Quỳ Châu - điểm đến lý tưởng của du lịch cộng đồng

02/05/2017 14:42

(Baonghean) - Sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh, cũng như di tích văn hóa lịch sử, vùng đất Quỳ Châu đã, đang và sẽ là điểm đến lý tưởng cho những du khách thích tìm hiểu, khám phá giá trị văn hóa các dân tộc cũng như thưởng ngoạn, hòa mình vào thiên nhiên.

Hấp dẫn trầm tích

Cách TP. Vinh khoảng 140 km về phía Tây Bắc, Quỳ Châu - vùng đất trung tâm Phủ Quỳ xưa vẫn giữ được nhiều nét hoang sơ, rất đỗi thanh bình. Nhịp sống nơi đây hiền hòa, vẻ cần mẫn như những guồng quay cọn nước bên dòng sông Hiếu thơ mộng...

Từ thị trấn Tân Lạc ngược hướng Tây theo Quốc lộ 48, du khách đến với làng Thái cổ Hoa Tiến (nay là bản Hoa Tiến 1 và Hoa Tiến 2, xã Châu Tiến). Nhìn từ cầu Châu Tiến qua cánh đồng Tả Chum (địa điểm giáp ranh giữa 2 huyện Quỳ Châu và Quế Phong) sẽ thấy những nếp nhà sàn trầm mặc, nằm sát nhau tạo hình ô bàn cờ.

Nhà sàn ở Hoa Tiến thường nằm ở lưng chừng núi và hướng mặt ra dòng sông Nậm Quàng; được thiết kế từ 3 đến 5 gian, trong đó gian ngoài cùng nằm sát cầu thang chính dùng để tiếp khách, uống rượu cần; các gian bên trong là nơi sinh hoạt của gia đình. Tầng dưới là nơi để nông cụ sản xuất, gỗ, củi... và tất nhiên không thể thiếu không gian rộng rãi nhất thoáng mát nhất dành cho khung cửi, dệt thổ cẩm vốn là nghề truyền thống của bà con dân bản nơi đây.

Giai điệu Quỳ Châu (Guồng nước của người dân bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến).
Giai điệu Quỳ Châu (Guồng nước của người dân bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến).

Cạnh bên mỗi khung cửi là 1 gian trưng bày sản phẩm thổ cẩm của gia đình. Phụ nữ bản Hoa Tiến khéo tay đến lạ. Những sản phẩm chân váy, khăn, thảm, túi xách, thắt lưng được thêu dệt với đường nét hoa văn tinh xảo được tạo nên hoàn toàn bằng thủ công, từ việc trồng dâu, nuôi tằm đến cả xe tơ, nhuộm chỉ... Được biết, từ lâu thổ cẩm Hoa Tiến được rất nhiều người ưa chuộng.

Chị Sầm Thị Hương - Chủ nhiệm HTX Thổ cẩm tiết lộ: Thổ cẩm của HTX đã có mặt tại thị trường Hà Nội, Lào và cả Thái Lan. Nghề dệt thổ cẩm đã mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. Hoa Tiến thể hiện rõ, đầy đủ, đậm đà bản sắc văn hóa người Thái và là một trong những niềm tự hào của vùng đất Quỳ Châu – vùng đất chứa đựng nhiều huyền sử và dấu tích phát sinh của người Việt cổ.

Tại hang Thẩm Ồm (xã Châu Thuận), các nhà khảo cổ tìm được 10 công cụ lao động, trong số đó có 1 công cụ lao động bằng đá thạch anh, được xem là công cụ sản xuất đầu tiên do người nguyên thủy chế tác, cũng như phát hiện thêm nhiều di cốt người và răng của người Homo sapiens; tại hang Cỏ Ngụn (xã Châu Bính), nhiều công cụ bằng đá khoảng 7 - 8 nghìn năm và nhiều mảnh gốm của thời đại kim khí cách đây khoảng 4.000 năm cũng được tìm thấy...

Một phần đời sống của người xưa được thể hiện qua những sắc màu văn hóa còn bảo tồn nguyên vẹn tại Lễ hội Hang Bua được tổ chức vào mùa Xuân hàng năm. Trước giờ vào hội, người dân bản địa vẫn thường hành hương lên ngôi đền thiêng Mường Chiềng Ngam - nơi thờ 3 vị Thành hoàng Xiêu Bọ, Xiêu Ké, Xiêu Luông đã có công khai lập bản mường.

Hang Bua xã Châu Tiến (Quỳ Châu).
Hang Bua xã Châu Tiến (Quỳ Châu).

Vào hội Hang Bua là lúc được sống cùng những giá trị văn hóa ngàn đời. Cũng phải, bởi hàng loạt hoạt động văn hóa thể thao như: Thi bắn nỏ, ném còn, đẩy gậy; viết chữ Thái; kéo sợi, dệt thổ cẩm; cuốn hương trầm; trình diễn các làn điệu dân ca, dân vũ như nhuôn, xuối, lăm, khắp, khắc luống… đã cho thấy điều đó.

Hiện thực hóa tiềm năng

Năm 2014, UBND huyện Quỳ Châu có chủ trương phát triển du lịch cộng đồng tại bản Hoa Tiến. Huyện đã chọn và hỗ trợ 10 gia đình đi tham quan học tập tại bản Lác, huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) và bản Nưa, xã Yên Khê (Con Cuông) để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Đại hội Đảng bộ huyện khoá XXV (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đã có Nghị quyết số 13 và Chương trình số 10-CTr/HU về phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử.

Thực hiện Nghị quyết, Chương trình nói trên, huyện Quỳ Châu đã có những việc làm cụ thể như nâng cấp 10 hộ gia đình đã chọn khảo sát thành nhà nghỉ cộng đồng; mở một số dịch vụ du lịch kèm theo như: xe đạp địa hình, kéo xe trâu, đi bè trên khe, suối; khai thác mở rộng thêm các gian hàng bán sản phẩm truyền thống như: thổ cẩm, mâm mây, ghế, chăn, ga, gối, nệm Thái; khai thác văn hóa ẩm thực địa phương gắn với những đặc sản của huyện Quỳ Châu như: gà đồi, vịt bầu, thịt giàng, hò mọc, măng muối, canh ột, cá nướng, thịt chua, canh môn, cơm lam, các món chẻo; xây dựng các tour hướng dẫn chế biến món ăn mang đậm nét văn hóa truyền thống, tạo sự mới lạ cho du khách, đặc biệt là khách quốc tế...

Thăm Ồm - Châu Bính, Quỳ Châu.
Thăm Ồm - Châu Bính, Quỳ Châu.

Nhờ sự nỗ lực các cấp ủy, chính quyền, đến nay du lịch cộng đồng bản Hoa Tiến đã bước đầu thu được thành quả đáng khích lệ. Năm 2016, bản Hoa Tiến đón được 20 đoàn khách, trong đó có 4 đoàn nước ngoài, thời gian thường lưu trú từ 1-2 ngày, nhưng cũng có đoàn lưu trú đến 1 tuần. Anh Nguyễn Hải Anh - khách du lịch đến từ Hà Nội chia sẻ cảm nhận: “Đam mê du lịch, tôi đã từng đi rất nhiều nơi nhưng quả thật ít ở đâu thú vị như ở đây.

Đến với bản Hoa Tiến, tôi đặc biệt ấn tượng với sự hiếu khách của bà con dân bản, mình không phải là khách hàng, người sử dụng dịch vụ mà chính là người thân, là khách quý của bà con. Các món ăn truyền thống ở đây cũng rất ngon, nhất là món canh ột, cá nướng, vịt bầu... Nhất định tôi sẽ còn quay trở lại và giới thiệu cho nhiều bạn bè nữa”.

Tin tưởng rằng, với một vùng đất còn lưu giữ nhiều vẻ hoang sơ và vô số danh lam thắng cảnh đẹp gắn với những giá trị văn hóa, lịch sử đậm đà bản sắc dân tộc, cùng nỗ lực của cấp ủy, chính quyền trong phát triển du lịch cộng đồng, rồi đây Quỳ Châu sẽ là một trong những điểm đến lý tưởng của du khách.

Cảnh Nam

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Quỳ Châu - điểm đến lý tưởng của du lịch cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO