"Quý hồ tinh bất quý hồ đa"
(Baonghean) - Làm du lịch trong mối tương quan nào đó có phần giống như cách viết báo vậy. Làm thế nào để sản phẩm của mình gây được ấn tượng với đối tượng, làm cho họ cảm tình, nhớ lâu và muốn quay trở lại để tìm hiểu thêm. Và mỗi lần tìm đến họ lại khám phá ra thêm những điều thú vị, cuốn hút… Vấn đề là lựa chọn phương pháp, cách làm nào. Bài viết “Di tích và dấu ấn” của tác giả Công Kiên - Đức Tiến đăng trên số báo đặc biệt chào mừng ngày giải phóng miền nam thống nhất đất nước (30/4) và Ngày quốc tế lao động (1/5) vừa qua đã có phần gợi mở cách lựa chọn hay…
Bài viết này đăng trong số báo được phát hành vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua có thể ví von là “một mũi tên trúng hai đích”. Đích thứ nhất là để giới thiệu, ca ngợi các danh nhân, chí sỹ cách mạng người Nghệ An, giới thiệu về Nghệ An “địa linh nhân kiệt” có nhiều điểm đến hấp dẫn. Từ đó dẫn tới đích thứ hai là đã góp phần quảng bá cho du lịch tỉnh nhà. Tuy nhiên, số bài báo, công trình viết về các danh nhân và các di tích lịch sử tỉnh ta thì không chỉ trong tỉnh, mà trong nước, ở nước ngoài cũng đã có vô số. Vì vậy, để tạo được nét riêng trong cái chung nhằm gây ấn tượng, cuốn hút người đọc về đề tài này quả không dễ dàng. Có lẽ tác giả bài viết cũng nhận thấy điều đó, nên đã chọn được “đường đi” khá hiệu quả: chọn giới thiệu các “dấu ấn” tiêu biểu của các danh nhân tiêu biểu.
Theo đó, khi viết về Khu di tích Kim Liên và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác giả chọn giới thiệu chi tiết chiếc sập gỗ được trưng bày tại quê ngoại Hoàng Trù của Người. Từ chi tiết này “lẩy” ra bao ý nghĩa khác: ngoài là vật dụng của gia đình Bác, đây còn là “vật chứng” mà thuở nhỏ Bác vịn tay để bước những bước đi đầu đời, khởi đầu cho những bước Người bôn ba khắp bốn biển năm châu “tìm hình của nước”; nó còn là hiện vật gắn với câu chuyện Người về thăm quê năm 1961, đã rưng rưng thốt lên khi thấy chiếc sập gỗ này: “Chiếc sập gỗ của mẹ Bác đây rồi! Ngày xưa mẹ Bác thường hay cất thóc lúa…”… Quả là một chi tiết “đắt”; rồi từ dẫn dắt nhiều lên thông tin cần chuyển tải đến với độc giả một cách nhàm chán.
Về với Di tích Nhà lưu niệm Phan Bội Châu, trong “không gian yên tĩnh, thanh bình, gợi cảm nhận về cuộc sống bình dị của một chí sỹ cách mạng”, dù có rất nhiều thông tin để tìm hiểu nhưng tác giả đã chọn được chi tiết tiêu biểu, ấy là chiếc án thư – “vật gắn bó với sự nghiệp bút nghiên, đèn sách của nhà yêu nước Phan Bội Châu”. Từ chiếc án thư đó mà cuộc đời học tập, tư tưởng và hoạt động cách mạng của cụ Phan dần hiện lên rõ nét. Từ đó có thể thấy chiếc án thư như là biểu tượng cho nhân cách và cuộc đời của chí sỹ Phan Bội Châu.
Tương tự, tác giả đã lần lượt đem đến cho độc giả những hiểu biết ý nghĩa về cuộc đời hoạt động của các chí sỹ cách mạng khác, như Lê Hồng Phong với “tấm phản nhỏ và chuyến đi cuối cùng”, Phan Đăng Lưu và chiếc rương đựng sách… Riêng về di tích lịch sử đình Võ Liệt, một địa danh trên đất Thanh Chương, người viết thực sự “ghém” được hầu hết thông tin, kiến thức về ngôi đền trong hai chữ “văn miếu”, ngầm ý rằng vai trò, ý nghĩa của đình Võ Liệt đối với Thanh Chương cũng tương tự như Văn miếu Quốc Tử Giám đối với Hà Nội, Việt Nam vậy. Từ hai chữ “văn miếu” diễn giải ra, người đọc sẽ tự nhiên lĩnh hội được hết các thông tin người viết muốn cung cấp mà nhớ lâu, mà yêu mến, tự hào với đúc kết rằng: “Về thăm đình Võ Liệt, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp và sự tinh xảo của lối kiến trúc cổ, làm nên sự độc đáo ít nơi nào có được. Cảnh vật xung quanh đình hài hoà và hữu tình, có sông, núi và cánh đồng mênh mông càng tôn thêm vẻ cổ kính, linh thiêng mà khoáng đạt. Đồng thời ảm nhận phần nào không khí đấu tranh cách mạng buổi đầu dưới sự lãnh đạo của Đảng”…
Có thể thấy, với sự khéo chọn cách viết, bài báo không chỉ đạt mục đích chuyển tải thông tin mà còn tạo được hứng thú cho độc giả.. Và nếu liên tưởng đến cách “làm” trong quảng bá du lịch, thiết nghĩ đó cũng là một cách làm hay…
Người xây dựng
TIN LIÊN QUAN |
---|