Quốc hội thảo luận về Chương trình xây dựng pháp luật năm 2012: “Nóng” với Luật Biểu tình

17/11/2011 16:35

Chương trình xây dựng pháp luật năm 2012 đã được Quốc hội thảo luận trong phiên họp sáng nay, 17-11.

Đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội đồng tình với dự kiến Chương trình xây dựng pháp luật theo đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhấn mạnh một số nguyên tắc ưu tiên, các điều kiện đảm bảo hoàn thành chương trình với chất lượng cao.

Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) thẳng thắn đề nghị phải chấm dứt tình trạng “hữu danh vô thực” - tức là có tên, nhưng dành rất ít thời gian, công sức cho công tác xây dựng pháp luật - của một số thành viên Ban soạn thảo.

Đại biểu Chu Sơn Hà phát biểu tại phiên họp Quốc hội sáng 17-11. Ảnh: Minh Điền

“Trong điều kiện nhân lực, tài lực có hạn thì chúng ta nên lựa chọn một chương trình vừa sức, dành ưu tiên cho những luật điều chỉnh các vấn đề bức xúc trong xã hội, không nên dễ làm khó bỏ”, ông nói.

Ông Chu Sơn Hà và nhiều đại biểu khác còn đề nghị kiên quyết chấm dứt tình trạng gửi dự án luật chậm so với thời gian quy định. Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) góp ý: “Các dự án cho ý kiến lần đầu mà đến tận ngày khai mạc kỳ họp các đại biểu Quốc hội mới nhận được. Trong khi đó có nhiều luật có phạm vi tác động xã hội rộng rãi, đại biểu Quốc hội muốn tham vấn ý kiến địa phương, ý kiến chuyên gia trước khi nêu ra quan điểm của mình tại kỳ họp, nhưng không thực hiện được vì không có thời gian”.

Về các dự án luật, pháp lệnh được đưa vào chương trình, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), cần thống nhất nguyên tắc ưu tiên cho những nhu cầu bức xúc của đông đảo các tầng lớp nhân dân, yêu cầu quản lý của cơ quan nhà nước về các lĩnh vực kinh tế xã hội quan trọng.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, có những dự án được đề xuất chỉ vì nhu cầu của chính đại biểu Quốc hội hoặc của một nhóm nhỏ.

Ông Trương Trọng Nghĩa đề nghị phát huy mạnh mẽ hơn nữa hình thức tổ chức hội nghị đóng góp xây dựng luật, nhưng không nên giới hạn là “hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách”, mà nên mở rộng tới các đại biểu Quốc hội có kiến thức, chuyên môn sâu và tâm huyết với vấn đề đó.

Theo nhận xét của các đại biểu Quốc hội, Chương trình xây dựng pháp luật đề xuất lần này đã cô đọng hơn nhiều so với trước. Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho rằng “vẫn có thể rút gọn hơn nữa”. Đơn cử, để đảm bảo tính ổn định, ít phải sửa đổi luật có thể gộp một số pháp lệnh về tư pháp vào các luật. Tương tự, Luật Hiến máu, tế bào gốc có thể gộp với Luật Hiến mô, tạng; Luật Đô thị và Luật Thủ đô cũng có thể gộp vào làm một. Đại biểu Đỗ Văn Đương còn đề nghị nên xây dựng Luật Từ chức, Luật Nông dân…

Đại biểu Hoàng Hữu Phước (TPHCM) đã thực sự làm "nóng" hội trường khi thẳng thắn đề nghị không đưa Luật Lập hội và Luật Biểu tình vào Chương trình xây dựng pháp luật.

Theo đại biểu Hoàng Hữu Phước, với trình độ dân trí và điều kiện kinh tế xã hội của nước ta hiện nay, việc cho ra đời Luật Biểu tình là chưa cần thiết, thậm chí rất dễ bị một số đối tượng lợi dụng.

“Tập họp đông người ngoài trời thường là hại nhiều hơn lợi, gây tắc đường, ảnh hưởng quyền lợi chính đáng của nhiều người dân. Nếu trưng cầu ý kiến, tôi tin rằng đa số công dân sẽ không đồng ý Luật Biểu tình vì tính chất dễ gây tổn thương của nó”, đại biểu Hoàng Hữu Phước khẳng định.

Quan điểm của đại biểu Hoàng Hữu Phước đã tạo nên những ý kiến tranh luận khá sôi nổi.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, một số bất cập của việc biểu tình tự phát mà ông Hoàng Hữu Phước nêu ra lại chính là những lý do cho thấy cần phải có luật để điều chỉnh hành vi này. Lý do dân trí còn thấp cũng không được đại biểu Trương Trọng Nghĩa đồng tình. “Quyền được biểu tình để biểu thị chính kiến, tình cảm của công dân đã được quy định rõ trong Hiến pháp” , ông Trương Trọng Nghĩa nói với phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng.


(Theo SGGP)

Quốc hội thảo luận về Chương trình xây dựng pháp luật năm 2012: “Nóng” với Luật Biểu tình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO