Quân đội Mỹ bắt đầu tập trận chung gần lãnh thổ Nga
Hôm 4/5, lực lượng quân đội Mỹ ở châu Âu đã bắt đầu các cuộc tập trận chung với 28.000 quân từ 26 quốc gia gần lãnh thổ Nga trong hơn 6 tuần, với trọng tâm là các khu vực Balkan và Biển Đen.
Theo báo Washington Examminer, đây là cuộc tập trận đa quốc gia lớn nhất do Bộ Tư lệnh châu Âu (EUCOM) của Mỹ tổ chức. Động thái này diễn ra ngay sau cuộc tập trận được cho là có sự tham gia của khoảng 100.000 quân Nga ở vùng biên giới phía Đông Ukraina và đảo Crưm.
Các cuộc tập trận, vốn được lên kế hoạch từ lâu, nhằm mục đích kiểm tra cơ sở hạ tầng và năng lực phản ứng quân sự của NATO ở Đông Nam châu Âu. Tướng Tod Wolters - chỉ huy EUCOM, tuyên bố cuộc tập trận còn nhằm cải thiện công tác hậu cần.
“Những gì chúng tôi đang cố gắng làm là cải thiện tính minh bạch và liên kết chiến lược của chúng tôi, điều chưa từng được thực hiện với phạm vi và quy mô như thế này kể từ những năm 1940”, ông Wolters cho biết.
Dàn khí tài quân sự Mỹ đổ bộ vào Cảng Durres, Albania hôm 1/5. Ảnh: AP |
Các hoạt động trong cuộc tập trận bao gồm xâm nhập vũ trang, phòng không và tên lửa, bắn đạn thật và một cuộc tập trận theo hiệu lệnh. Tất cả đều nhằm cải thiện khả năng sẵn sàng của binh sĩ Mỹ trong việc dễ dàng kết hợp với các đối tác của NATO, trong trường hợp xảy ra khủng hoảng trong khu vực.
“Chúng tôi đang cố gắng tuân theo sự chỉ đạo của chỉ huy EUCOM và Bộ Quốc phòng Mỹ trong việc chuyển trọng tâm ngay lập tức xuống các vùng Balkan và Biển Đen. Đây là một vùng chiến lược quan trọng nơi chúng tôi luôn hiện diện, nhưng chúng tôi vẫn muốn gia tăng sự hiện diện của mình”, một quan chức của EUCOM nói với Washington Examiner vào tháng 3.
Sau những căng thẳng trong mối quan hệ Nga-Ukraina hồi năm 2014, Mỹ bắt đầu có sự hiện diện quân sự luân phiên trên khắp phạm vi ảnh hưởng của NATO ở khu vực Đông Âu. Các quốc gia đối tác của NATO tại vùng Biển Đen, như Romania hay Bulgaria, cũng là những đối tác quân sự lớn nhất của Mỹ.
Theo Washington Examinter, các hoạt động trong khuôn khổ cuộc tập trận vào tuần tới còn bao gồm việc kiểm tra đường xá, bến cảng và các cơ sở hạ tầng quân sự. Một vài trong số những hạng mục này vốn được hưởng lợi từ gói tài trợ 20 tỷ USD cho Sáng kiến răn đe châu Âu (EDI) của Mỹ trong vòng 6 năm.