Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các đồng chí tỉnh nhà
(BNA) - Toàn văn bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh "lấy danh nghĩa một người đồng chí già mà viết để san sẻ ít nhiều kinh nghiệm" gửi các đồng chí tỉnh nhà.
Hà Nội, ngày 17 tháng 9 năm 1945
Cùng các đồng chí bản tỉnh,
(Xem rồi, nhớ chuyển cho các bạn hạ cấp)
Các đồng chí,
Thơ này, tôi không dùng danh nghĩa Chủ tịch của Chính phủ, nhưng chỉ lấy danh nghĩa của một người đồng chí già mà viết để san sẻ ít nhiều kinh nghiệm với các đồng chí.
1. Cuộc dân tộc cách mạng thành công này có những ý nghĩa rất to tát mà chúng ta cần phải nhận rõ. Ý nghĩa đó là: Trong một thời gian rất vắn, chúng ta đã phá tan chế độ quân chủ chuyên chế mấy nghìn năm nay. Chúng ta đã đánh đổ cái nền thống trị của hai đế quốc chủ nghĩa: Pháp và Nhật. Chúng ta đã lập nên một chính thể Dân chủ cộng hòa. Đó là một cuộc thắng lợi xưa nay chưa từng thấy trong lịch sử nước ta.
2. Vì sao có cuộc thắng lợi đó?
Một phần là vì tình hình quốc tế thuận tiện cho ta. Nhất là vì lực lượng của toàn dân đoàn kết. Tất cả các dân tộc, các giai cấp, các địa phương, các tôn giáo đều nổi dậy theo lá cờ Việt-minh để tranh lại quyền độc lập cho Tổ quốc.
Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó.
3. Công việc phá hoại xong rồi. Nay bước đầu công việc dọn dẹp sắp đặt, giữ gìn kiến thiết. À! việc này mới khó chứ! Trong việc phá hoại chống kẻ thù đòi độc lập thì dễ dàng kéo cả toàn dân. Trong việc kiến thiết thì khó kéo hơn, vì nó đụng chạm đến quyền lợi riêng của một đôi giai từng trong nước. Vả lại, chúng ta phải thật thà thừa nhận rằng kinh nghiệm chúng ta còn ít, tài năng chúng ta còn kém, mà công việc thì nhiều: nào quân sự, nào ngoại giao, nào tài chính…, trăm đầu nghìn mối, đều những việc mới lạ cho chúng ta. Lại thêm nguy hiểm ngoại xâm và tình hình nội trị.
4. Khó thì khó thật, nhưng chúng ta quyết tâm; chúng ta vừa làm vừa học, nhất là chúng ta cố mà theo cho đúng chính sách của Chính phủ, thì nhất định chúng ta vượt qua hết thảy những sự khó khăn đó. Nói tóm tắt, thì chính sách của Chính phủ là:
- Củng cố sự đoàn kết toàn dân,
- Sửa đổi những khuyết điểm khắp các phương diện.
5. Ở các địa phương, những khuyết điểm to nhất là:
a) Khuynh hướng chật hẹp và bao biện. Việc gì cũng do người Việt-minh làm, không biết đem những người có danh vọng hoặc có tài cán ở địa phương vào giúp việc.
b) Lạm dụng hình phạt. Những đứa phản quốc có chứng cớ rõ ràng phải trừng trị đã đành. Nhưng chúng ta không nên đào bới những chuyện cũ ra làm án mới. Đối với những người không nguy hiểm lắm, thì nên dùng chính sách cảm hóa, khoan dung, không nên bắt bớ lung tung, không nên tịch thu vô lý, làm cho dân kinh khủng.
c) Kỷ luật không đủ nghiêm. Để cho bọn giả mạo tiếng Chính phủ hoặc Việt-minh ức hiếp dân, xoáy tiền dân, lấy đồ đạc của dân, làm cho dân oán.
d) Đề phòng hủ hóa. Cán bộ ta nhiều người “cúc cung tận tụy” hết sức trung thành với nhiệm vụ, với Chính phủ, với quốc dân. Nhưng cũng có người hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư. Thậm chí dùng pháp công để báo thù tư, làm cho dân oán đến Chính phủ và Đoàn thể.
đ) Những khuyết điểm trên, nhỏ thì làm cho dân chúng hoang mang, lớn thì làm cho nền đoàn kết lay động.
Chúng ta phải lập tức sửa đổi ngay,
Chúng ta không sợ có khuyết điểm,
Chúng ta chỉ sợ không có quyết tâm sửa đổi.
Chúng ta phải lấy lòng “chí công vô tư”.
Chúng ta phải hiểu rõ và phải theo đúng chính sách của Chính phủ thì những khuyết điểm nói trên sẽ dễ sửa đổi và sự toàn dân đoàn kết sẽ càng vững vàng.
Trong công tác có vấn đề gì khó giải quyết, các đồng chí cứ viết thư thảo luận với tôi. Tôi rất sẵn sàng giúp ý kiến.
Chào thân ái
HỒ CHÍ MINH
( Đã in trong : Hồ Chủ tịch với quê hương - Ban nghiên cứu lịch sử Đảng, Tỉnh ủy Nghệ An, 1970, tr17-19)