Quan trọng là yếu tố con người

27/08/2014 10:57

(Baonghean) - Di sản văn hóa phi vật thể được hiểu là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, được lưu truyền bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn, lối sống, nếp sống, lễ hội, bí quyết về nghề thủ công truyền thống, tri thức về y, dược học cổ truyền, về văn hóa ẩm thực, về trang phục truyền thống dân tộc và những tri thức dân gian khác. Và trong khi việc bảo tồn văn hóa vật thể đang được đầu tư rầm rộ với con số lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng cho mỗi hạng mục thì việc bảo tồn văn hóa phi vật thể lại hết sức èo uột, gặp khó khăn đủ bề. Đó là một nghịch lý.

Nhưng nói đi rồi phải bàn trở lại, việc bảo tồn văn hóa phi vật thể thời gian qua chưa có sự tương xứng với bảo tồn văn hóa vật thể là do những khó khăn nội tại của vấn đề này. Việc trùng tu, nâng cấp một ngôi đình, ngôi chùa hay một di vật nào đó, khi có tiền là có thể làm được ngay trên cơ sở hiện vật sẵn có. Nhưng việc phục dựng lại cả một hình thức trình diễn dân gian hay một hoạt động văn hóa phi vật thể nào thì thì không hề đơn giản. Không phải cứ có tiền là làm được. Vì nguyên mẫu không có sẵn, phải mất công sưu tầm, điều tra, nghiên cứu để dần phục dựng lại từng hoạt động, từng phương tiện, dụng cụ cho đến trang phục, điệu bộ, cứ chỉ, lời ăn, tiếng nói… Hơn nữa lại còn phải tập hợp, huy động một lượng lớn người tham gia mà không phải ai cũng nắm bắt, lĩnh hội được hết các yếu tố văn hóa đặc trưng cổ truyền có từ lâu đời trong các hoạt động xưa cũ đó.

Trong khi đó, những người nắm được những yếu lĩnh cơ bản của các hoạt động văn hóa cổ xưa đó ngày càng ít đi và chủ yếu là những người cao tuổi, sự minh mẫn cũng như sức khỏe không cho phép họ có thể bộc lộ một cách bài bản, chính xác như nguyên mẫu mà họ đã từng biết. Cho nên muốn phục hồi, bảo tồn và phát huy tốt các di sản văn hóa phi vật thể, trước hết cần phải bảo tồn được những người nắm vững được hồn cốt của những hoạt động văn hóa dân gian truyền thống. Đó là những người được xã hội trân trọng gọi là nghệ nhân dân gian. Nhưng có một nghịch lý là đội ngũ nhưng nghệ nhân dân gian vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, các nghệ nhân đều đã già, thời gian cống hiến không còn nhiều mà các hoạt động truyền nghề chưa được chú trọng đúng mức. Các câu lạc bộ văn hóa truyền thống thì hoạt động cầm chừng, thiếu định hướng và rèn dũa kỹ năng theo đúng chuẩn mực dân gian. Đặc biệt là không có kinh phí để duy trì hoạt động. Nên nhớ, di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan; có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng; không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác. Nếu chúng ta không kịp thời chăm lo đời tốt cuộc sống của các nghệ nhân để họ có đủ điều kiện truyền nghề cho lớp trẻ, không tạo sự đam mê cho lớp trẻ bằng các chế độ, chính sách kích thích phù hợp thì e là có một số di sản văn hóa phi vật thể khó lòng được tiếp nối, truyền thụ một cách đầy đủ, chính xác và sẽ dẫn đến thất truyền. Mặt khác, phải tính cách bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể bằng cách làm sống lại các di sản đó trong cuộc sống thường ngày.

Bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể không chỉ là giữ nguyên hiện trạng mà cách hay nhất là phát huy những giá trị văn hóa và cuộc sống đương đại. Trả nó về với cuộc sống để tiếp tục lưu truyền trong nhân gian từ đời này qua đời khác. Đó là cách bảo tồn hay nhất.

Duy Hương

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Quan trọng là yếu tố con người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO