Quỹ Bảo hiểm xã hội có nguy cơ cạn kiệt
Quỹ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có thể bắt đầu thâm hụt từ năm 2021 và hoàn toàn cạn kiệt năm 2034 nếu không có thay đổi kịp thời về mặt chính sách.
Quỹ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có thể bắt đầu thâm hụt từ năm 2021 và hoàn toàn
cạn kiệt năm 2034 (Ảnh minh họa. Nguồn: vnexpress.net)
Khuyến cáo trên được đưa ra trong buổi công bố báo cáo “Dự báo cân đổi quỹ bảo hiểm xã hội và các khuyến nghị pháp lý” do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức ngày 22/8.
Báo cáo này được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu của Chính phủ về đánh giá dự báo tài chính quỹ hưu trí và tử tuất thuộc quản lý của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Mục đích của đánh giá là xem xét khả năng thanh toán dài hạn của Quỹ Bảo hiểm xã hội hiện nay và đưa ra các khuyến nghị về định hướng cải cách chính sách BHXH.
Theo đó, Báo cáo đưa ra dự báo Quỹ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có thể bắt đầu thâm hụt từ năm 2021 và hoàn toàn cạn kiệt năm 2034 nếu không có thay đổi kịp thời về mặt chính sách.
Giám đốc ILO tại Việt Nam, ông Gyorgy Sziracki cho rằng “Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động cần khẩn trương hành động và hợp tác cùng nhau tìm ra phương thức đảm bảo việc chi trả lương hưu cho hiện tại và lâu dài”.
Để đảm bảo tính bền vững của Quỹ Bảo hiểm xã hội, ILO khuyến cáo Việt Nam nên tiến tới nâng độ tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ giới lên 65 tuổi. Tuy nhiên, theo ILO, chỉ riêng biện pháp này vẫn chưa đủ để cải thiện tình hình quỹ. ILO đồng thời khuyến nghị sự cần thiết phải sửa đổi cách tính lương hưu để giảm tỷ lệ chi trả.
ILO cho rằng, những thay đổi trong chính sách nhằm kéo dài tính chi trả bền vững của quỹ phải được thực hiện đồng thời với việc đảm bảo sự công bằng giữa khối công nhân viên chức nhà nước và người lao động trong khối tư nhân.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tăng độ bao phủ của chương trình bảo hiểm hưu trí và phát triển các chương trình bảo hiểm hưu trí tự nguyện.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân đánh giá dự báo của ILO sẽ tạo cơ sở cho việc hoạch định chính sách bảo hiểm xã hội nói chung và chính sách hưu trí nói riêng của Việt Nam.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân cũng cho biết, Luật hiện nay quy định mọi công dân Việt Nam ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên đều được tham gia bảo hiểm xã hội nhưng thực tế, việc thi hành luật còn nhiều hạn chế. Hiện nay, mới chỉ có 1/5 lực lượng lao động có bảo hiểm.
Mặc dù, nguồn thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đã tăng từ 6,3 nghìn tỷ vào năm 2001 lên 89,6 nghìn tỷ vào năm 2012 nhưng chỉ 47% tổng số doanh nghiệp đóng bảo hiểm bắt buộc (trong năm 2010). Trong khi đó, năm 2012, Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số. Với số lượng thanh niên trong độ tuổi lao động giảm đi và chế độ lương hưu “hào phóng”, quỹ lương hưu sẽ cạn kiệt nếu quá trình cải cách không đưa ra được những biện pháp cần thiết./.
Theo ĐCSVN - LH