Quan hệ Mỹ - Israel: 'Va vấp tại đâu, bắt đầu từ đó'

16/02/2017 11:08

(Baonghean) - Sau Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, người tiếp theo muốn “kiểm chứng” những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump là Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân

Cuộc hội đàm giữa ông Trump và ông Netanyahu vào ngày 15/2 được cho là cơ hội để chứng minh những tuyên bố của ông Trump khi tranh cử về việc tăng cường quan hệ với đồng minh Israel.

Chuyến đi nhiều kỳ vọng

Thủ tướng Benjamin Netanyahu lên đường tới Mỹ với hành trang là hàng loạt vấn đề cốt lõi của Israel như chương trình hạt nhân Iran, cuộc chiến tại Syria, tiến trình hòa bình Trung Đông, sự hòa giải của Israel với các nước Arập trong khu vực...

Nhiệm vụ quan trọng của ông Netanyahu là phải giành được sự ủng hộ của chính quyền mới ở Mỹ trong những vấn đề này - điều mà Israel đã không còn giữ được dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Bản thân ông Netanyahu cũng tràn đầy tự tin trước khi lên đường khi nói rằng “quan hệ đồng minh giữa Israel và Mỹ luôn hết sức mạnh mẽ và sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn”.

Trump và Netanyahu từng gặp nhau vào tháng 9 năm ngoái. Ảnh: Al Monitor
Trump và Netanyahu từng gặp nhau vào tháng 9 năm ngoái. Ảnh: Al Monitor

Ông Netanyahu có lý do cho sự tự tin này. Trước lễ tuyên thệ nhậm chức và khi chính thức bước chân vào Nhà Trắng, ông Donald Trump đã không dưới 1 lần khẳng định sự ủng hộ hoàn toàn với Israel. Nếu như trước đây, chính quyền của Tổng thống Obama luôn coi sự tồn tại độc lập của một nhà nước Palestine bên cạnh Israel là “chìa khóa” đảm bảo cho hòa bình Trung Đông và luôn tìm mọi cách thúc đẩy thỏa thuận “hai nhà nước”, thì ông Trump lại có những bước đi hoàn toàn khác.

Những tuyên bố của ông Trump không giữ màu sắc trung gian mà ngả hẳn sang Israel: “Không thể tiếp tục để Israel bị đối xử một cách khinh miệt và thiếu tôn trọng… Hãy cùng đứng vững bên Israel, thời điểm 20/1 đang tới rất nhanh”. Ông Donald Trump còn tính toán chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem - nơi mà đội ngũ của ông Trump ám chỉ là sẽ được thừa nhận là thủ đô của nước này.

Việc ông Donald Trump dự định chọn ông David Friednam - người từng công khai phản đối giải pháp hai nhà nước Israel và Palestine cùng chung sống hòa bình - làm Đại sứ tại Israel cũng được xem là cách gián tiếp bày tỏ sự ủng hộ với lập trường của Israel trong vấn đề Trung Đông.

Dù kế hoạch di chuyển Đại sứ quán Mỹ về Jerusalem đã bị tạm dừng và ông Donald Trump mới đây lần đầu tiên lên tiếng chỉ trích việc mở rộng khu tái định cư trên những vùng lãnh thổ mà Israel chiếm đóng của Palestine là “không giúp ích cho hòa bình khu vực”, song giới phân tích cho rằng đây chỉ là những điều chỉnh nhỏ của chính quyền Donald Trump nhằm phù hợp với tình hình địa chính trị khu vực cũng như tình hình trong nước.

Trong bối cảnh chính quyền mới của ông Donald Trump đang gặp rất nhiều khó khăn kể từ khi ông chính thức nhậm chức, với đòn giáng mạnh nhất là sự ra đi của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn, ông Donald Trump chắc chắn không muốn hứng thêm những chỉ trích của cộng đồng quốc tế nếu không “tỏ thái độ” với hành động của Israel.

Nhưng những điều chỉnh này cũng không làm thay đổi mong muốn “cài đặt lại” quan hệ giữa Mỹ và Israel, và ông Donald Trump sẽ có nhiều cách để thể hiện điều đó ngoài vấn đề hòa bình giữa Israel với Palestine.

“Va vấp tại đâu, bắt đầu từ đó”

Vấn đề được cho là ông Donald Trump và ông Benjamin Netanyahu dễ đạt đồng thuận nhất và cũng thể hiện thiện chí tốt nhất của Mỹ với Israel là Iran. Iran được xem là điểm cốt lõi nhất khiến cho mối quan hệ giữa Mỹ và Israel xấu đi nhanh chóng dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.

Cho đến nay, ông Netanyahu vẫn chưa chấp nhận được việc Mỹ bỏ qua những mong muốn của Israel để cùng với các nước phương Tây ký thỏa thuận hạt nhân với Iran hồi tháng 7 năm ngoái. Phía Israel cho rằng, với mục đích làm “đẹp hồ sơ” trong nhiệm kỳ cuối, ông Obama đã từ bỏ rất nhiều yêu cầu của mình và để cánh cửa khá rộng cho Iran, thậm chí Iran còn có thể chế tạo một quả bom nguyên tử trong tương lai.

Quan điểm của ông Netanyahu được Tổng thống Donald Trump chia sẻ khi ông nhiều lần nói rằng thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 là “tồi tệ nhất trong lịch sử” và ông sẽ tiến hành những bước đi nhằm “sửa chữa sai lầm của chính quyền Obama” - ám chỉ việc hủy bỏ văn kiện này.

Sự đồng thuận về vấn đề hạt nhân Iran từng được hai nhà lãnh đạo thể hiện trong cuộc điện đàm hồi tháng 1 vừa qua. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khi đó đã không giấu được sự hài lòng khi khẳng định Israel ủng hộ các lệnh trừng phạt kinh tế mới nhằm vào Iran…

Trump và Netanyahu từng gặp nhau vào tháng 9 năm ngoái.Ảnh: Al Monitor
Mỹ đang tạm dừng kế hoạch chuyển Đại sứ quán tại Israel tới Jerusalem. Ảnh: Express

Từ phía Mỹ, những cam kết cũng đã được hiện thực hóa bằng một số lệnh trừng phạt mới nhằm vào Iran sau khi nước này tiến hành vụ thử tên lửa mới đây. Ông Donald Trump còn không che giấu ý định tìm kiếm những lệnh trừng phạt mạnh hơn từ Quốc hội Mỹ nhằm vào Iran.

Cả ông Trump và ông Netanyahu tỏ ra rất đồng lòng với mục tiêu lên án các hành động vi phạm thỏa thuận quốc tế của Iran và ngăn chặn việc Iran phát triển tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Việc ông Trump bổ sung lực lượng hải quân tới Vịnh Persian cũng được ngầm hiểu rằng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran sẽ được củng cố bằng biện pháp quân sự.

Chắc chắn, Israel - nước vẫn luôn lo ngại về sự trỗi dậy của Iran tại Trung Đông cực kỳ hài lòng với những bước đi này của chính quyền Donald Trump.

Giới phân tích cho rằng, Iran sẽ là điểm mấu chốt để đưa hai đồng minh Mỹ - Israel trở lại bên nhau sau 8 năm “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. Dù gì đi nữa, Mỹ và Israel có mối quan hệ sâu rộng trong hàng loạt vấn đề, chia sẻ nhiều giá trị và lợi ích chung với nhiều hoạt động hợp tác ở cấp độ cá nhân, địa phương, liên bang và quốc gia.

Sợi dây ràng buộc giữa hai nước đủ mạnh để vượt qua những thời điểm sóng gió, và thời khắc quan trọng đánh dấu trang mới trong quan hệ Mỹ - Israel chính là cuộc hội đàm giữa Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Thúy Ngọc

» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Quan hệ Mỹ - Israel: 'Va vấp tại đâu, bắt đầu từ đó'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO