Quốc hội thảo luận tổ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015)
Tiếp tục Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 13, chiều ngày 21/10 các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2011 - 2015); Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2011 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2012. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tham gia thảo luận tại tổ cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắc và tỉnh Vĩnh Phúc. Đồng chí Phan Đình Trạc- Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An chủ trì buổi thảo luận.
(Baonghean.vn) Tiếp tục Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 13, chiều ngày 21/10 các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2011 - 2015); Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2011 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2012. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tham gia thảo luận tại tổ cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắc và tỉnh Vĩnh Phúc. Đồng chí Phan Đình Trạc- Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An chủ trì buổi thảo luận.
Tham gia phát biểu tại tổ, hầu hết các đại biểu đều nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2011 - 2015). Các đại biểu nhấn mạnh, trong 5 năm qua mặc dù đối diện nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu vượt bậc, năng động sáng tạo của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cộng với sự quyết tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các giải pháp được triển khai đồng bộ, quyết liệt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam đạt được nhiều kết quả nổi bật. Kinh tế tăng trưởng khá cao, bình quân đạt 7%/năm; quy mô nền kinh tế tăng lên, các ngành kinh tế xã hội đều có bước phát triển; đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.
Các đại biểu cho rằng, Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 11 là đúng, nhưng việc cắt giảm chưa đúng đối với các công trình cấp bách ở vùng sâu, vùng xa. Trong phần giải pháp, các đại biểu cũng cho rằng Chính phủ cần tập trung chỉ đạo quyết liệt trong việc ban hành chính sách các mô hình tăng trưởng, tăng cường đầu tư cho nông nghiệp nông thôn; Có chính sách ưu tiên hỗ trợ khoa học công nghệ, cũng như bố trí vốn các công trình cấp bách về y tế.
Liên quan đến chương trình dạy nghề, nhất là dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn, phấn đấu mỗi năm tạo việc làm mới cho 1,6 triệu lao động, các đại biểu cho rằng, ngoài phải đảm bảo việc làm ổn định cho lao động đã có việc làm, tránh tình trạng lao động bị mất việc làm, bên cạnh đó tăng cường quản lý lao động tại nước ngoài. Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ bố trí đủ vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia; Đẩy mạnh cơ cấu kinh tế, quan tâm môi trường, xây dựng các chương trình nông thôn mới và tăng cường sự giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ.
Đức An