Quy định học sinh tiểu học học Quốc phòng - An ninh sẽ khó khả thi
Chiều 29- 5, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Giáo dục Quốc phòng- An ninh (GDQPAN).
Trước một số ý kiến cho rằng, nhiệm vụ GDQPAN được giao cho quá nhiều bộ, ngành, khó bảo đảm tính đồng bộ về chương trình và nội dung. Cần quy định cụ thể hơn các nội dung cần thiết trong luật nhằm bảo đảm tính khả thi, vì có đến 50% điều khoản giao Chính phủ, các bộ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. UBTVQH đã đề nghị chỉnh lý theo hướng những nội dung đã được thực tiễn kiểm nghiệm thì quy định ngay trong luật. Theo đó, từ 23 điều, khoản phải quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, nay còn 6 điều, khoản. Những nội dung này hầu hết thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và một số bộ, ngành có liên quan.
Với đề xuất quy định ở mức độ hợp lý nội dung xã hội hóa GDQPAN trong luật để huy động các nguồn lực của đất nước, ví dụ như các bảo tàng tư nhân về các chiến tích trong chiến tranh cũng đã được UBTVQH tiếp thu, bổ sung, chỉnh lý trong Dự thảo Luật GDQPAN.
Qua thảo luận ở hội trường, đa số các ý kiến bày tỏ quan điểm tán thành những đổi mới nêu trên. Tuy nhiên, một số ĐBQH cho rằng, các quy định trong Luật GDQPAN vẫn chưa chặt chẽ, khó có tính khả thi. Vì đến nay chúng ta đang thiếu cả cơ sở vật chất lẫn giáo viên giảng dạy QPAN. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên dạy QPAN, ĐB Ngô Thị Minh (đoàn Quảng Ninh) kiến nghị cần phát huy tối đa vai trò của tổ chức đoàn thanh niên, đội thiếu niên tiền phong trong tuyên truyền, GDQPAN không qua các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa. Bên cạnh đó, cần xem xét lại việc dạy học môn GDQPAN đối với học sinh tiểu học. Theo ĐB Ngô Thị Minh, trong khi Bộ GD- ĐT đang giảm tải các chương trình học cho lứa tuổi này thì dự án luật này lại đưa môn học GDQPAN vào chương trình học của nhà trường là chưa hợp lý.
ĐB Trần Thị Hoa Sinh (đoàn Lạng Sơn) khẳng định, quy định đối tượng bồi dưỡng GDQPAN là Đảng viên quá chung chung, sẽ dẫn đến tình trạng trùng lặp đối tượng học. Do đó, cần có hướng dẫn chi tiết.
ĐB Lê Hiền Vân (đoàn Hà Nội) yêu cầu đẩy mạnh công tác GDQPAN trong nhà trường, nhất là với đối tượng học sinh sinh viên để thế hệ trẻ hiểu về lịch sử biển đảo, nhiệm vụ QPAN, kỹ năng quân sự và nắm rõ âm mưu của các thế lực thù địch đối với Việt Nam.
Một số ý kiến cũng đề nghị: Luật cần phải làm rõ nguồn lực cho công tác GDQPAN. Có ý kiến còn cho rằng dự thảo luật còn thiên về xu hướng hành chính, tính xã hội hóa chưa cao, chưa phát huy được tổng hợp nguồn lực xã hội.
Theo Hà Nội mới - TH