Quan tâm bảo vệ quyền lợi người lao động

28/07/2014 10:51

(Baonghean) - Công đoàn cơ sở có vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động của các doanh nghiệp. Ở đâu phát huy vai trò công đoàn tốt, ở đó quyền lợi người lao động được đảm bảo và đương nhiên năng suất, sản phẩm mà người lao động làm ra cho doanh nghiệp cũng tăng lên. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động của tổ chức này còn gặp rất nhiều khó khăn. Vậy đâu là giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp?

(Baonghean) - Công đoàn cơ sở có vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động của các doanh nghiệp. Ở đâu phát huy vai trò công đoàn tốt, ở đó quyền lợi người lao động được đảm bảo và đương nhiên năng suất, sản phẩm mà người lao động làm ra cho doanh nghiệp cũng tăng lên. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động của tổ chức này còn gặp rất nhiều khó khăn. Vậy đâu là giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp?

Bảo vệ quyền lợi người lao động

Một buổi trưa cuối tháng 7, chúng tôi tìm về nhà chị Nguyễn Thị Hải (xóm 12, xã Nghi Thuận, Nghi Lộc) một trong những gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn của Công ty TNHH Matrix Việt Nam (có trụ sở tại Khu công nghiệp Bắc Vinh). Trong ngôi nhà cấp 4 đơn sơ, chị Hải trải lòng: Sinh năm 1985, sau khi tốt nghiệp cấp 3, chị vào miền Nam làm thuê, nhưng cũng chẳng ăn thua nên được 2 năm chị về quê xin được việc làm, cuối năm 2009, chị nạp hồ sơ xin vào làm công nhân tại Công ty Matrix – một công ty có vốn đầu tư nước ngoài với mức lương khởi điểm 2,1 triệu đồng/tháng. Và chị đã gắn bó với công ty từ năm 2009 đến nay, mặc dù có tháng cao nhất cũng chỉ đạt 2,6 triệu đồng. Với đồng lương công nhân eo hẹp, 2 con còn nhỏ (cháu đầu năm nay 4 tuổi, cháu thứ hai hơn 2 tuổi), công việc của chồng thu nhập cũng không ổn định, cộng với con trai thứ hai bị tim bẩm sinh, đời sống của chị Hải cực kỳ khó khăn.

Trước hoàn cảnh khó khăn của chị Hải, Công đoàn Công ty TNHH Matrix đã quyết định vận động toàn thể anh em công nhân đóng góp hỗ trợ để chị Hải có kinh phí mổ tim cho con trai. Chỉ trong một thời gian ngắn, Công đoàn đã kêu gọi ủng hộ chị Hải 21 triệu đồng (trong đó công nhân công ty hơn 12 triệu đồng, số tiền còn lại Công đoàn kêu gọi từ các tổ chức khác). Số tiền tuy chưa lớn nhưng đã phần nào hỗ trợ gia đình rất nhiều trong điều kiện gia đình đang hết sức khó khăn. Chị Hải cho rằng: Trước đây, vai trò của tổ chức Công đoàn trong công ty còn hết sức mờ nhạt, vì thế mới xảy ra một số vụ đình công, thế nhưng vài năm trở lại nay, công ty cũng đã quan tâm hơn, tạo điều kiện hơn cho tổ chức Công đoàn hoạt động. Và tổ chức Công đoàn cũng đã phát huy được vai trò của mình trong bảo vệ quyền lợi cho người lao động như đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, khám sức khỏe định kỳ… Đặc biệt, trước hoàn cảnh khó khăn của chị Hải, Công đoàn cũng đã hỗ trợ kịp thời. Điều đó làm cho chị Hải thấy mình cần gắn bó hơn với công ty. Vì thế, mặc dù thu nhập còn thấp nhưng ở quê cũng không biết làm gì hơn nên đầu tháng 8 này, chị Hải tiếp tục trở lại công ty làm việc.

Trao đổi với bà Lê Nguyễn Diệu Linh – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Matrix, được biết: Hiện công ty có 2.300 lao động, trong đó, tổng số đoàn viên tham gia tổ chức Công đoàn là 1.540 người. Trước đây, tổ chức Công đoàn của công ty chưa thực sự quan tâm tới quyền lợi người lao động, nhưng bắt đầu từ cuối năm 2011 đến nay, BCH Công đoàn cũng đã từng bước bảo vệ, tổ chức được nhiều hoạt động cho công nhân. Do đặc thù công việc nên Công đoàn đã quy định vào ngày 25 hàng tháng, Công đoàn sẽ tổ chức thăm hỏi, động viên những công nhân ốm đau (50 nghìn đồng/người), bố mẹ mất (150 nghìn đồng/trường hợp), sinh đẻ, kết hôn (100 nghìn đồng/trường hợp), tặng quà sinh nhật cho công nhân trong tháng… Danh sách này do các xưởng thống kê gửi lên cho BCH Công đoàn theo từng tháng. Ngoài ra, nhân các ngày lễ như 2/9, Tết Dương lịch, Âm lịch…, Công đoàn đều có quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Để động viên các cháu con em công nhân học giỏi, hàng năm vào đầu năm học mới, Công đoàn tổ chức trao quà cho các cháu, tuy không nhiều nhưng đã phần nào khuyến khích rất nhiều tinh thần học tập của các cháu cũng như thái độ làm việc của công nhân trong công ty. Từ đầu năm 2014 đến nay, ngoài hỗ trợ mổ tim cho con công nhân Nguyễn Thị Hải, Công đoàn công ty cũng đã tiến hành làm thủ tục để cháu có thể hưởng trợ cấp từ quỹ “Trái tim cho em” và đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt với số tiền 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của Công đoàn cấp trên, công nhân Nguyễn Thị Hà ở Hưng Nguyên cũng được hỗ trợ 40 triệu đồng từ quỹ “Mái ấm công đoàn” để có điều kiện xây mới ngôi nhà xuống cấp của mình.

Đại diện Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam, Công đoàn Công ty TNHH Matrix trao quà hỗ trợ mổ tim cho gia đình chị Nguyễn Thị Hải – công nhân Công ty Matrix.
Đại diện Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam, Công đoàn Công ty TNHH Matrix trao quà hỗ trợ mổ tim cho gia đình chị Nguyễn Thị Hải – công nhân Công ty Matrix.

Hay như Công ty TNHH BSE tại Khu Công nghiệp Nam Cấm – là một trong những công ty có số lượng lao động khá lớn (4.200 công nhân, trong đó, tổng số đoàn viên công đoàn là 3.385 người). Mặc dù mới thành lập được 6 tháng, còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn, nhưng Công đoàn công ty cũng đã tổ chức được một số hoạt động dành cho người lao động. Bà Trần Thị Quỳnh Yến – Chủ tịch Công đoàn cho biết: “Là công ty điện tử Hàn Quốc, thu nhập bình quân của công nhân khoảng 3,8 triệu đồng/tháng, có tháng tăng ca cũng dao động từ 4 – 5 triệu đồng. Nhận thấy ngoài thời gian làm việc căng thẳng, công nhân ít có thời gian giao lưu văn nghệ - thể thao, nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, BCH Công đoàn công ty đã phối hợp tổ chức cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc “BSE Idol mùa thứ nhất”. Đây là lần thứ hai chúng tôi tổ chức giao lưu văn nghệ dành cho công nhân. Dự kiến cuối tháng 10 này, chúng tôi sẽ tổ chức cuộc thi người đẹp Miss BSE. Và cũng trong quý 4, Công đoàn công ty sẽ triển khai tập huấn an toàn vệ sinh lao động phòng chống cháy nổ cho toàn thể công nhân”.

Hay như Công ty TNHH Omya Việt Nam (100% vốn nước ngoài), để đảm bảo sức khỏe cho công nhân, Công đoàn công ty đã thương lượng với chủ lao động mua bảo hiểm sức khỏe cho công nhân 4 triệu đồng/người/năm, mua các trang thiết bị về bảo hộ lao động, khám sức khỏe định kỳ cho công nhân…

Và những giải pháp

Có thể nói, tuy đã có một số thay đổi trong hoạt động công đoàn cơ sở của các công ty, thế nhưng nhìn chung nhiều công đoàn cơ sở hoạt động chưa hiệu quả, vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động của công đoàn còn mờ nhạt. Hầu hết các cán bộ công đoàn cơ sở làm kiêm nhiệm, ít có thời gian dành cho hoạt động công đoàn, hiểu biết về pháp luật chưa nhiều, chưa nắm chắc nghiệp vụ công đoàn, thiếu kỹ năng hoạt động công đoàn và bị phụ thuộc việc làm, tiền lương vào người sử dụng lao động nên nhiều cán bộ công đoàn không dám làm khác ý người sử dụng lao động. Mặt khác, nhiều chủ sử dụng lao động rất lo ngại việc thành lập công đoàn cơ sở, không quan tâm tạo điều kiện cho công đoàn cơ sở hoạt động. Trong khi đó, chế tài Nhà nước chưa đủ mạnh để xử các doanh nghiệp vi phạm Luật Lao động, chưa có chế tài xử lý vi phạm Luật Công đoàn và việc xử lý các vi phạm chưa nghiêm.

Từ năm 2009 đến năm 2013, qua 285 đợt kiểm tra tại 2.241 đơn vị về việc thực hiện chế độ chính sách cho người lao động, cho thấy: tình hình ký kết hợp đồng lao động, xây dựng thoả ước lao động tập thể, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động ở khối doanh nghiệp ngoài nhà nước vẫn nhiều bất cập... Các vụ tranh chấp lao động ngày càng tăng lên, thời gian gần đây còn xảy ra hàng trăm cuộc tranh chấp lao động cá nhân, liên tiếp xẩy ra hàng chục cuộc đình công trái quy định pháp luật...

Cụ thể, từ năm 2009 - 2014, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 17 cuộc đình công. Những cuộc đình công này chủ yếu là CNLĐ tự phát đình công để đòi hỏi quyền lợi của mình, như: nâng lương, nâng chất lượng bữa ăn giữa ca, giảm làm thêm giờ, thành lập công đoàn, nâng các loại phụ cấp,... Số lượng các cuộc đình công có xu hướng tăng nhanh, tăng lên từ 4 đến 5 cuộc mỗi năm. Số lượng người tham gia đình công đông (tại Công ty TNHH Matrix năm 2008, năm 2012 với gần 3.000 người tham gia; tại Công ty TNHH Prex Vinh với 2.600 người tham gia, Công ty TNHH BSE với 1.000 người tham gia...). Thời gian đình công kéo dài, có nhiều cuộc kéo dài hàng tuần (Matrix 2012). Đình công xẩy ra liên tục ở các công ty FDI, ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư... Hầu hết các cuộc đình công nói trên đều diễn ra không đúng quy trình, không do công đoàn cơ sở lãnh đạo...

Trao đổi với bà Trần Thị Nguyệt – Phó Chủ tịch Công đoàn khu kinh tế Đông Nam: Hiện nay, Công đoàn khu kinh tế Đông Nam có 21 đơn vị công đoàn cơ sở trực thuộc với 6.895 đoàn viên, trong đó có 7 doanh nghiệp FDI. Khu kinh tế Đông Nam cũng là một trong những nơi thời gian qua có nhiều vụ đình công nhất. Điều quan trọng là sau những vụ đình công, các công ty đã dần thấy được cần phải củng cố lại tổ chức công đoàn. Ví như Công ty TNHH BSE sau đó đã tổ chức đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo công ty với công nhân để tìm tiếng nói chung. Công ty TNHH Matrix tạo điều kiện để BCH Công đoàn tổ chức các hoạt động như: tư vấn pháp luật cho công nhân, cấp phát tuyên truyền về sức khỏe sinh sản cho lao động nữ...

Để nâng cao hiệu quả hoạt động cho các công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp, trước hết công đoàn cấp trên cơ sở phải có biện pháp khắc phục “căn bệnh hành chính hóa” trong hoạt động công đoàn. Việc đổi mới hình thức, phương pháp hoạt động cần phải có bước hành động cải cách mang tính đột phá. Về phía công đoàn cơ sở: cần lựa chọn, ưu tiên một số hoạt động chủ yếu như tham gia hiệu quả việc thương lượng, xây dựng thỏa ước lao động tập thể, tổ chức đối thoại xã hội nơi làm việc. Để làm tốt điều này, công đoàn cơ sở cần tăng cường hiểu biết chính sách pháp luật, nắm bắt thông tin từ người lao động, nhất là các vấn đề liên quan đến điều kiện làm việc, thu nhập. Việc tập hợp ý kiến người lao động dựa trên nguyên tắc phản ánh nguyện vọng số đông, đồng thời phải phù hợp với khả năng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công đoàn cơ sở cần phối hợp người sử dụng lao động tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua lao động, góp phần tăng năng suất lao động và làm tốt việc tuyên truyền, giáo dục các quy định pháp luật, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp cho người lao động. Để giải quyết có hiệu quả những hạn chế của công đoàn doanh nghiệp, cần thiết phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao hơn của các cấp ủy đảng và có cơ chế phối hợp, giám sát, xử lý đồng bộ của cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, công đoàn các cấp nhằm thực thi có hiệu quả Luật Lao động và Luật Công đoàn.

Thanh Thủy

Quan tâm bảo vệ quyền lợi người lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO