Quản lý sản xuất, kinh doanh rượu: Thuận và khó?

07/01/2013 17:35

(Baonghean) - Từ 1/1/2013, Nghị định 94/2012/NĐ - CP của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, tất cả các loại rượu “quê” được nấu thủ công và đang bán công khai, phổ biến ở mọi vùng miền sẽ bị xử lý, nếu không làm thủ tục xin giấy phép sản xuất, gắn nhãn mác…

Xã Nghi Ân (TP.Vinh) – một trong những địa phương có nghề nấu rượu từ lâu đời. Được biết, hiện toàn xã có hơn 40 hộ chuyên nghề nấu rượu, chủ yếu bán cho khách hàng quen biết, nhập cho các nhà hàng trên địa bàn xã, TP Vinh và sang cả Hà Tĩnh.



Rượu quê được khách hàng lựa chọn .

Rượu Nghi Ân được nấu bằng gạo nếp, có tiếng ngon, uống êm, mùi thơm đặc trưng. Ông Nguyễn Đình Trúc – Phó Chủ tịch xã Nghi Ân cho biết: Định hướng của xã sẽ xây dựng thương hiệu rượu Nghi Ân. Ngoài các làng nghề chuyên sản xuất cây cảnh, thì nghề nấu rượu ở Nghi Ân đã đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân. Đến thời điểm này, Nghi Ân vẫn chưa nhận được hướng dẫn của cấp trên về việc triển khai thực hiện Nghị định 94 của Thủ tướng Chính phủ. Để nghị định đi vào cuộc sống, thời gian tới, Nghi Ân sẽ có biện pháp thắt chặt quản lý nghề nấu rượu trên địa bàn. Và để khẳng định chất lượng rượu, Nghi Ân cũng sẵn sàng cùng các ban, ngành liên quan tiến hành xây dựng làng nghề chuyên nấu rượu.



Người dân vẫn nấu rượu theo kiểu truyền thống.

Là một trong những hộ lưu giữ được nghề nấu rượu từ nhiều đời, cơ sở rượu quê Bảo Ngọc – Nghi Ân mỗi ngày tiêu thụ trên 20 kg gạo nếp tương đương khoảng 15 lít rượu, mỗi lít có giá 30.000 đồng. Vì có tiếng từ lâu nên chủ cơ sở không phải đem đi nhập mà khách hàng gọi điện đến đặt và lấy tại nhà. Khi chúng tôi hỏi về Nghị định 94, chủ cơ sở vẫn chưa hề biết. “Nghị định 94 chúng tôi chưa được nghe và cũng không để ý. Rượu chúng tôi nấu theo kiểu truyền thống nên luôn đảm bảo chất lượng. Chủ yếu phục vụ những khách quen… Nghị định ra rồi thì chính quyền địa phương phải có trách nhiệm hướng dẫn cho người dân làm thế nào để rượu quê không bị cấm!...”. Hiện là dịp gần Tết Nguyên đán – có thể nói là mùa làm ăn của những người chuyên nghề nấu rượu, nên hầu hết các gia đình ở Nghi Ân vẫn tăng cường nấu thêm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp cao điểm này.

Không chỉ có người quê dùng rượu quê, mà ngay tại các nhà hàng lớn, nhỏ ở TP. Vinh hiện nay vẫn chủ yếu bán rượu quê. Nhiều khách hàng đến các nhà hàng này cũng chỉ chọn loại rượu “nút lá chuối” để uống. Chủ nhà hàng nghé thui Làng Việt – số 183, đường Phong Định Cảng – TP Vinh, cho biết: “Trước đây nhiều thực khách rất “sính” rượu ngoại, nhưng những năm gần đây, do chất lượng rượu ngoại không đảm bảo, nhất là hàng loạt các vụ làm rượu ngoại giả bị bắt giữ, theo đề nghị của rất nhiều thực khách, thời gian gần đây, nhà hàng chúng tôi chủ yếu bán các loại rượu “quê” đặt ở những cơ sở có uy tín… Tuy nhiên nếu Nghị định 94 của Chính phủ nhằm thắt chặt quản lý các loại rượu quê cũng là điều đáng mừng, vì như thế những người nhập hàng như chúng tôi và khách hàng cũng yên tâm hơn khi sử dụng rượu quê có dán nhãn bảo hành chất lượng”. Tìm hiểu các nhà hàng khác trên địa bàn đều có chung ý kiến: Giá những loại rượu quê rẻ hơn các loại rượu có nhãn mác khác, nhưng đều được ưa chuộng. Khi được hỏi về chất lượng an toàn thực phẩm, họ đều khẳng định, rượu tuy không nhãn mác nhưng là mối quen nhập tận nơi, nên đảm bảo chất lượng. Tìm hiểu tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, hàng năm Chi cục đều gửi hướng dẫn báo cáo về các vụ ngộ độc trên địa bàn toàn tỉnh nhưng hầu hết các huyện đều không có số liệu báo cáo về các vụ ngộ độc từ rượu.

Theo tin từ Sở Công Thương: Được sự chỉ đạo của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị định 94 của Thủ tướng Chính phủ, hiện Sở đã gửi công văn cho các phòng Công Thương các huyện trên toàn tỉnh hướng dẫn tiến hành triển khai những nội dung chính của nghị định. Tuy nhiên, để thực hiện đúng nghị định cũng rất khó cho các nhà quản lý và khó cho cả những người kinh doanh rượu nhỏ lẻ.

Thiết nghĩ, Nghị định 94 trên đây là chủ trương đúng đắn, kịp thời của Chính phủ giúp thị trường rượu lành mạnh hơn và ngăn ngừa những hiểm họa khó lường từ rượu không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng tới sức khỏe của nhân dân. Tuy nhiên, đối với những hộ nấu rượu có quy mô nhỏ, hoặc những hộ thuộc vùng miền có truyền thống nấu rượu, các ban, ngành liên quan cần có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương nhằm tạo điều kiện để những hộ dân có thể đăng ký sản xuất rượu hợp quy chuẩn hơn.


Thanh Thủy

Mới nhất
x
Quản lý sản xuất, kinh doanh rượu: Thuận và khó?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO