Tuy nhiên, một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn chưa đưa ra quyết định ra lệnh tấn công quân sự
nhằm vào chính phủ Syria.
![]() |
Tàu khu trục USS Gravely đã áp sát Syria để sẵn sàng cho cuộc tấn công
(Nguồn: AFP/ TTXVN)
Trước đó cùng ngày, các nguồn tin tham dự cuộc họp giữa các phái viên và Liên minh Dân tộc Syria ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các cường quốc phương Tây đã tuyên bố với phe đối lập Syria rằng hãy chờ đợi một cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng của ông Assad.
Trả lời phỏng vấn báo chí, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu khẳng định nếu có một liên minh quốc tế được thiết lập để chống lại chính quyền Syria, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gia nhập liên minh ngay cả khi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc không đạt được sự đồng thuận trong vấn đề này.
Thổ Nhĩ Kỳ có chung đường biên giới dài 910km với Syria và là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng từ cuộc xung đột kéo dài hơn 2 năm qua ở quốc gia láng giềng. Thổ Nhĩ Kỳ cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng sâu sắc ở quốc gia láng giềng.
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 27/8 tuyên bố Israel sẽ đáp trả "khốc liệt" nếu Syria tấn công nhà nước Do Thái này trong bối cảnh Mỹ cân nhắc có hànhđộng quân sự đối với chế độ của Tổng thống Assad.
Ông Netanyahu nói: "Chúng tôi không là một phần của cuộc nội chiến ở Syria nhưng nếu chúng tôi phát hiện ra bất kỳ âm mưu nào làm phương hại chúng tôi, chúng tôi sẽ đáp trả và đáp trả rất khốc liệt".
Còn Arập Xêút ngày 27/8 cũng kêu gọi phải hành động "cứng rắn và nghiêm túc" đối với chế độ Syria. Ngoại trưởng nước này, Hoàng thân Saud al-Faisal, cho hay: "Tình hình này đòi hỏi phải có thái độ cứng rắn và nghiêm túc nhằm chấm dứt thảm kịch đối với người dân Syria". Ông cáo buộc chế độ Syria đã làm "mất đi bản sắc Arập của mình".
Cũng trong ngày 27/8, truyền thông Indonesia đưa tin Thủ tướng Australia Kevin Rudd đã điệnđàm với Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono để trao đổi về các vấn đề liên quan đến tình hình hiện nay ở Syria và vai trò của Canberra trên cương vị Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo An Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ tháng 9/2013.
Cũng trong cuộc điện đàm, Tổng thống Yudhoyono đã thông báo quan điểm của Inđônêxia về Syria, theo đó Jakarta quan ngại sâu sắc về việc sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc xung đột ở Syria và coi đây là hành động không thể chấp nhận được. Indonesia ủng hộcác nỗ lực để giải quyết xung đột tại đây, nhất là các bước đi của Hội đồng bảo an.
Trong khi đó, bà Khawla Mattar - phát ngôn viên của Đặc phái viên chung LHQ-Liên đoàn Arập (AL) về Syria Lakhdar Brahimi -bày tỏ tin tưởng rằng giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng ở Syria là ngồi vào bàn đàm phán.
Bà cho biết ông Brahimi đang làm việc với tất cảcác bên nhằm hướng tới một hội nghị quốc tế lần thứ hai về Syria tại Geneva, tiếp sau hội nghị cấp bộ trưởng tại Geneva hồi năm ngoái./.