Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi và Dự án Luật Tài nguyên nước
(Baonghean) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 13, sáng nay 3/11, tại Hà Nội, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ cho ý kiến về Dự án Luật bảo hiểm tiền gửi và Dự án Luật tài nguyên nước.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An thảo luận tại tổ số 5 cùng với đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc và Đắk Lắc. Đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy – Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An được bầu làm tổ trưởng điều hành phiên thảo luận.
Đồng chí Phan Đình Trạc – Trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Nghệ An
điều hành phiên thảo luận tại tổ số 5
Thảo luận tại tổ, đa số các đại biểu nhất trí cao về sự cần thiết của việc ban hành Luật bảo hiểm tiền gửi. Về cơ quan bảo hiểm tiền gửi, các đại biểu đề nghị cần có địa vị độc lập, nhưng có sự giám sát của cơ quan khác. Không nên chọn hình thức pháp lý doanh nghiệp mà là cơ quan Nhà nước thực hiện chính sách công. Trên cơ sở 12 năm hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi, để đảm bảo tính hiệu quả, pháp luật nên quy định chức năng và nhiệm vụ trên phạm vi rộng cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi để bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có đủ thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Đồng thời quy định rõ các nhóm quyền kinh tế, về cung cấp thông tin… của 3 nhóm đối tượng chịu tác động của Luật, nhất là bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền được bảo hiểm.
Đại biểu Phan Văn Quý - đoàn Nghệ An cho rằng: trong điều kiện nền kinh tế có nhiều biến động thì không nên quy định cố định mức phí bảo hiểm tiền gửi và hạn mức bảo hiểm tiền gửi trong Luật, nhằm bảo đảm tính linh hoạt khi thực hiện. Đại biểu cũng đề nghị về đối tượng áp dụng người được bảo hiểm là cá nhân có tiền gửi không phải các tổ chức. Loại hình tiền gửi được bảo hiểm bằng Việt Nam đồng.
Quản lí nhà nước về bảo hiểm tiền gửi và mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc và Đắk Lắk đề nghị giữ quy định hiện hành về tổ chức bảo hiểm tiền gửi, theo đó Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam do Thủ tướng chính phủ thành lập và giao Ngân hàng nhà nước Việt Nam quản lí hoạt động nhằm đảm bảo vị thế độc lập tương đối của bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và tăng lòng tin người gửi tiền.
Thảo luận về Dự án Luật tài nguyên nước sửa đổi, các đại biểu cũng đồng tình cao với dự thảo Luật đã sửa đổi. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng điều tra cơ bản tài nguyên nước là công việc đòi hỏi phải có đầu tư kinh phí, nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật. Do đó công tác điều tra cơ bản về tài nguyên nước cần được thực hiện theo một quy hoạch. Về phạm vi điều chỉnh Luật, cần điều chỉnh về phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra để hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phòng chống tác hại do nước gây ra gắn kết chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau, đảm bảo nguyên tắc quản lí thống nhất, khai thác, sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu. Các đại biểu tỉnh Đắk Lắk và Vĩnh Phúc đề nghị cần bổ sung thêm nguồn nước khoáng và nước nóng vào trong dự thảo.
Đại biểu Nguyễn Thị Hải (tỉnh Nghệ An) lại cho rằng trong dự thảo luật tài nguyên nước (sửa đổi) lần này tính minh bạch chưa cao, nhiều nội dung quan trọng được Chính phủ quy định bằng văn bản dưới luật, cụ thể có hơn 20 điều khoản trên 85 điều, nên đại biểu đề nghị Ban soạn thảo luật cần rà soát, nghiên cứu quy định cụ thể rõ trong luật, chú ý nhiều hơn về đặc điểm miền núi, vùng cao vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Vì hiện nay những vùng này thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt, đặc biệt là vào mùa khô hạn, đồng thời cũng là nơi thường bị những tác hại do lũ ống, lũ quét gây ra. Do đó, dự thảo luật cần thể hiện rõ trách nhiệm của nhà nước, các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân trong đầu tư khai thác sử dụng bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, dòng chảy đảm bảo cuộc sống cho đồng bào các dân tộc.
Đức An