Quốc hội thảo luận tại tổ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

02/11/2011 17:59

(Baonghean) - Chiều ngày 2/11, tại Hà Nội, Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 13 tiếp tục chương trình làm việc thảo luận tại tổ về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa 13.

Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Nghệ An thảo luận tại tổ cùng với đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc và Đắc Lắc. Đồng chí Phan Đình Trạc- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An làm tổ trưởng điều hành buổi thảo luận.

Phát biểu thảo luận tại tổ, hầu hết ý kiến của các đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Nghệ An, Vĩnh Phúc và Đắc Lắc thống nhất cao về tờ trình dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa 13 do Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội trình bày, với 134 dự án, trong đó có 96 dự án thuộc Chương trình chính thức và 38 dự án thuộc chương trình chuẩn bị. Tuy nhiên để thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa 13, các đại biểu cho rằng trong nhiệm kỳ này Quốc hội, Chính phủ cần có sự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong việc xây dựng các dự án, thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm. Dự kiến chương trình phải bám sát các mục tiêu kinh tế xã hội, bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tế của cuộc sống.

Về chương trình cụ thể, các đại biểu đề nghị nên đưa vào trong chương trình xây dựng luật tổ chức bầu cử hội đồng nhân dân, bầu cử đại biểu quốc hội, Luật nhà văn, Luật con người và đặc biệt là Luật tiếp công dân lên chương trình chính thức trong nhiệm kỳ, bởi vì khi có luật công dân sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan.

Còn về các giải pháp như Chính phủ phân bổ kịp thời kinh phí hỗ trợ xây dựng luật, pháp lệnh ngay sau khi Chương trình được thông qua, ông Phạm Văn Hà đại biểu quốc hội tỉnh Nghệ An cho rằng: vấn đề này cần phải được quy định chặt chẽ hơn. Theo đại biểu, kinh phí đầu tư cho các dự án là rất lớn, nếu luật không ra mà Ban soạn thảo đã nhận kinh phí thì cũng phải làm lại các bước như ban đầu và làm ảnh hưởng đến các luật khác, vì vậy cần phải có chế tài xử phạt nghiêm minh

Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị thêm trong phần giải pháp, tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về soạn thảo dự án, thời hạn gửi dự án đến chính phủ, cơ quan thẩm tra, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội; củng cố lực lượng pháp chế ở các bộ và văn phòng pháp chế trong việc tổ chức soạn thảo các dự án. Bên cạnh đó, khi soạn thảo và ra các văn bản nên lấy ý kiến của Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và các đoàn đại biểu quốc hội. Ngoài ra không ngừng nâng cao chất lượng thẩm tra dự án và bộ phận giúp việc cũng như có kế hoạch thu hút các chuyên gia, các nhà khoa học giỏi vào quá trình soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, pháp lệnh.

Ngày mai 3/11, các đại biểu quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về dự án Luật bảo hiểm tiền gửi, Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và nghe một số báo cáo của Thủ tướng Chính phủ tại hội trường.


Đức An

Quốc hội thảo luận tại tổ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO