Quan tâm bằng những hành động thiết thực
(Baonghean) - Vào ngày 1/5/1886, hưởng ứng lời kêu gọi của Liên đoàn Lao động Mỹ, khoảng 40 nghìn công nhân ở Thành phố Chi-ca-gô nghỉ việc, không đến nhà máy. Họ tổ chức mit-tinh, biểu tình trên các đường phố với biểu ngữ “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!”. Cuộc biểu tình bị dìm trong biển máu, nhưng đã đem lại thành quả là ngày làm việc 8 tiếng cho tất cả những ai làm việc trong các nhà máy, công xưởng, hầm mỏ trên toàn thế giới. Từ đó, ngày 1/5 trở thành Ngày Quốc tế Lao động. Đến nay, 128 năm đã trôi qua, ở nhiều nơi, khẩu hiệu đó đã trở thành hiện thực, nhưng cũng còn không ít quốc gia, khu vực điều đó vẫn đang là mong ước của không ít người thợ.
Ở nước ta, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là qua gần 30 năm đổi mới, cùng với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giai cấp công nhân Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc cả về chất lẫn lượng. Họ được học hành, được đào tạo bài bản hơn trước nhiều. Với hơn mười triệu người bao gồm số công nhân đang làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; làm việc trong các hộ sản xuất kinh doanh cá thể; những lao động Việt Nam đang làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài... Họ đã có những đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc dân. Góp phần làm ra hơn 60% tổng sản phẩm xã hội và 70% ngân sách nhà nước.
Đổi lại, đời sống vật chất, tinh thần của các gia đình công nhân đã được cải thiện hơn trước rất nhiều. Con cái họ được xã hội quan tâm, chăm sóc chu đáo. Bằng chứng là ở khu chế xuất, khu công nghiệp, những khu nhà lưu trú, với đầy đủ nhà trẻ, trường học dành cho công nhân và con em họ mọc lên ngày càng nhiều. Những ai gặp khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống đều được tổ chức công đoàn kết hợp cộng đồng chung tay giúp đỡ. Cuộc sống của họ được bảo đảm hơn trước kể cả khi không có việc làm nhờ vào sự ra đời của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Người công nhân hôm nay đã được tham gia vào hầu hết các hoạt động xã hội với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của công dân và có nhiều người trong số họ nhờ nỗ lực phấn đấu vươn lên đã trở thành những người có vị thế trong xã hội, một số không nhỏ khác được chọn là những “hạt giống đỏ” là nguồn kế cận và lâu dài cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị các cấp ở các địa phương.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều người day dứt nhất là trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đời sống của một bộ phận trong đội ngũ công nhân ngày càng được cải thiện, nhưng cũng có một bộ phận không nhỏ có cuộc sống chưa tương xứng với những đóng góp của chính mình. Việc làm, đời sống vật chất và tinh thần của công nhân hiện đang có nhiều khó khăn, bức xúc, đặc biệt là ở bộ phận công nhân lao động giản đơn tại các doanh nghiệp của tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Quyền lợi, cuộc sống của họ thiếu sự bảo đảm, thiếu sự quan tâm. Đơn cử như thời gian qua xảy ra hàng loạt vụ đình công vì bị giới chủ đối xử quá bất công.
Đi cùng với đó là hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm trong các khu công nghiệp, khu chế xuất rồi những bữa cơm có dòi xuất hiện ngày một nhiều trong bữa cơm công nhân khiến cho những ai quan tâm không khỏi chạnh lòng cho thân phận của họ. Thu nhập quá bèo bọt khiến không ít người trong số họ phải gồng mình lên tăng ca, tăng giờ làm để có thêm thu nhập. Và nếu chỉ làm việc ngày đúng 8 tiếng như yêu cầu từ hơn một trăm năm trước, họ sẽ không biết phải sống bằng cách nào cho đủ. Ngày làm việc có khi kéo dài mười mấy tiếng căng thẳng. Tối đến phải sống như chui rúc trong các căn nhà trọ tồi tàn, bé nhỏ. Họ thiếp đi trong mệt mỏi để rồi ngày mai lại tiếp tục như vậy.
Không chỉ bị vắt kiệt sức, họ còn phải đối mặt với nguy cơ tai nạn lao động khi cả nước xảy ra hàng nghìn vụ tai nạn lao động mỗi năm và họ có thể mất việc làm, mất thu nhập bất cứ lúc nào. Con cái họ phải giao phó cho những nhà trẻ tư nhân, tự phát vì không đủ điều kiện, nhất là về tài chính để vào học các trường công lập có điều kiện tốt hơn để rồi phải gánh chịu những hậu quả đau lòng. Trong các vụ hành hạ, ngược đãi trẻ em ở các nhà trẻ tư nhân, nạn nhân hầu hết là con công nhân. Còn nhiều những khổ cực, bất công, những sự việc đau lòng khác nữa mà công nhân đang phải gánh chịu hằng ngày, hằng giờ khó mà liệt kê ra hết ở đây.
Nói thế để thấy, mục tiêu “8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi” đề ra từ 128 năm trước vẫn đang là mục tiêu phấn đấu của giai cấp công nhân hôm nay. Và để xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bên cạnh việc thực hiện đúng và đầy đủ các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với đội ngũ công nhân thì rất cần có những chương trình hành động, việc làm cụ thể như bảo đảm bữa cơm công nhân hợp vệ sinh và đủ dinh dưỡng; bảo đảm cho con cái của họ có nơi ăn, chốn học đàng hoàng để họ yên tâm lao động, sản xuất; giúp cho họ có nơi trú thân ổn định và sạch sẽ để tái tạo sức lao động sau ngày mệt mỏi vì ca kíp; xây dựng các quỹ công nhân để họ có chỗ dựa lúc ốm đau, hoạn nạn...
Duy Hương