Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc: Thiện chí nhưng phải tỉnh táo

10/01/2015 09:40

(Baonghean) - Mối quan hệ lâu năm giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa bao giờ là chủ đề cũ đối với dư luận trong và ngoài nước. Phóng viên báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư, Tiến sỹ, Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên viện trưởng Viện Khoa học và Chiến lược Bộ Công an để có cái nhìn rộng và sâu về những sự kiện mới nhất, đặt trong bối cảnh mối quan hệ lâu đời này.

(Baonghean) - Mối quan hệ lâu năm giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa bao giờ là chủ đề cũ đối với dư luận trong và ngoài nước. Phóng viên báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư, Tiến sỹ, Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên viện trưởng Viện Khoa học và Chiến lược Bộ Công an để có cái nhìn rộng và sâu về những sự kiện mới nhất, đặt trong bối cảnh mối quan hệ lâu đời này.

P.V: Thưa Thiếu tướng, gần đây dư luận đang rất quan tâm đến thông tin Trung Quốc đề nghị Việt Nam sử dụng đồng tiền Trung Quốc (nhân dân tệ) trong các giao dịch Việt Nam - Trung Quốc. Theo ông, đâu là động cơ, mục đích của Trung Quốc với động thái này?

TIN LIÊN QUAN

Trung Quốc đề nghị Việt Nam sử dụng đồng tiền nhân dân tệ trong các giao dịch Việt Nam - Trung Quốc. ảnh: internet
Trung Quốc đề nghị Việt Nam sử dụng đồng tiền nhân dân tệ trong các giao dịch Việt Nam - Trung Quốc. ảnh: internet

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trước tiên, xét về khía cạnh kinh tế, việc sử dụng đồng tiền chung trong giao dịch thương mại là điều thường xuyên xảy ra trên thế giới và Trung Quốc cũng không phải là ngoại lệ. Bởi lẽ mức độ, phạm vi quốc tế hoá của đồng tiền phản ánh quy mô phát triển của một nền kinh tế. Người ta vẫn gọi Mỹ là siêu cường, điều này thể hiện rõ rệt nhất ở việc cả trăm năm nay, đồng đô la Mỹ chiếm 60% dự trữ ngoại tệ trên toàn hành tinh. Trên thực tế, từ năm 2010 đến nay, Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trương quốc tế hoá đồng nhân dân tệ và yêu cầu toàn bộ hệ thống kinh tế Trung Quốc tập trung, xem đây là mũi nhọn để phát triển nền kinh tế của đất nước tỷ dân trong thời đại hội nhập. Việt Nam là một điểm đến tất yếu, bên cạnh các quốc gia khác trong khu vực như Lào, Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc,…

Tuy nhiên, bên cạnh lý do về kinh tế, tôi cho rằng ở đây còn có lý do về an ninh - chính trị. Phải chăng thông qua việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong giao dịch hai nước, Trung Quốc muốn tạo lập mối quan hệ ràng buộc mà trong đó Việt Nam ở thế phụ thuộc? Đó là một câu hỏi không hề vô nghĩa. Tất nhiên, từ góc nhìn của chúng ta, không thể hình dung, đánh giá hết được ý nghĩa sâu xa đằng sau lời đề nghị của Trung Quốc. Nhưng tôi cho rằng đó là một lời đề nghị đáng cân nhắc, thậm chí phải cảnh giác. Bởi, một khi có sự phụ thuộc về kinh tế, ắt sẽ có sự phụ thuộc, thao túng về an ninh - chính trị.

Mối quan hệ liên đới này là một chân lý chung và hiển nhiên, là “luật chơi” của mọi ván bài trên trường quốc tế: khủng hoảng quan hệ an ninh - chính trị giữa Nga và Ukraina kéo theo khủng hoảng về vấn đề năng lượng là ví dụ mới nhất. Nói như vậy để luôn tự nhắc nhở: không bao giờ có sự tách bạch, phân khai rõ ràng giữa kinh tế và an ninh - chính trị; mọi quyết định, mọi động thái trong quan hệ đối ngoại quốc tế đều có động cơ đa chiều.

P.V: Như vậy, nếu xét về mặt khoa học kinh tế, chúng ta nên hay không nên chấp nhận đề nghị này của Trung Quốc, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Về kinh tế học đơn thuần, tôi cho rằng cần phải đánh giá nền kinh tế chủ thể của đồng nhân dân tệ trước khi quyết định nên hay không nên chấp nhận cho đồng tiền này tiến sâu hơn vào nền kinh tế Việt Nam. Xét thứ hạng các đồng tiền chuyển đổi, trước nhất là đồng đô la - như tôi đã nói ở trên, tiếp đến là đồng euro với khu vực giao dịch thương mại rộng lớn, thứ ba là đồng yên Nhật và sau đó là đồng bảng Anh. Như vậy, trong thị trường tài chính thế giới, vai trò của đồng nhân dân tệ còn tương đối khiêm tốn. Cơ bản đây chưa phải là một đồng tiền chuyển đổi được sử dụng rộng rãi trong giao dịch thương mại và trao đổi hối đoái quốc tế. Vì lý do này, chúng ta không nên gắn nền kinh tế của mình với một đồng tiền không "mạnh", không có giá trị chuyển đổi.

Nên nhớ rằng, trước đây chúng ta từng tranh luận về việc tránh tình trạng "đô la hoá", bởi nó tạo nên bất cập là một sự ràng buộc trực tiếp mang tính bị động vào kinh tế và an ninh chính trị có yếu tố nước ngoài. Đó là trường hợp của một đồng tiền mạnh, sau lưng nó là nền công nghiệp, công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới, đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt cả hành tinh này - mà chúng ta còn e ngại, huồng hồ là với một đồng tiền, một nền kinh tế còn nhiều bất ổn như Trung Quốc.

Tổng lượng sản xuất của quốc gia này rất lớn, nhưng chất lượng phát triển, hàm lượng chất xám thì còn nhiều điều đáng bàn. Hiệu suất thấp, "bong bóng" bất động sản, nợ công lớn,... đó là những "quả bom" không biết bao giờ sẽ nổ của nền kinh tế tỷ dân. Vậy thì, nên hay không nên gắn tiền tệ - huyết mạch của nền kinh tế nước nhà vào một chủ thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ như vậy, tôi nghĩ câu trả lời đã rõ.

P.V: Đó là xét về phương diện kinh tế học đơn thuần, liệu có lý do nào khác khiến chúng ta nên cân nhắc trước đề nghị này không, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Vừa rồi tôi đã phân tích về mặt lý thuyết, còn trên thực tế, có nhiều "bài học" mà chúng ta có thể rút ra qua những lần hợp tác với người láng giềng lâu năm này. Phải nói, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc từ trước đến nay đã trải qua nhiều thăng trầm, biến động. Chúng ta ghi nhận sự giúp đỡ của nhân dân Trung Quốc trong những giai đoạn lịch sử khó khăn của dân tộc. Nhưng bên cạnh đó, cũng phải nhớ rằng, thái độ của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với Việt Nam không phải chỉ có nồng ấm, mà còn có một phần ý muốn kiểm soát, kìm hãm.

Về an ninh chính trị, có lẽ không cần phải nói nhiều: tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên biển Hoa Đông đã và đang là điểm nóng trong khu vực nói chung và trong mối quan hệ hai nước Việt Nam - Trung Quốc nói riêng. Về kinh tế, có một sự thật là các công trình do Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam hầu như chỉ toàn sử dụng công nghệ lạc hậu. 49/62 nhà máy xi-măng, 17/26 dự án nhiệt điện do tổng thầu Trung Quốc chịu trách nhiệm đều lạc hậu, chậm tiến độ. Mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ giao thông Đinh La Thăng đã thể hiện thái độ gay gắt với tổng thầu Trung Quốc vì sự vô trách nhiệm trong sử dụng con người và công nghệ đối với thi công đường sắt trên cao Hà Đông, Hà Nội.

Tất cả những thực tế trên cho thấy, trong thái độ và hành động của Trung Quốc có sự thiếu thiện chí nhất định. Nhận thức rõ điều ấy, không phải để chống Trung Quốc mà để giữ được sự tỉnh táo và cái nhìn thấu đáo, lường và tránh được những nguy cơ, hiểm họa có thể xảy ra. Duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc là tất yếu, bởi Trung Quốc cần Việt Nam và Việt Nam cũng cần Trung Quốc. Nhưng hữu nghị, hợp tác phải trên cơ sở tôn trọng và đảm bảo chủ quyền. Tôi nói chủ quyền ở đây bao hàm cả vấn đề lãnh thổ - tức an ninh chính trị và cả vấn đề kinh tế. Có nghĩa là chúng ta phải có thái độ vừa "mềm" vừa "rắn", hợp tác cởi mở và thiện chí nhưng kiên quyết, dứt khoát khi chủ quyền, tự tôn dân tộc bị đe doạ. Đó là một cách nhận thức mới đối với mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc nói riêng và quan hệ với quốc tế nói chung.

P.V: Cảm ơn Thiếu tướng về cuộc trò chuyện!

Thục Anh

Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc: Thiện chí nhưng phải tỉnh táo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO