Quốc hội thảo luận tổ về công tác xét xử, chống tham nhũng

29/10/2013 18:30

(Baonghean.vn) - Chiều 29/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; công tác thi hành án; phòng chống tham nhũng và kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH 13 của Quốc hội.

Ông Phạm Văn Tấn, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An điều hành buổi thảo luận tại tổ 5 với 3 đoàn: Nghệ An, Bắc Ninh và tỉnh Đắc Lắc.

Phần lớn các ý kiến đồng tình với kết quả đạt được trong công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm mà Chính phủ đưa ra. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Báo cáo của Chính phủ chưa nêu được một cách rõ nét về tình hình tội phạm và kết quả trong công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm. Bên cạnh đó, việc tái phạm của đối tượng ra tù hiện nay còn nhiều, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình trị an, an toàn xã hội. Riêng tội phạm giết người ngày một tăng, như vậy ở đây phải nói đến công tác tuyên truyền, giáo dục của các cơ quan tư pháp còn chậm, yếu, thiếu hiệu quả. Ngoài ra, những tội phạm nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm như vận chuyển, buôn bán, tàng trữ các chất ma túy còn nhiều, hành vi phạm tội ngày một tinh vi, thậm chí được tiếp tay, bảo kê của một bộ phận cán bộ có chức, có quyền. Vì vậy, vấn đề này, các đại biểu đề nghị Chính phủ phải kiên quyết, mạnh tay, từ đó mới tạo được niềm tin trong nhân dân.

Ông Phạm Văn Hà, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An nêu vấn đề: “Riêng Nghệ An, một năm điều tra, phát hiện, thu giữ hàng trăm bánh ma túy, chưa nói đến cả nước. Hiện nay còn một số tội phạm xẩy ra rất mới như công nghệ thông tin, tuyên truyền lật đổ chính quyền... , chúng tôi xử rất nghiêm. Tuy khung hình phạt cao, nhưng việc phạm tội lại không giảm, ngược lại có chiều hướng tăng lên trong những năm gần đây. Vì vậy, quan tâm nhất hiện nay của chúng tôi, đó là công tác phòng, chống, nếu làm tốt thì không có những vụ án lớn xảy ra như thời gian qua”.

Ủy viên Bộ chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, đại biểu QH tỉnh Đắc Lắc phát biểu tại buổi thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, đại biểu QH tỉnh Đắc Lắc phát biểu tại buổi thảo luận

Cũng vấn đề này, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắc Lắc có ý kiến: “Phải xử nghiêm, bây giờ Luật chống tham nhũng đã có. Vì vậy không có gì có thể nói là không xử được tội tham nhũng. Xử được, xử nghiêm thì chắc chắn tham nhũng sẽ giảm. Tôi đề nghị, đối với loại tội này, bất cứ một ai không được quyền can thiệp vào cơ quan tố tụng và xét xử.”

Nhiều ý kiến cho rằng, công tác tố tụng, xét xử thời gian qua được tăng lên. Tuy nhiên, vấn đề áp dụng pháp luật để nghị án cho hưởng án treo đối với tội tham nhũng hiện nay chưa được thống nhất, còn tùy tiện, thậm chí trái pháp luật tại một số địa phương, nên rất cần được Chính phủ chấn chỉnh kịp thời. Báo cáo Chính phủ nêu ra, hiện nay số đối tượng trốn truy nã còn cao, vì vậy nhiều ý kiến của đại biểu cho rằng, cần phải có một giải pháp hữu hiệu, đồng bộ và tổng thể để giải quyết triệt để vấn đề này. Ông Phạm Văn Tấn, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An nêu ý kiến: “Ở đây là loại tội phạm đã có án rồi nên rất nguy hiểm cho xã hội. Vì vì vậy phải làm cách nào để hạn chế nguy hiểm này, chúng ta cần phải đẩy mạnh hơn công tác điều tra, truy xét, kiên quyết trong khởi tố, truy tố tội phạm. Thứ hai, vì sao nói việc thi hành án còn chậm, nhất là án dân sự, theo tôi vẫn còn hiện tượng mập mờ trong thi hành án.

Quang cảnh buổi thảo luận tại tổ 5.
Quang cảnh buổi thảo luận tại tổ 5.
Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An tại buổi thảo luận tổ.
Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An tại buổi thảo luận tổ.

Liên quan đến công tác thi hành án dân sự, một số đại biểu nêu vấn đề, hiện nay có rất nhiều vụ án đã có hiệu lực nhưng không thể thi hành. Nguyên nhân được đưa ra là do đối tượng không có tài sản để thi hành án. Nhưng cũng có rất nhiều vụ án, do việc kê biên tài sản của cơ quan chức năng còn bị xem nhẹ, có khi cố tình bỏ qua, gây ra khó khăn cho việc thi hành án sau này.

Đối với án hình sự, đặc biệt là việc thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc, hiện nay rất khó thực hiện, bởi kinh phí bỏ ra quá lớn cho mỗi trường hợp phải thi hành, nên cả nước hiện nay đang tồn đọng hơn 680 đối tượng chưa được thi hành án. Vì vậy, có ý kiến đề nghị Quốc hội nên bổ sung thêm cách tử hình có từ trước, đó là xử bắn cùng song hành với hình thức tử hình bằng tiêm thuốc độc như đã được Quốc hội thông qua thời gian gần đây.

Nguyễn Nam

Quốc hội thảo luận tổ về công tác xét xử, chống tham nhũng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO