Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật
Trước khi thông qua dự thảo Luật này, các đại biểu đã đóng góp và cho ý kiến nhằm hoàn thiện các nội dung, quy định cụ thể
Sáng 25/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật (BV&KDTV) với đa số phiếu tán thành.
Ông Phan Xuân Dũng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (TVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, đã có 21 ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu tại hội trường và 1 ý kiến góp ý bằng văn bản gửi đến Đoàn Thư ký kỳ họp góp ý về dự án Luật này.
Trước khi thông qua dự thảo Luật này, các đại biểu đã đóng góp và cho ý kiến nhằm hoàn thiện các nội dung, quy định cụ thể. Nhìn chung, các ĐBQH đánh giá cao việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật BV&KDTV, về cơ bản thống nhất với các quy định trong dự thảo Luật trình Quốc hội lần này. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến góp ý đề nghị làm rõ hoặc quy định cụ thể hơn nội dung một số điều, khoản trong dự thảo Luật.
Cấm đưa đất trồng vào nước ta
Theo ông Phan Xuân Dũng, về hành vi bị cấm (Điều 13), có ý kiến đề nghị trong điều kiện trang thiết bị phân tích của nước ta còn hạn chế thì chỉ nên quy định các cây giống kèm theo đất được nhập khẩu vào một số cửa khẩu nhất định, không nên quy định cấm đưa đất vào Việt Nam.
Ủy ban TVQH cho biết, thực tiễn hoạt động kiểm dịch cho thấy, đất là vật thể có nguy cơ mang sinh vật gây hại cao, việc kiểm dịch và xử lý đối với đất phức tạp, đòi hỏi phải có máy móc, thiết bị có độ chính xác cao... Đối với nước ta, có đường biên giới dài, lượng hàng hóa thực vật trao đổi qua cửa khẩu chính thức lẫn đường mòn biên giới là rất lớn, vì thế việc kiểm soát thực vật mang theo đất là rất khó khăn.
Nhưng để bảo vệ sản xuất nông nghiệp trong nước, chúng ta đã có nhiều cố gắng trong công tác kiểm dịch thực vật, không cho phép các sản phẩm thực vật mang theo đất nhập vào. Vì vậy, dự thảo Luật quy định cấm đưa đất vào Việt Nam, trừ trường hợp được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT (như dùng để nghiên cứu khoa học, quà tặng mang tính chất ngoại giao….) là hợp lý. Pháp luật của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước tiên tiến và phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Công ước quốc tế về bảo vệ thực vật cũng đều có quy định tương tự.
Bên cạnh đó, có ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung nội dung: không áp dụng hoặc cố tình áp dụng không đúng các biện pháp phòng, chống dịch để sinh vật gây hại lây lan gây hậu quả nghiêm trọng. Nội dụng này đã được tiếp thu, chỉnh sửa.
200 tỷ đồng/năm dùng để tiêu hủy bao gói
Về tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), nhiều ĐBQH đề nghị cần bổ sung quy định về kiểm tra chất lượng thuốc BVTV vô chủ trước khi tiêu hủy vì nhiều lô thuốc BVTV vô chủ vẫn còn hạn sử dụng, chất lượng vẫn còn tốt để tránh lãng phí nguồn kinh phí của UBND cấp tỉnh trong việc tiêu hủy lượng thuốc BVTV này.
Theo Ủy ban TVQH, trên thực tế thuốc BVTV vô chủ hiện nay chủ yếu là thuốc nhập lậu, không có nguồn gốc xuất xứ, thuốc giả... Nếu quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước là phải kiểm tra chất lượng thuốc BVTV vô chủ trước khi tiêu hủy là không khả thi, vì cơ quan này không có đủ kinh phí, nhân lực và trang thiết bị để thực hiện. Do vậy, không bổ sung quy định nội dung này trong dự thảo Luật để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Về thu gom và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, Ủy ban TVQH cho biết: Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, thuốc BVTV của Việt Nam chủ yếu là nhập khẩu với lượng sử dụng khoảng 70.000 tấn thuốc thành phẩm/năm; tổng doanh thu khoảng 1 tỷ USD (tương đương khoảng 21.000 tỷ đồng). Tương ứng với lượng thuốc BVTV thành phẩm nói trên là lượng bao gói sau sử dụng khoảng 7.000 tấn/năm (khoảng 10% tổng lượng thuốc BVTV thành phẩm).
Với chi phí xử lý 25 triệu đồng/tấn thì tổng chi phí cho việc tiêu hủy ước tính là gần 200 tỷ đồng/năm. Như vậy, nếu quy định thuế BVMT trung bình khoảng 2% tổng doanh thu bán thuốc thì ngân sách nhà nước sẽ có đủ kinh phí thực hiện việc thu gom và tiêu hủy bao gói sau sử dụng. Hiện nay, công nghệ xử lý bao gói thuốc BVTV đang được hoàn thiện dần, trong tương lai chi phí này sẽ giảm, đồng thời sẽ có nhiều loại bao gói có thể được tái chế mà không cần tiêu hủy.
Vì vậy, kinh phí thu gom và xử lý bao gói thuốc BVTV được quy định thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương. Hơn nữa, hiện tại Luật BVMT đang trong quá trình sửa đổi; trách nhiệm của các chủ nguồn thải nói chung và các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV nói riêng cũng sẽ được nghiên cứu quy định cho phù hợp với thực tiễn và tương quan giữa các đối tượng.
Do vậy, dự thảo Luật đã bổ sung quy định nghĩa vụ của cơ sở sản xuất thuốc BVTV, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc BVTV trong việc thực hiện quy định của pháp luật về thuế BVMT và các quy định khác của pháp luật./.