Quản lý quảng cáo ngoài trời: Còn thả nổi
(Baonghean) - Trong nền kinh tế thị trường, hoạt động quảng cáo nói chung và quảng cáo ngoài trời nói riêng trở thành nhu cầu không thể thiếu. Hiện tại, quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh đang “mạnh ai nấy làm”, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
“Loạn” quảng cáo ngoài trời
Quảng cáo ngoài trời được hiểu là tất cả các loại hình quảng cáo tác động đến người tiêu dùng khi họ bước ra bên ngoài ngôi nhà đang sống. Đây là phương pháp truyền tải thông điệp tới công chúng hiệu quả và rẻ tiền. Ở nước ta, quảng cáo ngoài trời được xem là loại hình quảng cáo phổ biến nhất. Quảng cáo ngoài trời được phân thành 5 loại hình, đó là: Quảng cáo tấm lớn có trụ dựng gần quốc lộ; quảng cáo tuyên truyền cổ động xã hội hóa trong nội thành, nội thị; quảng cáo trên dải phân cách; quảng cáo băng rôn, cờ phướn treo ở cột điện; quảng cáo rao vặt, tờ rơi, loa phóng thanh. Cả 5 loại hình này đều có những tồn tại gây bức xúc cho người dân. Đơn cử, ở tỉnh ta, quảng cáo biển lớn ngoài trời hiện tập trung ở khu vực ngoại thành của thành phố, thị xã, thị trấn. Nhìn chung, các tấm biển quảng cáo này đều đảm bảo sự an toàn. Tuy nhiên, một số biển được lắp đặt quá lâu không đảm bảo an toàn vào những ngày mưa bão trở thành nỗi lo của người tham gia giao thông. Chị Nguyễn Thị Hoa, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc kể: “Năm ngoái, tôi đi trên Quốc lộ 1 vào lúc trời bão một miếng bạt từ biển quảng cáo bị gió đánh rách toạc, bay trùm vào mặt. May là đi chậm, đường ít phương tiện qua lại nên khi ngã chỉ bị xây xát nhẹ…”.
Quảng cáo ngoài trời lộn xộn, gây mất mỹ quan đô thị (ảnh chụp ở điểm giao đường Nguyễn Thị Minh Khai - Lê Hồng Phong, TP. Vinh). |
Tại các con đường ở Thành phố Vinh, biển quảng cáo, pa nô “trăm hoa đua nở”, chẳng theo một quy chuẩn nào. Sự lộn xộn này đang tạo ra một thứ "rác" đô thị. Nhiều bảng quảng cáo trên nóc nhà các hộ gia đình, dải phân cách phần nào che khuất tầm nhìn giao thông. Nhiều bảng quảng cáo đặt trên vỉa hè, treo ở tường rào, cột điện, cây xanh… ảnh hưởng xấu đến hành lang an toàn giao thông. Trên các cột điện, băng rôn ngang, dọc, cờ phướn, cờ đuôi nheo treo lộn xộn, không đồng kích cỡ, vị trí, thậm chí 2-3 băng rôn cùng treo một chỗ; tờ rơi, tờ gấp, số điện thoại khoan cắt bê tông được cắt dán, phun trực tiếp trên tường nhà rất phổ biến; giờ nghỉ ngơi nhưng xe có loa phóng thanh quảng cáo biểu diễn xiếc, ca nhạc ầm ĩ… Ông Trần Đức Liên, phường Hưng Bình, TP. Vinh phản ánh: “Nhiều băng rôn phục vụ nhiệm vụ chính trị, thời điểm diễn ra sự kiện đã qua lâu nhưng vẫn không được hạ xuống, rách nát, nhàu nhĩ, nhìn rất phản cảm. Ví dụ như băng rôn “Liên hoan văn hóa ẩm thực du lịch Bắc Trung bộ” treo ở ngã ba giao nhau giữa đường Nguyễn Đức Cảnh – Nguyễn Thị Minh Khai. Sự kiện diễn ra vào tháng 7 mà đến nay vẫn còn; nhiều biển quảng cáo chằng chịt dây điện rất dễ xảy ra cháy nổ”.
Phải nói rằng, nhiều biển, bảng, băng rôn quảng cáo ngoài trời đang vi phạm nghiêm trọng Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo của Chính phủ, Thông tư số 19/2013/TT- BXD của Bộ Xây dựng về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện quảng cáo ngoài trời, cũng như các quy định của tỉnh. Sự lộn xộn này đang phá vỡ cảnh quan, không gian đô thị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội… Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xuất phát từ những bất cập trong công tác quản lý, xử lý, chấn chỉnh vi phạm và ý thức, nhận thức yếu kém của nhiều đơn vị, hộ kinh doanh; sự kiểm soát của cơ quan chức năng.
Cần quy hoạch cụ thể
Ông Vũ Hồng Đức, Phó phòng Văn hóa Thông tin Thành phố Vinh cho hay: Đối với những quảng cáo tấm lớn ngoài trời, để đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị, thành phố đã chủ động gọi điện nhắc nhở các đơn vị tháo dỡ trước mùa mưa bão. Thành phố và các phường, xã đã thành lập các đoàn kiểm tra, tháo dỡ nhưng hiệu quả còn hạn chế khi nhân lực mỏng, mức phạt bằng tiền còn hạn chế chưa đủ sức răn đe. Việc xử lý vi phạm cũng khó khăn hơn đối với doanh nghiệp ngoài tỉnh thực hiện quảng cáo trên địa bàn tỉnh vì không có địa chỉ cụ thể để liên lạc, thông báo. Trong khi đó, thành phố cũng chưa quy hoạch được điểm treo các loại băng rôn. Thành phố đã phối hợp các cấp, ngành thực hiện thu hồi số điện thoại, ký cam kết với chủ kinh doanh, chỉ đạo các phường, xã xây dựng bảng quảng cáo miễn phí, hạn chế quảng cáo rao vặt công cộng.
Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong năm 2013, đã tiếp nhận 295 hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo và tính đến tháng 8/2014 đã tiếp nhận 128 hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo. Tuy nhiên, ở khâu hậu kiểm thì từ năm 2013 đến nay chỉ mới kiểm tra 20 cơ sở, xử lý 3 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính 3 triệu đồng. Ngoài nguyên nhân do lực lượng làm công tác thanh tra, kiểm tra của Sở VH-TT&DL còn mỏng, hoạt động trên địa bàn rộng, còn do sự phối hợp giữa các sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Giao thông – Vận tải, UBND các huyện, thị xã, thành phố đối với hoạt động quảng cáo còn lỏng lẻo.
Ông Hoàng Minh Phương, Phó phòng Nghiệp vụ, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: Việc triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống tuyên truyền - quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2010 - 2020 còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do quy hoạch này phải dựa trên cơ sở các quy hoạch ở các lĩnh vực khác nhau như: Giao thông, xây dựng, đô thị, các khu kinh tế, khu công nghiệp... Hiện nay các quy hoạch trên chưa ổn định hoặc đang trong quá trình triển khai xây dựng; các huyện, thành, thị trong tỉnh chậm triển khai xây dựng quy hoạch chi tiết cho các hình thức quảng cáo gây nhiều khó khăn trong việc quản lý.
Như vậy, để chấn chỉnh triệt để, đưa các hoạt động quảng cáo ngoài trời vào nề nếp rất cần có một quy hoạch cụ thể về cơ sở hạ tầng cho loại hình quảng cáo này. Đồng thời quá trình đầu tư khai thác cần phải tuân thủ theo phương án quy hoạch. Các sở, ngành, địa phương liên quan cần có sự phối hợp để cấp phép, quản lý có hiệu quả hoạt động quảng cáo ngoài trời, tạo môi trường không gian, kiến trúc cảnh quan cho đô thị. Việc xử lý biển quảng cáo ngoài trời sai quy định cần sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và chính quyền ở các địa phương. Thiết nghĩ, việc giao trách nhiệm quản lý, xử lý vi phạm cụ thể cho từng UBND các phường, xã, thị trấn cũng là một cách làm hữu hiệu...
Thanh Sơn