Quy hoạch mạng lưới trường học cần phù hợp điều kiện thực tế địa phương
Ngày 23/4, Ban Văn hóa- Xã hội, HĐND tỉnh do đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa- Xã hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với huyện Tương Dương về việc thực hiện Nghị quyết 271/2009/NQ-HĐND về Quy hoạch mạng lưới trường mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2015.
(Baonghean) - Ngày 23/4, Ban Văn hóa- Xã hội, HĐND tỉnh do đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa- Xã hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với huyện Tương Dương về việc thực hiện Nghị quyết 271/2009/NQ-HĐND về Quy hoạch mạng lưới trường mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2015.
Buổi sáng, đoàn đã kiểm tra tại xã Yên Na. Đến nay việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch mạng lưới các trường học trên địa bàn xã bước đầu đã được triển khai phù hợp với thực tế địa phương nên đã huy động được hầu hết trẻ em trong độ tuổi đến trường, trong đó mầm non và tiểu học huy động được 100%, THCS 98%. Cùng với đó đã thực hiện tốt kế hoạch mở trường lớp các bậc học của UBND huyện giao. Vì vậy chất lượng học văn hóa của học sinh có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm hẳn, trong năm học 2011-2012 chỉ có 6 em bậc THCS (1,7%) và số học sinh này đã được vận động đi học trở lại tại lớp bổ túc văn hóa THCS hiện đang mở tại bản Xốp Pu cùng số học sinh bỏ học bậc THCS các năm trước để lại.
Đoàn giám sát làm việc với lãnh đạo huyện Tương Dương.
Thăm Trường Mầm non Yên Na (Tương Dương).
Theo báo cáo, đến năm 2015, Tương Dương có tổng số 57 đơn vị trường học, trong đó Mầm non có 18 trường, Tiểu học 19 trường, THCS có 13 trường, PTCS 4 trường, THPT 2 trường, Trung tâm GDTX 1. Theo đó, các năm học tiếp theo, từ năm 2013-2015 sẽ sáp nhập một số trường tiểu học. Việc sát nhập sẽ tạo thuận lợi cho công tác đầu tư nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, tránh dàn trải, manh mún và tạo điều kiện tốt cho việc nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện Tương Dương.
Tuy nhiên, những khó khăn mang tính đặc thù của một huyện miền núi sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai thực hiện đúng lộ trình đối với huyện Tương Dương. Trong đó phải kể đến việc trên địa bàn có công trình thủy điện Bản Vẽ, phải giải thể 4 xã vùng lòng hồ nên công tác di dân vào các vùng tái định cư trong và ngoài huyện diễn ra dàn trải trong nhiều năm nên việc lập và dự báo kế hoạch phát triển giáo dục gặp khó khăn. Địa hình Tương Dương lại bị chia cắt, dân cư sống phân tán tại nhiều điểm lẻ nên khó khăn cho việc quy hoạch các điểm trường với đủ số lớp và học sinh theo quy định. Hơn nữa diện tích tự nhiên, khoảng cách hành chính lớn, rất khó khăn cho quy hoạch các trường THCS liên xã...
Tại buổi làm việc, thay mặt đoàn giám sát, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn đã ghi nhận kết quả bước triển khai quy hoạch mạng lưới trường mầm non, phổ thông trên địa bàn huyện Tương Dương, đồng thời lưu ý trong thời gian tới huyện cần nỗ lực khắc phục những khó khăn mang tính đặc thù, để huy động các nguồn lực hỗ trợ, tuyên truyền vận động người dân đồng tình ủng hộ chủ trương triển khai quy hoạch mạng lưới trường học nhằm đảm bảo việc quy hoạch mạng lưới trường lớp sát đúng, phù hợp với thực tế địa phương để đảm bảo phục vụ tốt công tác dạy và học trên địa bàn. Đối với những kiến nghị của huyện, đoàn ghi nhận và sẽ trình lên các cơ quan có thẩm quyền trong thời gian tới.
Đặng Nguyễn