Quốc hội nghe báo cáo 2 dự án luật về quốc phòng, an ninh

30/10/2012 07:15

Sáng 29/10, Quốc hội đã nghe báo cáo lần đầu về 2 dự án luật liên quan đến lĩnh vực an ninh- quốc phòng là dự án Luật Giáo dục quốc phòng- an ninh và dự án Luật Phòng, chống khủng bố.



Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang - Ảnh: TTXVN

Trước đó, 2 dự án Luật này đã được các cơ quan soạn thảo là Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trình, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các phiên họp trước đây.

Tạo cơ sở pháp lý cho phòng, chống khủng bố

Tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống khủng bố, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, (cơ quan thẩm tra) cho rằng dự án luật khi ra đời sẽ thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo vệ an ninh quốc gia; tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đầy đủ cho công tác phòng, chống khủng bố phù hợp với thực tiễn nước ta; thực hiện các cam kết hợp tác quốc tế mà không ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính từ năm 2001 đến nay, trên thế giới đã xảy ra 5.774 vụ khủng bố, làm 48.173 người thiệt mạng, 86.045 người bị thương và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng khác.

Ở Việt Nam, mặc dù chưa xảy ra vụ khủng bố nào do các tổ chức khủng bố quốc tế gây ra, tuy nhiên, từ năm 2000 đến nay đã có 4 vụ khủng bố do đối tượng phản động lưu vong người Việt câu kết với các đối tượng phản động, đối tượng hình sự khác trong nước thực hiện được phát hiện, điều tra, xử lý.
Bên cạnh đó, cơ quan an ninh đã phát hiện nhiều đối tượng khủng bố quốc tế xâm nhập vào Việt Nam với các mục đích ngụy trang khác nhau, đồng thời cũng đã phát hiện một số đối tượng phản động trong nước có liên lạc, quan hệ với một số tổ chức khủng bố quốc tế để thực hiện các hoạt động có dấu hiệu liên quan tới khủng bố.

Lực lượng chuyên trách thực hiện chống khủng bố hiện đã có trong lực lượng Công an và Quân đội. Do vậy, dự thảo quy định về lực lượng chuyên trách chống khủng bố và không làm phát sinh về biên chế và tổ chức, mà chỉ tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn cho hoạt động của lực lượng hiện có.

Về cơ quan lãnh đạo, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đồng tình việc thành lập Ban chỉ đạo Phòng chống khủng bố cấp Trung ương và cấp địa phương hoạt động thường xuyên theo chế độ kiêm nhiệm.

Giáo dục quốc phòng- an ninh sẽ là môn học chính khóa

Dự án Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh thay mặt Chính phủ trình bày trước Quốc hội quy định Giáo dục quốc phòng- an ninh “là môn học chính khóa trong chương trình giáo dục trung học phổ thông”.

Nội dung môn Giáo dục quốc phòng - an ninh trong trường trung học phổ thông và đại học gồm: Đường lối, quan điểm cơ bản của Đảng, Nhà nước về quốc phòng, an ninh; Tinh thần yêu nước, truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc; Nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta; Kiến thức cơ bản cần thiết về kỹ thuật, chiến thuật quân sự, phòng thủ dân sự.

Giáo dục quốc phòng – an ninh cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở được thực hiện lồng ghép thông qua nội dung các môn học trong chương trình kết hợp với hoạt động ngoại khóa để hình thành những cơ sở, hiểu biết ban đầu về quốc phòng – an ninh.

Tuy nhiên, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng dự thảo Luật cần được thiết kế lại nội dung này theo hướng phù hợp với mục đích, yêu cầu giáo dục của từng cấp học, bậc học, bảo đảm tính liên thông của chương trình và thẩm quyền quản lý nhà nước của các bộ, ngành thống nhất với quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Dạy nghề và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Cơ quan thẩm tra cũng chưa đồng tình với quy định “Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh là yêu cầu bắt buộc đối với cán bộ, công chức, viên chức quản lý, kết quả bồi dưỡng là một trong những tiêu chí để xem xét bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, tổ chức nhà nước...”.

Theo cơ quan thẩm tra, tiêu chí để xem xét bổ nhiệm công chức vào các chức danh lãnh đạo, quản lý không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này mà thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Cán bộ, công chức. Mặt khác, quy định này cũng chưa thống nhất với Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đối với các chức danh được phê chuẩn, bổ nhiệm qua bầu cử.

Do đó, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo, mâu thuẫn nên quy định tiêu chí này trong luật chuyên ngành.

Hai dự án luật trên sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ và tại hội trường.


Theo (Chinhphu.vn) – L.T

Quốc hội nghe báo cáo 2 dự án luật về quốc phòng, an ninh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO