Quản lý nguồn giống gia cầm: Còn bỏ ngỏ
(Baonghean) - Với tổng đàn nuôi trên 17 triệu con, hàng năm, nhu cầu về lượng con giống gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh rất lớn. Để góp vào thành công của vụ nuôi, con giống là yếu tố đầu tiên, quyết định đến hiệu quả của chăn nuôi gia cầm. Thế nhưng, nhiều năm qua, vấn đề quản lý sản xuất, cung ứng con giống trên địa bàn tỉnh hầu như đang còn “bỏ ngỏ”, chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.
Trôi nổi nguồn giống
Đến bây giờ, bà Hồ Thị Mỹ - một hộ dân chuyên chăn nuôi gà theo hình thức nuôi công nghiệp tập trung tại xóm 14, xã Diễn Trung (Diễn Châu) vẫn chưa thể quên “mẻ” gà giống bị “lỗi” bà mua về nuôi trong năm 2013. Lần đó, bà lấy của đại lý ở ngay trong xã 2.000 con gà sinh sản, dù được chăm sóc, ăn uống đầy đủ nhưng vẫn đẻ chậm và đẻ kém, bà đành bán tống bán tháo, tính ra lỗ 40 triệu. Với sự can thiệp của chính quyền xã, gia đình bà được đại lý cung ứng giống đền bù 10 triệu đồng.
Chị Lô Thị Hoa (bản Kẹo Lực, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn) chăm sóc đàn gà. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Đó không phải là trường hợp duy nhất ở Diễn Trung phải chịu những rủi ro từ nguồn giống gia cầm không đảm bảo. Tháng 9 năm ngoái, ông Đậu Trọng Khởi, xóm 1A lấy 1.000 con gà giống từ đại lý Cao Thắng ở xóm 2A. Sau đưa về chuồng nuôi, phát hiện đàn gà không những có 3 kích cỡ khác nhau, mà nhiều con còn bị dị tật, chậm phát triển và mắc nhiều thứ bệnh. Sau 20 ngày nuôi, ông Khởi buộc phải hủy 200 con gà, số còn lại, nếu bình thường chỉ 55 ngày là có thể xuất chuồng thì ông phải nuôi thêm 7 ngày. “Tiền lãi coi như đi tong vào số tiền thức ăn cho gà trong một tuần đó. Đại lý có hứa sẽ hỗ trợ 2 triệu đồng, nhưng đến nay chưa thấy”- ông Khởi chia sẻ. Xã Diễn Trung có khoảng 360 nghìn con gia cầm, chủ yếu là gà, trong đó khoảng 30% là gà đẻ. Toàn xã có 168 nông trại, gia trại nuôi gia cầm, quy mô từ 500 - 20.000 con, trong đó có 8 trang trại lớn nuôi 7.000 - 20.000 con, khoảng 70 gia trại nuôi từ 2.000 - 7.000 con, trên địa bàn có 3 đại lý chuyên cung ứng giống gia cầm, lấy giống từ các tỉnh phía bắc về theo đăng ký của người dân.
Theo ông Đậu Ngọc Hòa - trưởng Ban khuyến nông xã, chất lượng và nguồn cung ứng giống nhìn chung đảm bảo, nhưng vẫn không tránh khỏi có những thời điểm, do nhu cầu lớn, nguồn giống tại chỗ không có, nên người dân phải chấp nhận mua với giá cao, có khi cao gấp rưỡi so với bình thường, hay những mẻ giống bị lỗi, như đợt tháng 9/2014, đã có 12 hộ dân chịu thiệt hại từ nguồn giống gà chất lượng kém, khoảng 30% bị dị tật, khó nuôi. Trong trường hợp đó, điều mà xã có thể làm là làm việc với các đại lý, vận động hỗ trợ một phần cho người nuôi. Ngoài ra, những hộ dân nuôi ít, nhỏ lẻ thì sử dụng giống tự ấp nở trong gia đình là chủ yếu.
Đề cập đến vấn đề kiểm soát nguồn giống, bà Hoàng Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết: Diễn Châu có đàn gia cầm lên tới gần 1,5 triệu con, những năm gần đây hình thức chăn nuôi tập trung gia trại, trang trại ngày càng phát triển. Tuy nhiên, trong công tác giống gia cầm vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Trừ số trang trại nuôi lớn hoặc hợp đồng nuôi cho một số công ty có nguồn giống tốt, nguồn gốc rõ ràng, còn lại người dân chủ yếu sử dụng nguồn giống trôi nổi từ các tỉnh phía Bắc, nhất là tỉnh Hà Tây cũ, thông qua các đại lý hoặc tự gọi điện thoại đặt hàng rồi vận chuyển về bằng xe khách. Trong những lần kiểm tra, lực lượng chức năng của huyện phối hợp với cảnh sát giao thông thu giữ và tiêu hủy một số trường hợp vận chuyển giống gia cầm không rõ nguồn gốc, nhưng con số đó là không đáng kể. Trên địa bàn huyện, những năm gần đây có một số cơ sở ấp trứng gia cầm, cung cấp giống cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn nhưng số lượng không đủ đáp ứng và chất lượng cũng chưa thể quản lý được.
Bỏ ngỏ thị trường
Trong chăn nuôi, con giống có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những yếu tố đầu tiên, quyết định đến hiệu quả nuôi. Thế nhưng nhiều năm qua, công tác giống gia cầm vẫn chưa được quan tâm đúng mức, tỉnh và các địa phương hầu như mới chỉ quan tâm tạo nguồn giống gia súc trâu bò, lợn. Còn với hơn 17 triệu con gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh hiện chưa hề có một cơ sở sản xuất giống nào có công bố tiêu chuẩn giống.
Trung tâm Giống chăn nuôi tỉnh - đơn vị được giao nhiệm vụ nghiên cứu, khảo nghiệm, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về sản xuất và dịch vụ con giống, thức ăn phục vụ sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, nhưng đến nay số lượng con giống được khảo nghiệm ứng dụng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Công tác khảo nghiệm, ứng dụng giống gia cầm chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Một số trang trại nuôi lớn theo hình thức liên doanh, liên kết với công ty CP được cung ứng giống trong chuỗi quy trình khép kín. Còn những trang trại khác nuôi theo hình thức công nghiệp, cũng chủ yếu lấy giống từ những nguồn cung cấp ổn định, có nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên, số này chưa nhiều khi theo thống kê, chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ, gia trại trên địa bàn tỉnh chiếm trên 80%.
Những năm gần đây, nhiều hộ dân đầu tư xây dựng lò ấp, bên cạnh việc ấp trứng lộn là chủ yếu, còn ấp giống gia cầm. Tuy nhiên, các cơ sở này đều tự phát, chưa có quy hoạch và hầu như chưa có sự quản lý của nhà nước về công tác giống. Nguồn trứng có thể do các hộ lân cận đến gửi, hoặc chủ cơ sở nuôi gia cầm lấy trứng và thu gom trứng về ấp bán con giống. Việc quản lý về chất lượng con giống các cơ sở này chưa làm được mà nguyên nhân chưa có chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa các cấp ngành chuyên môn. Là một trong những hộ thuê đất nuôi gia cầm theo hình thức trang trại, anh Phạm Văn Dũng - xóm Liên Hồng - xã Thanh Liên (Thanh Chương) hiện đang nuôi gần 300 con gà, vịt, trong đó có gần 100 con gà đẻ giống gà Ai Cập. Số gia cầm này, anh đều lấy từ lò ấp của hộ tư nhân ở Đô Lương, dựa trên sự tin cậy lẫn nhau chứ không qua kiểm tra, kiểm dịch của cán bộ thú y. Ông Đinh Viết Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Liên cho biết: Toàn xã có gần 55 nghìn con gia cầm, chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, 50 - 70 con/hộ. Bà con chủ yếu tự ấp và nuôi hoặc đưa trứng đến các lò ấp. Những hộ nuôi nhiều, tập trung từ 500 - 700 con thường mua gom trứng ở các chợ đưa đi ấp hoặc mua gà giống từ các lò ấp ở Đô Lương, chính quyền cũng như cán bộ thú y xã chưa quản lý được.
Hiện tại, nguồn giống gia cầm trên địa bàn tỉnh ta đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung từ các tỉnh phía Bắc. Việc kiểm soát, kiểm dịch là rất khó khăn do gia cầm giống không được vận chuyển bằng xe chuyên dụng, mà đóng thùng gửi theo các chuyến xe khách. Lực lượng thú y khó phát hiện, kiểm soát và khi muốn dừng xe để kiểm tra buộc phải phối hợp với CSGT. Nhưng những vụ việc phát hiện cũng rất ít, thường chỉ có thể dừng kiểm tra khi có tin báo của người dân. Trong năm 2014, ngành thú y đã phối hợp xử phạt 185 triệu đồng, trong đó có vi phạm về vận chuyển giống gia cầm lậu, nhưng có thể nói đó chỉ là phần rất nhỏ được xử lý trong số hàng chục triệu con giống được vận chuyển vào địa bàn Nghệ An cung cấp cho các hộ chăn nuôi.
Cần kiểm soát chặt dịch bệnh
Việc không chủ động được nguồn giống gia cầm, không có các cơ sở sản xuất giống đủ tiêu chuẩn, sẽ có nguy cơ dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Theo ông Đặng Văn Minh - Phó Chi cục Thú y tỉnh, việc ấp giống ở các cơ sở sản xuất giống tự phát như hiện nay sẽ dẫn đến nguy cơ nhiễm bệnh rất cao trong quá trình thu gom trứng giống; bệnh dễ bị lây truyền theo hai hình thức là truyền dọc (mẹ bị bệnh - trứng nhiễm bệnh - gia cầm giống nhiễm bệnh) và truyền ngang (lây từ con này sang con khác và phát tán ra ngoài). Vì vậy, trong lúc trên địa bàn tỉnh chưa chủ động được nguồn giống thì yêu cầu quan trọng đặt ra là tăng cường kiểm soát vận chuyển giống gia cầm.
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh, nhiều trường hợp gia cầm được lấy từ các tỉnh phía Bắc về nuôi không qua kiểm dịch, bị phát bệnh chết và lây lan cho những hộ xung quanh. Theo thống kê, nguồn giống có nguồn gốc rõ ràng và giống sản xuất trong tỉnh chỉ mới đáp ứng được chưa đầy 30% nhu cầu, 70% còn lại phụ thuộc vào nguồn giống trôi nổi từ các tỉnh phía Bắc cho thấy một thực tế là chúng ta chưa chủ động được nguồn giống, cả về số lượng và chất lượng, người nuôi phải mua con giống với giá thành cao, thậm chí bị ép giá, khi xảy ra thiệt hại do chất lượng nguồn giống, hầu như chưa được bảo vệ quyền lợi và được đền bù từ bên cung ứng giống.
Bên cạnh việc đóng góp khá lớn vào tỷ trọng của ngành chăn nuôi, tạo thu nhập, sản phẩm cho xã hội, thì chăn nuôi gia cầm còn là kênh rất quan trọng trong cung cấp sản phẩm tự tiêu cho nhu cầu hàng ngày của người dân trên địa bàn tỉnh. Trong định hướng về tái cơ cấu ngành nông nghiệp và kế hoạch tái cơ cấu ngành chăn nuôi, tỉnh có chủ trương chuyển dịch, tăng tỷ trọng chăn nuôi gia cầm. Để thực hiện chủ trương này, bên cạnh việc xây dựng quy hoạch, đề án phát triển thì công tác giống là điều cần được quan tâm nhiều hơn. Theo ông Lưu Công Hòa - Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở NN&PTNT, thì với điều kiện thực tế của Nghệ An, cần phải có các cơ sở giống bố mẹ sản xuất ra giống thương phẩm phục vụ phát triển chăn nuôi. Không nhất thiết phải xây dựng các trại sản xuất giống lớn của nhà nước, mà có thể kêu gọi doanh nghiệp, người dân tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất giống, trong đó nhà nước có các cơ chế, chính sách hỗ trợ cần thiết, phù hợp. Đồng thời, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống vật nuôi nói chung, giống gia cầm nói riêng để đảm bảo có nguồn giống chất lượng, an toàn và đủ đáp ứng nhu cầu phát triển chăn nuôi gia cầm trên địa bàn.
Phú Hương