Quy định rõ quyền của công dân trong tham gia quản lý nhà nước và xã hội

29/03/2013 16:55

Nghiên cứu bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đối chiếu với bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi bổ sung năm 2001), tôi xin tham gia một số ý kiến như sau: Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã có một sự chuẩn bị rất công phu về nội dung và kết cấu của dự thảo, trong đó có kế thừa phát huy được tinh hoa của Hiến pháp năm 1992 và bổ sung nhiều điểm mới, phù hợp với cương lĩnh chính trị của Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ XI.

(Baonghean) - Nghiên cứu bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đối chiếu với bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi bổ sung năm 2001), tôi xin tham gia một số ý kiến như sau: Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã có một sự chuẩn bị rất công phu về nội dung và kết cấu của dự thảo, trong đó có kế thừa phát huy được tinh hoa của Hiến pháp năm 1992 và bổ sung nhiều điểm mới, phù hợp với cương lĩnh chính trị của Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ XI.

Điều IV (chương I) của Dự thảo đã kế thừa và giữ được nội dung quy định tại Điều 4 Hiến pháp hiện hành, tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như bổ sung một số nội dung mới như Đảng Cộng sản Việt Nam không những là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiền phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.

Quy định như vậy là phù hợp với ý chí nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với vai trò lãnh đạo của Đảng đã được khẳng định trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời phù hợp với yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trước tình hình đổi mới của đất nước.

Cũng tại Điều 4 của Chương I, có ý kiến cho rằng cần có một đạo luật riêng cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Về vấn đề này, quan điểm riêng của tôi cho rằng là không cần thiết, bởi lẽ hiện nay theo báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương Đảng, có hơn 3,6 triệu đảng viên trong toàn quốc, chiếm tỷ lệ không nhỏ trong số dân, các tổ chức của Đảng được thiết lập từ tổ dân phố, cơ quan, đoàn thể, đơn vị doanh nghiệp ở cơ sở, trong nội bộ Đảng, hoạt động của các tổ chức và đảng viên được điều chỉnh bởi các quy định tại Điều lệ Đảng và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng.

Trong lĩnh vực quản lý nhà nước, đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức, tri thức, người lao động, nông dân, bộ đội hoặc các công dân chịu sự điều chỉnh bởi quy định hiến pháp và pháp luật. Phần lớn các đảng viên đã và đang đảm trách các vị trí, chức vụ, nhiệm vụ chủ chốt tại các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong bộ máy Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc thi hành hiến pháp và pháp luật Nhà nước. Nếu đảng viên có vi phạm họ bị xử lý về Đảng, chính quyền và đoàn thể. Những năm vừa qua chưa thấy sự xung đột giữa quy định của Đảng và quy định của Nhà nước. Từ chỗ phân tích, lý giải như trên, tôi cho là không cần thiết có một đạo luật riêng trong Đảng Cộng sản Việt Nam.

Điều 6 (Chương I) Bản dự thảo sửa đổi hiến pháp bổ sung: Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước. Điều này bổ sung như vậy là quy định rõ hơn, đầy đủ hơn các phương thức để nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước.

Các điều (Điều 15 đến Điều 52) của Chương II (nói về quyền con người). Đề cập các quy định liên quan đến con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tôi nhận thấy các quy định trong dự thảo đã khẳng định giá trị, vai trò quan trọng của quyền con người, quyền công dân trong hiến pháp phù hợp với các điều kiện quốc tế về quyền con người mà nước CHXHCN Việt Nam là một thành viên.

Các quy định trong dự thảo đã thể hiện tư duy mới về quyền con người, quyền công dân và giá trị, vị trí của vấn đề trong trật tự Nhà nước pháp quyền, trong đó mọi hoạt động Nhà nước đều phải lấy quyền con người làm cơ sở, làm mục tiêu phấn đấu. Dự thảo đã có sự phân biệt khá rõ ràng giữa các quyền thuộc về công dân Việt Nam và các quyền thuộc về mọi đối tượng có mặt hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên tôi đề nghị, dự thảo cần quy định rõ hơn các quyền của công dân trong việc tham gia quản lý nhà nước và xã hội, giám sát và phản biện xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan Nhà nước về các vấn đề của cả nước và của từng địa phương.

Các Điều 115 đến Điều 119 (của Chương IX) về các quy định liên quan đến các chính quyền địa phương, tôi đồng ý với các quy định với chính quyền địa phương một cách khái quát như trong dự thảo, nhưng cần làm rõ ngay trong hiến pháp mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, cần xác lập các nguyên tắc tổ chức chính quyền đô thị khác với chính quyền nông thôn, cần phải tăng cường tính tự chủ của chính quyền đô thị, nhất là các đô thị loại lớn (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh...).

Điều 9, Chương I, quy định về Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam. Dự thảo cần bổ sung: MTTQ Việt Nam là một bộ phận chính trị, Khoản 3 của điều này cần nêu rõ: Nhà nước cần đảm bảo các điều kiện để MTTQ Việt Nam hoạt động chứ không phải là tạo điều kiện. Ngoài ra, cần tiếp tục làm rõ hơn nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội của MTTQ đối với hoạt động cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ công chức, viên chức.

Dự thảo sửa đổi hiến pháp nên bổ sung thêm một số thành viên MTTQ Việt Nam có vị trí chính trị - xã hội quan trọng như: Liên hiệp Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Đặc biệt quan tâm nhất là Hội Liên hiệp Phụ nữ vừa là tổ chức chính trị - xã hội đại diện chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, đồng thời đại diện cho hơn một nửa số dân, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tái tạo nguồn nhân lực quốc gia, có trách nhiệm tham gia xây dựng, đề xuất, phản biện, giám sát chính sách pháp luật và đoàn kết phụ nữ thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm công dân. Vị trí, trách nhiệm phụ nữ được thể hiện rõ trong hiến pháp sẽ đảm bảo cho Hội tiếp tục phát huy vai trò phụ nữ có chất lượng và hiệu quả hơn.


Kỹ sư Trần Văn Đường (Phó Chủ tịch Hội KHKTLN Nghệ An)

Quy định rõ quyền của công dân trong tham gia quản lý nhà nước và xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO