c5c1c5b3efaa4ef417bb.jpg
Bác Hồ với quê hương Nghệ An

Quê hương xứng đáng với niềm tin yêu của Bác

Đào Tuấn 13/12/2021 13:06

(BNA) - Tháng Mười hai đất trời Kim Liên vẫn ươm nắng màu mật ong. Trong cái không gian của tiết trời chớm đông thảng hoặc len một vài làn gió vấn vương mùi trầm.

Và như một thói quen, mỗi khi Nghệ An có lễ trọng chúng tôi lại tìm về mảnh đất này. Tháng Mười hai năm nay cũng vừa tròn 60 năm Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai. Đứng trước nếp nhà đơn sơ của Bác ở quê ngoại Hoàng Trù, màu nắng như vẫn đọng lại trên mái tranh. Và dường như hình bóng Người vẫn ấm áp mãi nơi đây.

Quê hương có Bác

Từ khi rời quê hương bôn ba tìm đường cứu nước, 50 năm sau Chủ tịch Hồ Chí Minh mới trở về thăm quê lần đầu tiên vào tháng 6 năm 1957. Lần thứ hai cũng là lần cuối cùng về thăm quê, Bác đi thẳng đến làng Hoàng Trù. Hôm đó là sáng ngày 9/12/1961. Mảnh đất Hoàng Trù - quê ngoại chính là nơi cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã cất tiếng khóc chào đời và chập chững những bước đi đầu tiên.

Bác Hồ về thăm quê. Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ về thăm quê. Ảnh: Tư liệu

Sau khi vào thắp hương lên tổ tiên bên ngoại tại nhà thờ họ Hoàng Xuân, Bác bồi hồi bước chân vào ngôi nhà ba gian của cha mẹ mình. Dường như ở đó, hình bóng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Bác vẫn ngồi bút nghiên bên chiếc bàn tre mộc mạc, bóng mẹ Hoàng Thị Loan vẫn miệt mài bên khung cửi. Và tiếng cười của anh cả Nguyễn Sinh Khiêm, chị gái Nguyễn Thị Thanh vẫn rộn rã góc vườn…

Rời Hoàng Trù, Bác ra sân vận động Làng Sen nói chuyện với bà con trong xã. Bác nói: “Lần trước Bác về, "đèn nhà ai rạng nhà nấy", "niêu nhà ai, nhà nấy dùng", làm ăn lẻ tẻ. Nay làng đã tổ chức Hợp tác xã, đồng bào cùng nhau đoàn kết, luôn luôn giúp đỡ nhau. Đó là một thay đổi lớn”... Lần này về quê Bác còn căn dặn bà con trong xã phải xây dựng Hợp tác xã cho tốt, nêu cao tinh thần làm chủ: Làm chủ xóm làng, làm chủ Hợp tác xã, làm chủ đất nước. Mỗi người coi công việc Hợp tác xã như công việc của mình và có trách nhiệm làm cho dân giàu, nước mạnh, quốc phòng vững mạnh…

Bác Hồ trò chuyện với cán bộ và nhân dân Kim Liên. Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ trò chuyện với cán bộ và nhân dân Kim Liên. Ảnh: Tư liệu

60 năm sau, lời căn dặn của Bác, hình bóng Người như vẫn ấm áp quanh đây. Từ Hoàng Trù đến Làng Sen vẫn in dấu và sắt son lời hứa với Bác. Quê hương Nam Đàn đã trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2017. Và năm nay, huyện đã đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao và đang hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Khát vọng của những người trẻ trên quê Bác

Như muốn minh chứng cho sự nỗ lực thực hiện tâm nguyện, lời căn dặn của Bác đối với quê hương, ông Trần Khắc Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND xã Kim Liên cho biết, năm 2021 trong bối cảnh bị tác động mạnh do dịch Covid-19 nhưng kinh tế của xã tiếp tục tăng trưởng khá, ước đạt 6,32%. Tổng giá trị sản xuất của xã ước đạt 508,490 tỷ đồng. Giá trị sản xuất ngành Nông, lâm, thủy sản 132,539 tỷ đồng; Giá trị sản xuất ngành Công nghiệp, Xây dựng 255,313 tỷ đồng; ngành Dịch vụ, Thương mại đạt 120,638 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người/năm là 52,4 triệu đồng, tăng 2,7 triệu đồng/người/năm so với năm 2020. Đặc biệt trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế, cách làm kinh tế mới, đáp ứng tốt yêu cầu về đổi mới tư duy, sáng tạo của xu thế.

bieu-do-gia-tri-san-xuat-kim-lien-2021(1).png

Để chứng minh thêm cho điều mình nói, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Liên dẫn tôi đến thăm mô hình HTX Nông nghiệp Sen quê Bác ở làng… HTX này có đến 7 sản phẩm đạt 4 sao tiêu chuẩn OCOP của tỉnh Nghệ An.

Hoạt động theo hình thức cổ phần với 7 thành viên và 22 hộ liên kết, HTX Nông nghiệp Sen quê Bác do anh Phạm Kim Tiến (SN 1986) làm Giám đốc. Điều đặc biệt hơn nữa, mô hình kinh tế này hoạt động với nguyên liệu và sản phẩm hoàn toàn không xa lại với mảnh đất Kim Liên. Đó là sen – các sản phẩm chế biến từ sen. Anh Phạm Kim Tiến mở lời “khoe” bằng mấy câu thơ của một nhà báo tặng: “Nhấp ngụm trà sen Kim Liên/Nước non tình Bác ấm miền gần xa/Thảo thơm hương vị quê nhà/Bạn bầu thanh thản chén trà ban mai”.

Anh Phạm Kim Tiến cho hay, may mắn sinh ra ở Làng Sen, từ khi học cấp 3 trường huyện anh đã ấp ủ ước mơ làm “cái gì đó” từ cây sen quê nhà. Tuy vậy, tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Hà Nội anh đã làm việc ở các tỉnh phía Bắc 8 năm. Và như một lời hứa với quê hương, đến năm 2013 anh trở về Làng Sen. Ban đầu anh tham gia cung ứng vật tư nông nghiệp, giống, phân bón. Năm 2018, với chương trình xây dựng Kim Liên trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, Đảng ủy, UBND xã Kim Liên vận động người trẻ chủ trì xây dựng mô hình kinh tế mới. Như nắng hạn gặp mưa rào, anh Phạm Kim Tiến bắt tay ngay vào xây dựng HTX chế biến các sản phẩm từ sen.

Anh Phạm Kim Tiến - Giám đốc HTX Nông nghiệp Sen quê Bác (người chỉ tay) giới thiệu các giống sen đang ươm. Ảnh: Đào Tuấn
Anh Phạm Kim Tiến - Giám đốc HTX Nông nghiệp Sen quê Bác (người chỉ tay) giới thiệu các giống sen đang ươm. Ảnh: Đào Tuấn

Xã đã tạo điều kiện cho người giám đốc trẻ thuê 12,5 ha ao hồ, mặt nước để mở rộng diện tích sen. Trên cơ sở đó, Tiến dày công phục tráng một số giống sen cổ của quê nhà, lại lựa chọn trong gần 20 giống sen trắng cổ từ Bắc chí Nam nhằm lọc ra giống duy nhất phù hợp với chân đất Nam Đàn để trồng và mở rộng diện tích. Đến nay sau 3 năm thành lập, HTX do anh Phạm Kim Tiến làm Giám đốc đã mở rộng diện tích vùng nguyên liệu với hơn 80 ha, ngoài Nam Đàn vùng nguyên liệu còn được mở rộng ở các huyện: Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Thanh Chương…

Với các giá trị đặc hữu của mảnh đất Nghệ An, có thể nói mọi bộ phận của cây sen, từ củ, thân, lá, hạt đều được đưa vào chế biến để tạo ra sản phẩm.

“Tôi đã rất trăn trở khi quyết định đặt tên cho HTX là “Sen quê Bác”. Tự đáy lòng mình tôi muốn làm một việc gì đó cho quê hương, dành niềm tri ân sâu sắc đối với Bác Hồ, đối với mảnh đất này. Và cũng muốn tự mình thay đổi cách nghĩ, cách làm, góp một tiếng nói nhỏ bé cho nơi mình đã sinh ra”.

Anh Phạm Kim Tiến

Từ cây sen ở Kim Liên đã cho ra đời các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của tỉnh. Ảnh: Đào Tuấn
Từ cây sen ở Kim Liên đã cho ra đời các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của tỉnh. Ảnh: Đào Tuấn

Rời Kim Liên, chúng tôi đến với xã Xuân Hòa. Đón chúng tôi là cô gái nhỏ với nụ cười sáng Nguyễn Thị Thùy Dung, một đảng viên trẻ, một Bí thư Đoàn xã năng động, táo bạo không chỉ của xã mà của cả huyện Nam Đàn. Thùy Dung sinh năm 1990, và cô được đứng vào hàng ngũ của Đảng năm 2015. Dung tốt nghiệp Học viện Tài chính (Hà Nội). Năm 2015 trở về địa phương và tham gia hoạt động Đoàn cơ sở.

Không chỉ là thủ lĩnh Đoàn, Nguyễn Thị Thùy Dung còn trở thành tấm gương của người dân địa phương khi cô tự mày mò, nghiên cứu và thành lập cơ sở sản xuất xà bông từ nguyên liệu thiên nhiên thân thiện với môi trường. Đó là những sản phẩm như: xà bông mướp đắng, sả nghệ, chanh; cao gội, túi lọc từ bồ kết, trầu không… những loại luôn sẵn có nguyên liệu tại địa phương. Không chỉ có thế, cô còn là chủ xưởng sản xuất bánh nhãn - sản phẩm truyền thống được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Bí thư Đoàn xã Xuân Hòa Nguyễn Thị Thùy Dung (bìa phải) trong một hoạt động của Đoàn. Ảnh: NVCC
Bí thư Đoàn xã Xuân Hòa Nguyễn Thị Thùy Dung (bìa phải) trong một hoạt động của Đoàn. Ảnh: NVCC

Với các sản phẩm nhãn hiệu Minh Châu, Thùy Dung sở hữu nhiều giải thưởng như: Giải Ba cuộc thi Khởi nghiệp năm 2021 do Tỉnh đoàn Nghệ An tổ chức; Giải Ba cuộc thi “Phụ nữ tự tin làm kinh tế” năm 2021 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động. Cơ sở sản xuất của Nguyễn Thị Thùy Dung tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động, trong đó có 2 bí thư chi đoàn thôn xóm. Nhiều năm liền Thùy Dung là thanh niên tiêu biểu của xã Xuân Hòa và huyện Nam Đàn.

Sắt son lời hứa với Người

Thành công trong công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương hôm nay có sự đóng góp quan trọng của nhiều người trẻ - ông Biện Văn Trung - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Nam Đàn đã chia sẻ với chúng tôi điều này. Ông cho biết từ đầu năm đến nay huyện Nam Đàn kết nạp được gần 200 đảng viên trẻ. Có những đảng viên tuổi đời chưa đến 30 nhưng đã là chủ doanh nghiệp, là những tấm gương tiêu biểu trong phong trào đổi mới, sáng tạo, lập thân, lập nghiệp, làm kinh tế giỏi. Người trẻ đã thấy được vai trò, trách nhiệm của mình khi hòa mình vào các phong trào thi đua xây dựng quê hương, trong đó có việc tham gia xây dựng Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.

Xây dựng nông thôn mới tạo diện mạo nông thôn Nam Đàn có nhiều khởi sắc. Ảnh tư liệu: Thanh Lê
Xây dựng nông thôn mới tạo diện mạo nông thôn Nam Đàn có nhiều khởi sắc. Ảnh tư liệu: Thanh Lê

Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Nam Đàn cũng cho hay, sau 3 năm thực hiện Quyết định số 17/QĐ-TTg, ngày 04/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm “Xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018 - 2025”, toàn huyện huy động 1.986,6 tỷ đồng; trong đó, vốn xã hội hóa (doanh nghiệp) 77 tỷ đồng; Vốn huy động từ cộng đồng dân cư là 565,3 tỷ đồng, chiếm 28,45%. Nhân dân tự nguyện hiến 30.431m2 đất, tháo dỡ 10.111m2 tường rào và đóng góp 50.240 ngày công để thực hiện.

Kết cấu hạ tầng, giao thông nông thôn, cơ sở vật chất trường học, thủy lợi, hệ thống y tế không ngừng được hoàn thiện. Các thiết chế văn hóa, đời sống tinh thần dành cho Nhân dân không ngừng được nâng cao; hạ tầng phát triển du lịch tiếp tục tạo nhiều điểm nhấn quan trọng. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện năm 2021 ước đạt 8,5%. Tổng giá trị sản xuất ước 8.546 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 57 triệu đồng/người/năm, tăng 2 triệu đồng/người/năm so với năm 2020.

Một góc Làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Ảnh: Sách Nguyễn
Một góc Làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Ảnh: Sách Nguyễn

Sau 60 năm Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai, Nam Đàn đã hội tụ đủ nhiều yếu tố để trở thành huyện kiểu mẫu của tỉnh Nghệ An và cả nước. Đó cũng là kỳ vọng, là mong muốn của Bác Hồ kính yêu lúc sinh thời. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Nam Đàn hôm nay vẫn sắt son lời hứa với Bác, nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp, xứng đáng với tình yêu, niềm tin Người đã gửi trao.

Quê hương xứng đáng với niềm tin yêu của Bác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO