Quế Phong: Lộ trình mới của cây chanh leo

13/03/2014 14:57

(Baonghean) - Huyện Quế Phong vừa tổ chức rút kinh nghiệm sau 4 năm đưa cây chanh leo vào trồng trên địa bàn. Và năm 2014 này, địa phương quyết định trồng mới 500 ha để tạo đà cho kế hoạch “phủ” đại trà những năm tiếp theo. Lợi thế đất đai, khí hậu và mối liên kết tốt của doanh nghiệp (Công ty CP thực phẩm Nghệ An - NAFOODS) với nông dân đang tạo thuận lợi cho nhiệm vụ mới của cán bộ, nhân dân đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn...

Gia đình anh Lữ Văn Chiến ở bản Xan, xã Tri Lễ chăm sóc vườn chanh leo.
Gia đình anh Lữ Văn Chiến ở bản Xan, xã Tri Lễ chăm sóc vườn chanh leo.

Trước đó, để đánh giá chính xác hiệu quả cây chanh leo, huyện phối hợp Công ty Nafoods đã lựa chọn các đối tượng đầu tư trồng gồm cả hộ khá và hộ nghèo của các dân tộc Thái, Mông, Khơ’mú; địa bàn trồng trên 3 xã: Tri Lễ, Nậm Giải, Nậm Nhoóng. Đến hết năm 2013, diện tích trồng thử nghiệm trên địa bàn 3 xã trên là 28,5 ha. Năng suất, chất lượng tương đối ổn định, giá cả trên thị trường và giá cả thu mua của Nafoods là hợp lý. Khi so sánh lợi ích kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, cây chanh leo cho giá trị kinh tế rất cao, không có loại cây trồng nào có thể so sánh được. Nếu giải quyết được vấn đề tạo cây giống và tiêu thụ sản phẩm ổn định thì đây chính là cây xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững mà mục tiêu của Chính phủ đặt ra cho huyện Quế Phong trong thực hiện Nghị quyết 30a/CP. Mô hình đã trả lời xác đáng câu hỏi về tự chủ và phụ thuộc: Từ giống cây trồng, chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm, xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững.

Chúng tôi đến thăm vườn chanh leo của hộ anh Lữ Văn Chiến (sinh năm 1982) ở bản Xan, xã Tri Lễ. Hai vợ chồng trẻ này được chọn là mô hình thí điểm của bản Xa từ năm 2011, hiện trồng 500 gốc trên 1 héc-ta. Trong đó, năm 2011 trồng 35 gốc cho thu hoạch đạt 19 triệu đồng/năm; trồng 100 gốc từ tháng 4/2013, bắt đầu cho thu hoạch (đã bán được 3 triệu đồng), và tháng 7/2013 trồng thêm gần 400 gốc. Lữ Văn Chiến dự kiến tháng 4/2014, trồng thêm 400 gốc trên 0,5 héc-ta nữa, nâng tổng số lên 900 gốc, có thể thu trên 500 triệu đồng/năm.

Bản Yên Sơn trồng chanh leo nhiều nhất xã Tri Lễ. Trưởng bản Quàng Văn Phương cho hay: Bản có 63 hộ đồng bào Thái thì 100% đã trồng chanh leo (từ năm 2010). Các hộ Vi Thanh Xuân, Quàng Văn Xuân, Vi Văn Nhân trồng nhiều nhất với 200 gốc/hộ, mỗi năm thu hoạch 3 vụ, đạt 100 triệu đồng/hộ/năm. Tuy nhiên, do trình độ canh tác, áp dụng KHKT của người dân chưa tốt, nên tâm lý người dân chưa ổn định khi gặp dịch bệnh hay cây chanh leo thoái hóa (theo chu kỳ sinh học) sớm. Hiện ở bản Yên Sơn, ông Vi Thanh Xuân đã đăng ký thành lập HTX dịch vụ cung ứng phân bón, thuốc BVTV và thu mua sản phẩm chanh leo. Đáng nói là nhận thấy hiệu quả của chanh leo, nhiều hộ trong bản đã chuyển diện tích lúa nước sang trồng cây này.

Trong trồng chanh leo, công tác giống đóng vai trò quyết định; đáng mừng là bắt đầu từ năm 2014 này, giống chanh leo được sản xuất trực tiếp từ Trung tâm tạo giống tại Tri Lễ (giá trị đầu tư 25 tỷ đồng, công nghệ cao) do Công ty CP đầu tư phát triển nông nghiệp NAPAGA (Thuộc Công ty Nafoods) chủ trì thực hiện, năng lực ươm ghép khoảng 30.000 cây giống/tháng, đáp ứng tốt nhu cầu giống trên địa bàn. Ông Phạm Hữu Tuấn - Trưởng phòng Giống và dịch vụ của trung tâm, cho biết: “Trước đây giống phải nhập từ Đài Loan, giá đắt (50.000đ/gốc); nay sản xuất tại chỗ, giá thành sẽ giảm đi rất nhiều: dự kiến đến tháng 5/2014 này chúng tôi sẽ xuất đợt giống đầu tiên”.

Từ thực tiễn trên, UBND huyện Quế Phong đã ký cam kết với Công ty Na foods bao tiêu sản phẩm chanh leo cho nhân dân về lâu dài đảm bảo theo giá thị trường theo từng thời điểm và không được thấp hơn giá bảo hành. Từ đầu các vụ thu hoạch, Công ty sẽ tổ chức các điểm thu mua, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân bán sản phẩm cho nhà máy.

Đánh giá mới đây nhất về hiệu quả cây chanh leo ở Quế Phong Định mức chi phí đầu tư cho 1 ha là 90 triệu đồng, gồm: 500 cây giống, hỗ trợ phân bón, vật tư làm giàn, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn...; cây lưu gốc 4 năm (đầu tư năm đầu, 4 năm chăm sóc và thu hoạch. Năng suất năm đầu khoảng 30 tấn/ha, năm thứ 2 là 40 tấn/ha. Với giá thu mua của Công ty Nafoods từ 10.000 đồng/kg đến 12.000 đồng/kg, cho thu nhập bình quân 350 triệu đồng/ha - 400 triệu đồng/ha/năm. Sau khi trừ chi phí đầu tư ban đầu, năm thứ nhất đã cho thu lãi khoảng 250 triệu đồng/ha; mỗi gốc chanh leo mỗi năm cho thu nhập từ 600.000 - 800.000 đồng.

Đình Sâm

Quế Phong: Lộ trình mới của cây chanh leo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO