Quản lý chặt chẽ hoạt động nghiệp vụ ngân hàng
(Baonghean) - Thời gian gần đây, chưa bao giờ những thông tin xấu về đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ ngân hàng được đăng tải và nhắc đến nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trong các diễn đàn chính thức. Và cũng chưa bao giờ hoạt động kinh doanh của ngân hàng lại chứa đựng, tiềm ẩn nhiều rủi ro đến thế...
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thông- Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng quốc tế (VIB) Vinh, chia sẻ: Ngoài công tác thường xuyên giáo dục, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, định hướng cho cán bộ, nhân viên, người trước định hướng cho người sau, chúng tôi đặc biệt coi trọng quy định, quy chế chặt chẽ trong cho vay. Cẩn trọng, nghiêm túc từ Hội sở chính. Đối với Chi nhánh VIB Vinh năm đầu tiên đi vào hoạt động, Giám đốc chi nhánh chỉ được phép duyệt cho vay tối đa 500 triệu đồng/khách hàng. Sau 2 năm hoạt động, Giám đốc chi nhánh được nâng hạn mức duyệt cho vay tối đa 1 tỷ đồng/khách hàng. Và đến nay sau 5 năm hoạt động- VIB Vinh là chi nhánh tốt nhất của hệ thống VIB trong toàn quốc thì Giám đốc chi nhánh Vinh cũng chỉ được duyệt cho vay tối đa là 2,5 tỷ đồng/khách hàng, còn các mức vay khác cao hơn đều phải chuyển ra Hội sở chính trình duyệt.
Hoạt động giao dịch tại Ngân hàng Quốc tế VIB chi nhánh Vinh.
Hiện nay, các hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp ngành ngân hàng từng diễn ra trong hoạt động huy động vốn và tín dụng. Trong huy động vốn, CBNV vay tiền của chính những khách hàng gửi tiền với lãi suất đúng bằng lãi suất huy động của ngân hàng để sử dụng vào các mục đích khác nhau; Lợi dụng sơ hở để phát hành giả sổ tiết kiệm để sử dụng vào các mục đích xấu (sổ thật nhưng không có tiền); Giao dịch viên nhận tiền của khách hàng gửi tiền, sau đó vẫn làm sổ tiết kiệm bình thường nhưng không nhập hệ thống, để cả chứng từ và tiền ra ngoài để chi tiêu (thường làm với những khách hàng gửi kỳ hạn dài). Chỉ khi nào khách hàng đưa sổ đến rút tiền thì ngân hàng mới phát hiện ra, lúc đó có thể giao dịch viên ấy đã cao chạy xa bay...
Đối với tín dụng: Cán bộ tín dụng vay ké khách hàng để sử dụng vào các mục đích khác nhau; Vay tiền của khách hàng hay các mối quan hệ quen biết để cho vay lại với lãi suất cao hưởng chênh lệch; Lợi dụng uy tín của cán bộ ngân hàng và ngân hàng để nhận tiền gửi hay cho vay để trục lợi cá nhân; Cán bộ tín dụng dùng tiền cá nhân để cho khách hàng vay thêm nếu thấy khách hàng tốt, an toàn và có nhu cầu lớn; Cấu kết với cò tín dụng, đưa thông tin sai lệch trên tờ trình để được lãnh đạo phê duyệt nhằm ăn chia % của khách hàng vay với cò tín dụng;
Hiện tại, dư nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn Nghệ An chiếm khoảng 2% trong tổng dư nợ. Tuy nhiên, nợ xấu đã được các ngân hàng trích lập rủi ro, dự phòng. Trong thời gian qua, một số cán bộ ngân hàng sa sút đạo đức đã nảy sinh lừa đảo, giả mạo hồ sơ chứng từ vay vốn để chiếm đoạt vốn của ngân hàng, khiến dư luận phẫn nỗ và làm giảm niềm tin trong nhân dân về hoạt động của một số ngân hàng. Lợi dụng tình hình này, một số trường hợp nhân cơ hội "đục nước béo cò" để cạnh tranh thiếu lành mạnh, phao tin đồn nhảm như "giám đốc ngân hàng C, ngân hàng D bỏ trốn, khách hàng N dư nợ vay các ngân hàng trên địa bàn 30 tỷ đồng nhưng phao tin đồn vỡ nợ 200 tỷ đồng..." nhằm mục đích hạ bệ lẫn nhau... Tuy vậy, người dân không nên vì nợ xấu phát sinh của ngân hàng A hay B nào đó mà lo ngại tiền gửi của mình không an toàn. Không nên quan niệm Ngân hàng thương mại cổ phần không an toàn, đem tiền đến gửi Ngân hàng thương mại Nhà nước, mà nên chọn ngân hàng nào có dịch vụ tốt nhất, giao dịch thuận tiện. Nếu người dân chưa hiểu thấu đáo bản chất, có thể sẽ dẫn đến hiện tượng chuyển dịch nguồn vốn không đáng có, nguồn tiền chạy từ ngân hàng này sang ngân hàng kia. Như vậy vốn đã khó khăn lại gây thêm bất ổn cho ngành ngân hàng. Điều quan trọng là làm sao để đồng tiền lưu chuyển tốt trong nền kinh tế. Nếu nguồn vốn chỉ tập trung vào một số Ngân hàng thương mại Nhà nước thì chưa hẳn đã tốt cho nền kinh tế bởi nó không được đầu tư đa dạng.
Còn đối với 2 vụ việc lừa đảo chiếm đoạt vốn ngân hàng tại Chi nhánh Eximbank Vinh, hiện nay, đối với các cán bộ có liên quan, Eximbank Việt Nam đang kiểm tra xử lý theo mức độ sai phạm. Trước mắt, Tổng Giám đốc Eximbank Việt Nam đã có quyết định đình chỉ công tác đối với 13 cán bộ của Eximbank Vinh.
Riêng ông Đặng Nam Hải đã bị Công an Nghệ An bắt tạm giam, đang trong quá trình điều tra. Eximbank Vinh đang cùng với các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nợ xấu, nợ của các khách hàng lừa đảo. Hiện tại, Eximbank Vinh đã có Giám đốc điều hành mới tiếp quản, mọi hoạt động nghiệp vụ tại ngân hàng này vẫn diễn ra bình thường. Cá nhân nào vi phạm, tuỳ theo mức độ đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Để kịp thời chấn chỉnh và nâng cao chất lượng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nghệ An yêu cầu Giám đốc các tổ chức tín dụng, Chi nhánh TCTD thực hiện nghiêm một số nội dung sau: " Rà soát toàn bộ hồ sơ vay vốn còn dư nợ tại đơn vị mình để đánh giá, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo đúng quy định, đặc biệt quan tâm đối chiếu khách hàng có dư nợ lớn, kiểm tra tính pháp lý của tài sản đảm bảo tiền vay; Các đơn vị có nợ xấu cao trên 5% dư nợ phải có các giải pháp, biện pháp thu hồi nợ đối với từng khách hàng, phân tích nguyên nhân nợ xấu và quy trách nhiệm cụ thể cho các cán bộ sai phạm (nếu có); Các trường hợp cho vay mới phát sinh, các tổ chức tín dụng, chi nhánh TCTD cần lưu ý cử cán bộ có liên quan cùng với khách hàng thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng quy định..."
Quỳnh Lan