Quan tâm bảo vệ quyền lợi người lao động

03/04/2014 09:13

(Baonghean) - Một chế độ tiền lương phù hợp hơn và bảo vệ được quyền lợi cho người lao động, đồng thời gắn với nó là yêu cầu về tay nghề của người lao động,  về đào tạo; doanh nghiệp có chính sách  đãi ngộ; nhà nước đầu tư, quan tâm hướng dẫn kịp thời… là những giải pháp phải được thực hiện đồng bộ.

(Baonghean) - Một chế độ tiền lương phù hợp hơn và bảo vệ được quyền lợi cho người lao động, đồng thời gắn với nó là yêu cầu về tay nghề của người lao động, về đào tạo; doanh nghiệp có chính sách đãi ngộ; nhà nước đầu tư, quan tâm hướng dẫn kịp thời… là những giải pháp phải được thực hiện đồng bộ.

Sẻ chia trách nhiệm

Năm 2013, các doanh nghiệp tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế, sản xuất, kinh doanh rơi vào tình trạng khó khăn và đình trệ, ảnh hưởng lớn đến mọi hoạt động của doanh nghiệp. Gần 1.000 doanh nghiệp phá sản, đóng cửa, nhiều doanh nghiệp đang cố gắng bám trụ. Trong 12.000 doanh nghiệp trên địa bàn hiện chưa đầy 7.000 doanh nghiệp hoạt động. Bởi vậy, người lao động đã và đang chia sẻ gánh nặng khó khăn với doanh nghiệp. Họ chấp nhận lương thấp, lương trả không đúng hạn hoặc doanh nghiệp nợ lương. Và ngược lại, không ít doanh nghiệp sẻ chia, quan tâm đời sống công nhân lao động.

Tặng quà sinh nhật cho công nhân tại Công ty TNHH Haivina Kim Liên.
Tặng quà sinh nhật cho công nhân tại Công ty TNHH Haivina Kim Liên.

TIN LIÊN QUAN

Trong các doanh nghiệp đầu tư Hàn Quốc tại Nghệ An, Công ty TNHH Haivina Kim Liên là doanh nghiệp có môi trường lao động tốt. Năm đầu công ty cũng đã xẩy ra đình công, nhưng sau đó giữa công nhân và doanh nghiệp đã giải quyết được những mâu thuẫn nảy sinh và hiện nay đang có ưu thế so với các công ty cùng ngành hàng. Một số biện pháp đã được công ty đưa ra để tạo điều kiện cho công nhân có một môi trường làm việc tốt nhất, công ty đảm bảo suất ăn trưa 19.500 đồng/người, phát cho toàn bộ công nhân quần áo mưa, mũ bảo hiểm, quần áo mùa đông, mùa hè, dép đi trong nhà máy, chăn đắp nghỉ trưa. Tại các phân xưởng, công ty đều đặt các tủ thuốc y tế để chăm lo sức khoẻ cho người lao động. Công ty còn tổ chức các hoạt động như tập thể dục, nghe nhạc, thi người đẹp, giọng hát hay. Năm 2013, công ty đã trích 400 triệu đồng để xây 5 căn nhà tình thương, mỗi căn trị giá 80 triệu đồng cho 5 công nhân thuộc diện khó khăn. Chị Nguyễn Thị Nga, công nhân bộ phận may quần áo đang có con nhỏ 9 tháng tuổi cho biết: Do em có con nhỏ nên công ty đã ưu tiên cho em chỉ phải làm việc 7 tiếng và được về trước. Ngoài ra, các chế độ khác công ty đều thực hiện rất tốt.

Hay tại Công ty TNHH MTV Cảng Nghệ Tĩnh trong nhiều năm qua luôn được Liên đoàn Lao động các cấp đánh giá về việc chăm lo sức khỏe cũng như giá trị tinh thần cho người lao động. Ngoài chế độ lương trung bình 6 triệu đồng/tháng thì công ty còn cấp đầy đủ bảo hộ lao động và phòng, chống độc hại, trạng bị phương tiện cá nhân... Anh Võ Văn Sáu, công nhân công ty cho biết: Mỗi năm, công ty phát hai bộ quần áo bảo hộ lao động, mũ nhựa, giày vải. Công ty còn có chế độ đi nghỉ mát mỗi năm 1 lần và đầu tư trang thiết bị, máy móc để giảm sức lao động cho công nhân, chế độ lương tháng 13 đảm bảo. Công ty Mía đường Sông Con (Tân Kỳ) hiện có trên 300 lao động. Người lao động được lãnh đạo quan tâm vật chất và tinh thần đầy đủ trong ngày sinh nhật, và các dịp lễ, tết. Công nhân còn được phát huy hết khả năng vào các phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật làm lợi cho nhà máy (đã có 2 kỹ sư của nhà máy đạt giải Nhất Khoa học - Công nghệ của tỉnh). Đáng mừng và các giải pháp sáng kiến của người lao động đều được Ban Giám đốc quan tâm đầu tư áp dụng vào thực tiễn.

Môi trường làm việc được cải thiện, lãnh đạo quan tâm, động viên cấp dưới, có chế độ thưởng phạt rõ ràng, động viên người lao động phát huy sáng kiến… đã tạo nên hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh và sự chia sẻ giữa hai bên khi có những khó khăn xẩy ra. Điều đó trái ngược với những doanh nghiệp có chế độ đãi ngộ thấp kém đối với người lao động.

Quan tâm quyền lợi người lao động

Một chế độ tiền lương phù hợp và bảo vệ được quyền lợi cho người lao động, đồng thời yêu cầu về tay nghề của người lao động, về đào tạo, sự sàng lọc trong tuyển dụng, trong đãi ngộ cần phải có và được thể hiện trong luật. Vì sao người lao động bị trả lương thấp? Nhiều người cho rằng mức lương tối thiểu của Chính phủ quy định quá thấp. Tiền lương tối thiểu hiện nay đang được xây dựng dựa trên các yếu tố: nhu cầu tối thiểu của người lao động, điều kiện kinh tế, xã hội và mức tiền công trên thị trường, tuy nhiên mức tiền lương này chưa tính tới yếu tố giá cả thị trường. Để đảm bảo duy trì cuộc sống cho 1 người lao động ở nhà máy, xí nghiệp thì 1 ngày cần 3 bữa ăn (20 ngàn đồng/bữa là mức thấp nhất x 3 bữa/ngày = 60.000 đồng tiền ăn/ngày), một tháng tiền ăn hết 1.800.000 đồng. Bên cạnh đó còn bao nhiêu chi phí khác cho người lao động như nhà ở, điện, nước… Như vậy, mức lương tối thiểu 1.900.000 đồng/ người hiện nay là quá thấp, mới đảm bảo nhu cầu ăn cho chính lao động, chưa thể nuôi con và tích lũy.

Nghệ An là tỉnh đông dân với trên 3 triệu người, trong đó có gần 1,8 triệu lao động. Bình quân hàng năm số lao động đến tuổi bổ sung vào lực lượng lao động của tỉnh xấp xỉ 3 vạn người. Xét về cơ cấu, lực lượng lao động phần lớn là trẻ và sung sức, độ tuổi từ 15 - 24 chiếm 22,45%, từ 25 - 34 chiếm 14,16%; từ 35 - 44 chiếm 13% và từ 45 - 54 chiếm 8,71%. Đây là một thuận lợi để Nghệ An phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng để đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có thu nhập đạt mức trung bình khá so với cả nước thì phải có chính sách tốt cho nguồn nhân lực gắn với đào tạo. Cần tăng cường đào tạo nghề có kỹ thuật cao và giảm bớt lao động phổ thông. Lao động có đào tạo chính quy, chuyên nghiệp chắc chắn sẽ tìm được việc làm có môi trường, chế độ cao hơn so với lao động phổ thông.

Cần khuyến khích các nghề đang là xu hướng phát triển như chế biến thực phẩm, nông sản, thủy sản, công nghệ vi sinh, điện tử, các ngành công nghiệp công nghệ sạch phù hợp với tiềm năng và điều kiện địa phương, để sau khi đào tạo nghề nếu không tìm được việc từ các nhà máy, công ty các em cũng có thể lập nghiệp hướng đi riêng cho mình tại các thành phố lớn khác hoặc tại quê nhà như mở xưởng, mở ốt, mở cơ sở chế biến nông sản, thủy sản… Trong đào tạo nghề, nhất là ở các trường đại học, tránh đào tạo theo “trào lưu”, mà cần đào tạo theo nhu cầu sử dụng. Người lao động khi đào tạo nghề cần gắn với đào tạo ngoại ngữ để có thể khi làm việc với các ông chủ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hai bên gần gũi nhau hơn, hiểu biết nhau hơn, tôn trọng nhau hơn. Hiện nay chúng tôi thấy tại một số hội nghị, các nhà đầu tư Hàn Quốc sang Nghệ An làm việc đã nói tiếng Việt khá thạo, trong khi đó thì người Nghệ nói được tiếng Hàn Quốc rất ít.

Ngoài ra, cần tăng cường các hoạt động hướng dẫn, bảo vệ người lao động, nâng cao ý thức kỷ luật lao động cho người lao động, thành lập các tổ chức Công đoàn và xây dựng thỏa ước tập thể tại doanh nghiệp. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Phó phòng Lao động Thương binh và Xã hội Quỳ Hợp cho biết: “Giải pháp đặt ra hiện nay doanh nghiệp cần chú ý hơn đến việc áp dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật mới, đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh với thị trường nâng cao thu nhập cho người lao động và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Giảm thiểu tình trạng công nhân phải lao động thủ công, nặng nhọc, làm việc với các máy móc, thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, trong môi trường không đảm bảo an toàn. Các cấp công đoàn cần đẩy mạnh các hoạt động chăm lo đời sống, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công nhân”.

Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam là đơn vị có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong các khu công nghiệp và khu kinh tế. Công đoàn thời gian qua đã tham gia công tác kiểm tra, giám sát bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động. Chị Trần Thị Nguyệt - Phó Chủ tịch công đoàn Khu kinh tế Đông Nam nêu ý kiến: “Để đảm bảo tốt hơn điều kiện làm việc và nâng cao nhận thức về pháp luật của công nhân và chủ sử dụng lao động tại các khu công nghiệp cần sự nỗ lực từ nhiều cấp, nhiều ngành.

Quan tâm đầu tư xây dựng nhà ở, nhà văn hóa tập trung, nhà trẻ cho công nhân tại các khu công nghiệp hoặc tạo điều kiện chính sách để doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở, nhà văn hóa tập trung, nhà trẻ cho công nhân. Chỉ đạo phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Phân bổ thêm ngân sách tuyên truyền phổ biến pháp luật trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế phối hợp và trách nhiệm các cơ quan chức năng trong việc thực hiện pháp luật lao động. Các cơ sở đào tạo tập trung đào tạo tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật cho người lao động. Công đoàn các cấp và Liên đoàn Lao động tỉnh, Bảo hiểm xã hội… phải thể hiện được trách nhiệm, sâu sát hơn, từ đó có những hoạt động thiết thực hơn với người lao động.

Một giải pháp nữa là tăng cường đối thoại nơi làm việc giữa chủ sử dụng lao động và người lao động. Người chủ sử dụng phải chủ động gặp gỡ, đối thoại với người lao động định kỳ ít nhất 1 tháng một lần, có thể có hộp thư góp ý hoặc tổ chức họp cơ quan, họp đầu tháng… Đây là một giải pháp giúp người sử dụng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, kịp thời giải tỏa những bức xúc của họ và không để xẩy ra đình công, bãi công.

Về phía Nhà nước, cần tập trung nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, duy trì nhịp độ tăng trưởng để tạo tiền đề vững chắc cho nhiệm vụ ổn định việc làm và tăng thu nhập cho người lao động; Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu việc làm – dạy nghề, đề án đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện có hiệu quả công tác dạy nghề để phục vụ công tác quy hoạch chuyển đổi ngành nghề trong địa bàn nông thôn. Có nguồn ngân sách để đầu tư xây dựng nhà trọ, nhà ở cho công nhân, cho công nhân thuê tại các khu công nghiệp, khu kinh tế đáp ứng được các dịch vụ cho người lao động như chợ, y tế…

Trong thu hút đầu tư cũng cần sàng lọc, không nên thu hút đầu tư tràn lan bởi hiện nay theo điều tra của chúng tôi, đối với hầu hết các doanh nghiệp có vốn nước ngoài đang làm ăn tại Việt Nam ngoại trừ Công ty Haivina Kim Kiên nộp thuế được hơn 15 tỷ đồng thì các doanh nghiệp còn lại không thu được đồng thuế nào, hoặc số thu không đang kể. Nhiều doanh nghiệp đang phải hoàn thuế tiền tỷ cho họ. Các doanh nghiệp có vốn nước ngoài luôn “chuyển giá”, thực hiện xuất khẩu hàng hóa và kê khai thuế đầu vào lớn hơn đầu ra, báo lỗ và chúng ta không thu được thuế. Đây cũng là thực trạng chung ở Việt Nam mà không điều tra được vì công ty mẹ ở nước ngoài.

Bài, ảnh: Nhóm P.V

Mới nhất
x
Quan tâm bảo vệ quyền lợi người lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO