối nghe lén lần này bị phát lộ có lẽ sẽ không đẩy mối quan hệ Mỹ với Pháp tới mức “băng giá” như quan hệ Mỹ - Đức cách đây 2 năm. Nhiều quan chức Pháp và một số nước châu Âu thậm chí đã biết trước việc bị theo dõi và họ cho rằng điều quan trọng là phải cẩn trọng khi dùng điện thoại di động cũng như kiểm tra các camera trước mỗi cuộc họp quan trọng.
Dù sao vụ việc này được cho là đòn giáng mạnh vào hình ảnh Mỹ - đất nước vốn luôn luôn đề cao về quyền tự do cá nhân. Tất nhiên, những cáo buộc mới về việc Mỹ do thám đồng minh của mình có thể khiến nước này gặp khó khăn hơn trong việc tranh thủ sự ủng hộ từ các nước đồng minh trong các vấn đề quốc tế.
Thanh Huyền