Quản lý LĐXK cư trú bất hợp pháp: Cần có chính sách phù hợp

05/12/2014 08:39

(Baonghean) - Hiện nay, Nghệ An có số lượng cũng như tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng lưu trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc khá lớn. Do đó, cần có cơ chế, chính sách phù hợp để vừa đáp ứng nhu cầu gia hạn hợp đồng của người lao động mà vẫn không vi phạm pháp luật của nước sở tại. Xung quanh vấn đề này phóng viên Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đặng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

TIN LIÊN QUAN

P.V: Xin đồng chí cho biết về thực trạng lao động Nghệ An hết hạn hợp đồng cư trú bất hợp pháp của Nghệ An tại Hàn Quốc?

Đồng chí Đặng Cao Thắng: Từ năm 2007 – 2012, bình quân hàng năm toàn tỉnh có 500 – 700 lao động được xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình luật cấp phép lao động nước ngoài (EPS). Tính đến ngày 31/10/2014, trong tổng số hơn 75.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, số lao động có hộ khẩu thường trú tại Nghệ An đang làm việc tại Hàn Quốc là khoảng hơn 4.500 người; trong đó, có 555 lao động xuất cảnh trong năm 2014 khi Chương trình EPS được nối lại, còn lại là những lao động xuất cảnh trước tháng 9/2012 đang còn thời hạn hợp đồng lao động... Tính đến hết tháng 10/2014, số lượng lao động Nghệ An làm việc tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng lao động là 173 người, nhưng có đến 84 người đang cư trú bất hợp pháp tại nước bạn, chiếm tỷ lệ gần 48,5%, trong khi tỷ lệ chung của cả nước là 39,41%.

Công nhân Việt Nam sang Hàn Quốc lao động. Ảnh: Phùng Trọng
Công nhân Việt Nam sang Hàn Quốc lao động. Ảnh: Phùng Trọng

P.V: Tình trạng lao động Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng hết hạn hợp đồng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc ảnh hưởng thế nào đến công tác xuất khẩu lao động?

Đồng chí Đặng Cao Thắng: Trước hết phải khẳng định, Hàn Quốc là một thị trường có thu nhập cao, mức lương hàng tháng từ 1.000 – 1.500 USD/người. Tuy nhiên, vì phát sinh tình trạng người lao động sau khi hết hạn hợp đồng tìm cách lưu trú bất hợp pháp khiến phía Hàn Quốc dừng thực hiện thỏa thuận phái cử lao động Việt Nam sang Hàn Quốc từ tháng 8/2012 đến tháng 12/2013. Hậu quả là có 2.075 lao động đã đạt yêu cầu qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn, trong đó có hơn 200 lao động ở các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ phải chờ đợi cơ hội để được xuất cảnh. Cuối năm 2013, Bộ LĐ-TB&XH đã ký với Bộ Lao động Hàn Quốc bản ghi nhớ đặc biệt trong vòng 1 năm tiếp tục đưa lao động Việt Nam sang làm việc theo Chương trình EPS với điều kiện số lao động cư trú bất hợp pháp giảm xuống dưới 30% (thời hạn từ ngày 31/12/2013 đến 31/12/2014). Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc gần 40% .

P.V: Theo đồng chí, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc?

Đồng chí Đặng Cao Thắng: Trước hết, đó là sự chênh lệnh về mức thu nhập ở Hàn Quốc và trong nước. Hầu hết lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS là lao động phổ thông, nhưng ở nước bạn, họ được trả lương tối thiểu là 1.000 USD/tháng, cao hơn rất nhiều so với mức thu nhập ở trong nước. Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cho rằng phía Hàn Quốc không xử lý nghiêm những doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động bất hợp pháp, dẫn đến nhiều doanh nghiệp dung túng lao động hết hạn hợp đồng cư trú, làm việc bất hợp pháp để trả lương thấp, để trốn thuế… Ngoài ra, theo phản ánh của nhiều địa phương, thì vẫn còn tình trạng lao động sang làm việc tại Hàn Quốc phải trả cho các đơn vị môi giới, cung ứng xuất khẩu lao động chi phí cao gấp nhiều lần so với quy định, nên cố làm thêm, bù lại chi phí đã bỏ ra.

P.V: Vậy Nghệ An đã có giải pháp nào để khắc phục tình trạng này? Với tư cách là một nhà quản lý, đồng chí có cho rằng cần có cơ chế, chính sách phù hợp hơn để vừa đáp ứng nhu cầu của người lao động mà vẫn không vi phạm pháp luật của nước sở tại?

Đồng chí Đặng Cao Thắng: Trong năm 2014, tỉnh ta đã nỗ lực thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động lao động của tỉnh hết hạn hợp đồng lao động tại Hàn Quốc về nước đúng hạn (đã tổ chức được 4 hội nghị tuyên truyền, vận động, trong đó có 1 hội nghị cấp tỉnh và 3 hội nghị ở các huyện Quỳnh Lưu, Nghi Lộc và TP. Vinh). Ngoài ra, các huyện, thành, thị cũng chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tuyên truyền và có các biện pháp như: niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn và khối xóm danh sách những lao động hết hạn hợp đồng ở lại cư trú, làm việc bất hợp pháp, danh sách lao động sắp hết hạn hợp đồng; vận động gia đình cam kết động viên người thân của mình về nước đúng thời hạn; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh các cấp về các chính sách ưu đãi và chế tài xử phạt mà Nhà nước quy định. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm các đơn vị môi giới, cung ứng xuất khẩu lao động có hành vi lừa đảo, thu phí vượt quá quy định cho phép đối với xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc để giảm bớt gánh nặng chi phí cho người lao động.

Cùng với đó, Sở Lao động - TBXH cũng sẽ kiến nghị để Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục tham mưu cho Chính phủ bàn bạc với phía Hàn Quốc thay đổi khung thời gian đối hợp đồng lao động của người Việt tại Hàn Quốc; tạo điều kiện để người lao động có nguyện vọng ở lại lao động lâu dài, hợp pháp, có việc làm và thu nhập ổn định; có chính sách hợp lý để người lao động hết hạn hợp đồng lao động có cơ hội quay lại tiếp tục tham gia xuất khẩu lao động, giải tỏa mối lo lắng của người lao động sợ về nước không được tiếp tục tham gia các chương trình xuất khẩu lao động. Hiện có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã và đang phát triển kinh doanh tại Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp… Những doanh nghiệp này có thể cần những lao động có kinh nghiệm làm việc tại Hàn Quốc. Đó có thể là một đầu ra cho lao động Việt Nam khi trở về từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong khi chưa có quy định mới, chúng ta vẫn phải tôn trọng luật pháp cũng như các thỏa thuận ký kết hiện nay đối với Hàn Quốc. Không còn cách nào khác, từ người thân, gia đình, các cơ quan chức năng và xã hội phải có hình thức vận động để người lao động trở về nước đúng thời hạn.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Minh Quân (Thực hiện)

Mới nhất

x
Quản lý LĐXK cư trú bất hợp pháp: Cần có chính sách phù hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO