Quan trọng là ý thức và hành vi

05/06/2015 10:05

(Baonghean) - Nhân Ngày Môi trường Thế giới năm 2015, Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện (về những vấn đề liên quan) với ông Võ Văn Hồng - nguyên cán bộ Sở TN&MT, hiện là chuyên gia tư vấn môi trường của nhiều dự án nông nghiệp, công nghiệp.

- Hiện nay, môi trường là vấn đề “nóng” của toàn cầu với hàng loạt mối lo ngại như lỗ thủng tầng ôzôn, biến đổi khí hậu, sự suy giảm tài nguyên rừng, nước ngọt, ô nhiễm đất và hiện tượng sa mạc hóa, suy giảm đa dạng sinh hoạt, sự cạn kiệt khoáng sản; rác thải gia tăng... Trong hàng loạt vấn đề đó, theo ông vấn đề quan ngại nhất là gì?

- Đáng ngại nhất là sự biến đổi khí hậu (BĐKH). Bởi BĐKH tác động đến khí hậu, thủy văn rất rõ. Chưa có năm nào như mùa hè năm 2015 này, trên địa bàn Nghệ An, đợt nắng nóng đã kéo dài cả tháng trời với nhiệt độ ở một số điểm như Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu, Quỳ Hợp đạt ngưỡng 430C. Còn nhìn rộng ra ở trên thế giới với đỉnh điểm nắng nóng tại Ấn Độ lên tới trên 460C, khiến hàng nghìn người bị thiệt mạng do nắng nóng. Như vậy, sự biến đổi các điều kiện khí hậu không chỉ diễn ra ở một khu vực mà tác động trên toàn các lãnh thổ, quốc gia, dân tộc trên thế giới; BĐKH không chỉ làm thay đổi khí hậu từ khô hạn sang ẩm ướt, mà còn làm cho điều kiện khí hậu nơi đó trở nên khắc nghiệt hơn, khô hạn hơn, ảnh hưởng đến mùa màng sản xuất của người dân, làm thay đổi nhịp sinh học của các loài động vật, đẩy một số loài có nguy cơ tuyệt chủng. Rồi đây, sau nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, nhiều vùng, khu vực trên thế giới và kể cả trong nước, trong tỉnh sẽ đối diện với nhiều vấn đề thiên tai như mưa lụt, bão tố, sóng thần, động đất,...

- Vâng! Ông có thể nói thêm một chút về tác động BĐKH ở tỉnh ta?

- Qua nghiên cứu của các tổ chức về tình hình khí hậu thủy văn trên địa bàn Nghệ An trong 3 thập kỷ gần đây, cho thấy, nhiệt độ đang tăng gần ½ độ C, từ 0,7, 0,15 độ C. Theo kịch bản, nếu nhiệt độ tăng lên 1oC thì mực nước biển sẽ tăng lên 1 mét. Qua theo dõi lịch sử thủy văn 50 năm qua ở Hòn Ngư, mực nước biển đã dâng lên 20 cm. Với đặc điểm bờ biển của Nghệ An thoải, cách mặt biển chỉ có khoảng 20 cm thì chắc chắn khi nước biển dâng 1 m sẽ có nhiều vùng dân cư ở các địa phương Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai sẽ ngập sâu, làm mất nơi ở và thu hẹp diện tích sản xuất phục vụ đời sống của người dân nói riêng; ảnh hưởng đến các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung.

- Như vậy, trước vấn đề BĐKH và nguy cơ con người đang phải đối diện với nhiều thách thức, khó khăn đặt ra ảnh hưởng đến sự sống, thì cần phải nhìn rõ các nguyên nhân để có những hành động phù hợp. Ông có thể cho biết, nguyên nhân từ đâu gây ra sự BĐKH?

- Nguyên nhân chính của BĐKH xuất phát từ các hoạt động của con người. Nhìn ở góc độ sản xuất công nghiệp, với công nghệ lạc hậu, cũ kỹ, nguồn tài chính hạn chế, cộng với ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường hạn chế, nên nhiều doanh nghiệp sản xuất đang gây ô nhiễm môi trường. Đối với ngành nông nghiệp, nhất là chăn nuôi - một trong 3 ngành có lượng phát thải nhà kính lớn, bình quân mỗi con lợn phát thải 7 - 8 kg chất thải/ngày; trâu bò là 10 - 12 kg... là lượng chất thải tạo ra khí mê tan và các khí độc khác, gây hiệu ứng nhà kính, BĐKH. Một số diện tích rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển bị thu hẹp nhằm phục vụ một số chương trình, dự án kinh tế cũng đang làm tăng nguy cơ ảnh hưởng lớn từ sự BĐKH với mực nước biển dâng, bão tố, sóng thần... Ý thức xả thải, kể cả chất thải sinh hoạt, chất thải y tế; hoạt động đốt các phế thải sau thu hoạch nông nghiệp, đốt nương làm rẫy..., cũng tạo ra một lượng khí C02 và các khí độc khác trong không khí.

- Để hòa chung với sự quan tâm của cả thế giới, thể hiện trách nhiệm của mình trước vấn đề toàn cầu, mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và mỗi người dân Nghệ An cần phải làm gì, thưa ông?

- Rất nhiều việc phải làm. Nhưng tôi ngắn gọn thế này: Mỗi tổ chức, cá nhân cần nâng cao nhận thức đúng đắn thực tế BĐKH và thay đổi thời tiết cực đoan như hiện nay để có sự thích ứng phù hợp và thực hiện nhiều hành động giảm phát thải khí nhà kính như ý thức xả thải, ý thức tiêu dùng tiết kiệm nhằm hạn chế việc tiêu thụ sản phẩm bởi trong quá trình sản xuất dù là sản phẩm nông nghiệp hay công nghiệp đều gây ra ô nhiễm, vừa hạn chế phát thải rác thải tiêu dùng...

- Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Minh Chi

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Quan trọng là ý thức và hành vi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO