Quản lý thị trường Nghệ An: 60 năm xây dựng, phát triển

29/06/2017 08:18

(Baonghean) - Cách đây 60 năm, ngày 3/7/1957 Chính phủ ban hành Nghị định số 290/CP thành lập Ban Quản lý thị trường Trung ương và Ban Quản lý thị trường ở các tỉnh, thành phố, khu tự trị hình thành lực lượng Quản lý thị trường và ngày 3/7 hàng năm được lấy làm ngày truyền thống của lực lượng Quản lý thị trường.

60 năm qua, cùng với lực lượng Quản lý thị trường cả nước, trải qua những thăng trầm của lịch sử, Quản lý thị trường Nghệ An không ngừng xây dựng và phát triển.

Cán bộ quản lý thị trường tiêu hủy hàng lậu. Ảnh: V.P
Cán bộ quản lý thị trường tiêu hủy hàng lậu. Ảnh: V.P

Giai đoạn 1957 - 1982, theo Nghị định 290/TTg ngày 3/7/1957 của Chính phủ, Ban Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An được thành lập với nhiệm vụ giúp UBHC tỉnh (nay là UBND tỉnh) chỉ đạo quản lý thị trường trong địa phương theo chủ trương, chính sách của Chính phủ.

Giai đoạn 1982 - 1990, theo Nghị quyết 188/HĐBT ngày 23/11/1982 của Hội đồng Bộ trưởng, Ban Chỉ đạo Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An được thành lập có Đội Quản lý thị trường trực thuộc, nhiệm vụ chủ yếu là chống buông lỏng thị trường tự do, đồng thời thiết lập lại trật tự hoạt động trên thị trường, tập trung truy quét các hoạt động đầu cơ buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép.

Giai đoạn 1990 - 10/1995, theo Nghị định 398/HĐBT ngày 06/12/1991, nhiệm vụ chủ yếu của Ban Chỉ đạo là giúp Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo công tác quản lý thị trường, chống đầu cơ buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả và các hành vi kinh doanh trái pháp luật khác. Sau này theo Nghị định số 35/CP ngày 25/4/1994, Ban Chỉ đạo Quản lý thị trường tỉnh được chuyển về Sở Thương mại.

Sự kiện pháp lý quan trọng đối với lực lượng Quản lý thị trường là ngày 23/01/1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 10/CP về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của Quản lý thị trường. Từ đây Quản lý thị trường được tổ chức thành lực lượng chuyên trách, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, có chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại ở thị trường trong nước.

Năm 2000, Quản lý thị trường được Chính phủ giao thêm chức năng thanh tra chuyên ngành thương mại; năm 2001 được giao thêm nhiệm vụ là cơ quan Thường trực giúp việc Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (gọi tắt là Ban chỉ đạo 127, sau này là Ban chỉ đạo 389).

Cán bộ QLTT tiêu huỷ hàng rượu nhập lậu. Ảnh: P.V
Cán bộ QLTT tiêu huỷ hàng rượu nhập lậu. Ảnh: P.V

Đặc biệt, ngày 8/3/2016 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Quản lý thị trường số 11/2016/UBTVQH13, nâng cao địa vị pháp lý của lực lượng Quản lý thị trường, khẳng định lực lượng Quản lý thị trường là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Sau gần 60 năm xây dựng và phát triển, đến nay lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An không ngừng lớn mạnh. Chi cục đã có 3 phòng chuyên môn (Tổ chức - Hành chính, Nghiệp vụ - Xử lý, Kế hoạch - Tổng hợp), 12 Đội Quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát tất cả 21 huyện, thành phố, thị xã trên toàn tỉnh. Chi cục có đầy đủ tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Chi hội Cựu chiến binh. Lực lượng công chức ngày càng chính quy, tổ chức chặt chẽ.

Toàn Chi cục có 127 công chức và người lao động, trong đó có 5 thạc sỹ và 97 công chức có trình độ đại học, cao đẳng, chiếm hơn 90%. Nhiều đồng chí có trình độ cử nhân, cao cấp lý luận chính trị. Lực lượng công chức Chi cục ngày càng tinh thông về nghiệp vụ, vững vàng về bản lĩnh chính trị, đạo đức công vụ ngày càng được tăng cường. Về cơ sở vật chất, đã có 7 đội có trụ sở làm việc khang trang, có xe ô tô chuyên dùng, có hệ thống máy tính kết nối internet…

Trong suốt 60 năm qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Thương mại, sau này là Bộ Công Thương, của Cục Quản lý thị trường, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự quan tâm giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ của ngành chủ quản (hiện nay là Sở Công Thương), các ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương, các tổ chức và cá nhân, lực lượng Quản lý thị trường Nghệ An đã vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tính từ năm 1992 đến nay, lực lượng Quản lý thị trường Nghệ An đã kiểm tra 245.700 vụ, xử lý vi phạm hành chính 159.720 vụ với tổng giá trị thu phạt trên 216 tỷ đồng, triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu và kinh doanh hàng giả quy mô lớn, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ sản xuất và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, góp phần thực hiện thắng lợi các giải pháp phát triển kinh tế, bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội, được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chính quyền các địa phương và nhân dân tin cậy, đánh giá cao.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm soát thị trường. Ảnh: P.V
Lực lượng quản lý thị trường kiểm soát hàng hóa. Ảnh: P.V

Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 127 tỉnh (nay là Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An đã phối hợp tốt với các lực lượng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, tham mưu xây dựng các quy chế phối hợp và triển khai thực hiện kịp thời các văn bản, kế hoạch chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, cùng với quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, thị trường hàng hoá sẽ hết sức phong phú và đa dạng, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả vi phạm về sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại sẽ diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp hơn.

Thêm vào đó, Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng, dân số đông, có cả biên giới đất liền và biển dài với nhiều cửa khẩu, lối mở, có trục giao thông Bắc - Nam đi qua. Những yếu tố đó sẽ gây không ít khó khăn cho công tác quản lý thị trường. Để hoàn thành nhiệm vụ, Chi cục Quản lý thị trường tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, UBND tỉnh, Sở Công Thương trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Xây dựng và triển khai các kế hoạch, phương án về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thứ hai, tăng cường công tác tổ chức, xây dựng lực lượng theo Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt, xây dựng lực lượng Quản lý thị trường Nghệ An ngày càng chính quy, tổ chức chặt chẽ. Nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, rèn tác phong chính quy, luyện ứng xử văn hóa,... xây dựng đội ngũ công chức, người lao động tâm huyết với nghề, có đạo đức lối sống lành mạnh, tinh thông nghiệp vụ. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị ngày càng đầy đủ, hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Thứ ba, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường theo Quyết định số 6938/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của UBND tỉnh. Phát huy vai trò cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh.

Thứ tư, phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức phổ biến pháp luật về thương mại, kịp thời đưa tin về kết quả đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ, an toàn vệ sinh thực phẩm; tổ chức trưng bày triển lãm hàng thật, hàng giả, cách nhận biết hàng kém chất lượng, hàng giả cho người tiêu dùng...

Thứ năm, tăng cường công tác dự báo, nắm chắc diễn biến thị trường, tình hình cung cầu hàng hóa; tổ chức hoạt động kiểm tra kiểm soát thị trường theo từng chuyên đề ngành hàng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, an toàn vệ sinh thực phẩm góp phần ổn định thị trường, tạo điều kiện để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Trần Đăng Ninh
Phó Giám đốc Sở Công Thương, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Quản lý thị trường Nghệ An: 60 năm xây dựng, phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO