Quỳ Hợp - hàng chục ha lúa bị chết: Cần sớm xác định rõ nguyên nhân

24/07/2013 10:09

(Baognhean) - Tại xã Châu Quang, Châu Cường (Qùy Hợp), chính quyền địa phương và người dân đang hết sức lo lắng khi hơn 50 ha lúa đang trong thời kỳ đẻ nhánh bỗng nhiên chết rũ. UBND huyện đã gửi công văn đề nghị các cơ quan chuyên môn vào cuộc tìm ra nguyên nhân lúa chết, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Đứng tần ngần bên ruộng lúa nhà mình, ông Vi Văn Phiết, bản Đồng Lụng, xã Châu Quang (Quỳ Hợp) không giấu nổi nét buồn bã khi 200m2 lúa đang xanh tốt bỗng bị chết. Ông Phiết cho biết: “Xót lắm chú à. Cây lúa đang trong thời kỳ xanh tốt, chuẩn bị đẻ nhánh thế mà giờ chỉ còn lưa thưa vài lá. Mới hôm qua, tôi còn tháo nước vào chân ruộng, thế mà sáng nay ra, lúa chết héo hết. Tưởng lúa bị bệnh nên tôi đã mua đủ loại thuốc về phun nhưng phun xong, lúa vẫn cứ chết”. Ông Phiết cho biết thêm, ban đầu là lúa héo dần dần, không phát triển được và sau chết rụi. Khi nhổ cây lúa lên thì thấy toàn bộ rễ bị đen. Nhà ông Phiết có hơn 3 sào lúa, nhưng những đám ruộng nằm ở vùng khác, cùng cấy giống lúa SL9 nhưng lại không bị chết.

Cách đó không xa, thửa ruộng của nhà ông Kim Văn Phước, bản Đồng Lụng, xã Châu Quang lúa cũng bị chết. Gia đình ông Phước là một trong những hộ có diện tích lúa bị chết nhiều nhất xã Châu Quang, với hơn 2.000 m2. Ông cho biết: “Gia đình tôi cũng cấy giống lúa như nhiều hộ khác trong bản, nhưng sau đợt mưa đầu tháng 7, tôi có lấy nước vào để lúa chuẩn bị đẻ nhánh thì thấy lúa ngừng phát triển và sau đó chết dần và đến nay chỉ còn lưa thưa vài bụi xung quanh bờ.

Thấy lúa chết, tôi liền đưa rau muống ra trồng nhưng rau muống cũng không sống nổi. Giờ thì xem như mất trắng rồi, không cứu vãn được nữa”. Ông Quang cho biết rằng, ông cũng như nhiều người dân trong bản nghi ngờ nguyên nhân lúa bị chết do nguồn nước. Sau đợt mưa lớn đầu tháng 7, nước từ đập Tổng Huống chảy về, những gia đình nào lấy nước vào ruộng thì lúa bị chết hết, còn những gia đình không lấy nước vào thì cây lúa vẫn xanh tốt.

Sau khi nghe người dân thông báo, chính quyền xã đã cử người đi kiểm tra, nắm tình hình lúa bị chết. Đến thời điểm này, diện tích lúa bị chết trên địa bàn xã Châu Quang là hơn 40 ha.



Cán bộ sở KHCN phối hợp với huyện Quỳ Hợp tìm nguyên nhân lúa bị chết.

Ông Võ Xuân Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Quang, cho biết: Hiện tượng lúa chết trên địa bàn xã bắt đầu xảy ra từ đầu tháng 7, sau trận mưa lớn. Diện tích lúa chết cục bộ, nằm rải rác trên nhiều cánh đồng và tập trung nhiều tại các thửa ruộng gần mương tưới và các cửa lấy nước vào ruộng. Những thửa ruộng lúa bị chết được người dân cấy với nhiều loại giống khác nhau như SL9, GS9, CL25… Diện tích này tập trung tại các bản Đồng Lụng, Diềm Bày, Hoa Thành, Phà Mẹt, bản Cù, Đồng Muống, bản Cà …

Đây là những bản sử dụng nguồn nước tưới phục vụ sản xuất từ đập Tổng Huống và bai Xóng Hó. Đập này nằm trên địa bàn xã Châu Cường, nước trên địa bàn xã Châu Thành (nơi có các mỏ khai thác quặng thiếc) đổ về qua đập để phục vụ tưới tiêu sản xuất cho người dân xã Châu Cường và Châu Quang. Tại các xóm khác như xóm Bản Mọn, Khánh Quang, bản Ạng… thì không có hiện tượng lúa chết. Những xóm này lấy nguồn nước tưới từ đập Bai Lòng trên địa bàn xã Châu Thái.

Ông Thành cho biết thêm: Sau khi nắm được tình hình lúa chết, xã đã gửi văn bản báo cáo lên huyện. Huyện đã cử cán bộ về nắm tình hình nhưng không đưa ra được một kết luận gì về nguyên nhân lúa bị chết. Dù chưa có kết luận chính thức, nhưng chúng tôi đang nghi ngờ nguyên nhân gây nên hiện tượng lúa bị chết là do ô nhiễm bởi nguồn nước từ các mỏ khai thác quặng thiếc nằm ở xã Châu Hồng, Châu Thành đổ về. Vì thời điểm đó, sau trận mưa lớn, dòng nước đổ về có màu đen, đưa tay vào cảm thấy nhớt nhớt. Những hộ lấy nước vào ruộng thì hiện trên bề mặt đang đóng một lớp váng màu đen, đất có mùi thối. Trước khi các cơ quan chuyên môn xác định thì xã đang chỉ đạo người dân không cho nước vào ruộng. Và đến nay, diện tích lúa bị chết không còn tăng lên nữa.

Hiện tượng lúa bị chết không chỉ ở xã Châu Quang mà tại xã Châu Cường, hơn 16 ha lúa cũng chịu chung số phận. Anh Sầm Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Sau trận mưa lớn đầu tháng 7, nước trên đập đổ về, người dân cho nước vào ruộng và bắt đầu thấy lúa chết dần. Diện tích này tập trung tại 5 xóm gồm Mường Ham, Hạ Đông, Thắm, Nhã, Nhuôm và trực tiếp lấy nước từ đập Tổng Huống về phục vụ tưới. Hiện nay, người dân đã tiến hành đắp cống, tháo cạn nước trong ruộng ra. Ban đầu, người dân nghĩ rằng lúa bị bệnh nên mua thuốc về phun, một số khóm có hiện tượng lá xanh trở lại. Tuy nhiên, theo như anh Hải thì dù lá có xanh trở lại nhưng số diện tích này sẽ không cho thu hoạch và coi như mất trắng.

Trước tình hình đó, UBND huyện đã chỉ đạo phòng Nông nghiệp phối hợp với phòng Tài nguyên – Môi trường, Trạm Bảo vệ thực vật và lãnh đạo 2 xã Châu Quang, Châu Cường tiến hành kiểm tra, xem xét nguyên nhân. Tuy nhiên, kết quả đánh giá ban đầu là không xác định được nguyên nhân lúa bị chết. Vì vậy, huyện đã làm văn bản gửi Sở Nông nghiệp - PTNT, Sở TNMT, Sở KH-CN, Chi cục BVTV thành lập đoàn kiểm tra chuyên môn để xem xét, xác minh, đánh giá và kết luận nguyên nhân gây ra hiện tượng lúa bị chết tại 2 xã Châu Quang và Châu Cường để UBND huyện chỉ đạo người dân 2 xã chuyển đổi cây trồng phù hợp trên diện tích lúa bị chết. Ông Hoàng Văn Thái, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Vừa qua, đoàn kiểm tra của Sở KH-CN đã về trực tiếp tại 2 xã Châu Quang và Châu Cường lấy mẫu nước, đất để phân tích và xét nghiệm. Hiện chúng tôi đang chờ kết luận để thông báo cho người dân.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên trên địa bàn xã Châu Quang có hiện tượng này. Theo ông Thái, từ năm 2009 đến nay, năm nào lúa của người dân cũng bị chết với những triệu chứng tương tự. Như năm 2010, diện tích lúa của xã bị chết là hơn 100/400 ha của toàn xã. Thời điểm đó, các cơ quan chuyên môn cũng có về kiểm tra nhưng vẫn không đưa ra được kết luận về nguyên nhân gây ra hiện tượng lúa bị chết. Hiện tượng này chủ yếu xảy ra nhiều trong vụ hè thu - mùa, còn đối với vụ xuân thì ít hơn.

Châu Quang là một trong những xã trọng điểm lúa, với diện tích chiếm hơn 15% diện tích lúa của huyện Qùy Hợp. Vì vậy, việc lúa chết chưa rõ nguyên nhân không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người nông dân mà còn ảnh hưởng đến an ninh lương thực của toàn huyện. Vì vậy, tìm ra nguyên nhân lúa bị chết là một nhiệm vụ quan trọng cần được các cơ quan chuyên môn vào cuộc một cách tích cực, kịp thời. Từ đây, huyện có biện pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp giúp người dân yên tâm sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong thời gian tới.


Phạm Bằng

Mới nhất
x
Quỳ Hợp - hàng chục ha lúa bị chết: Cần sớm xác định rõ nguyên nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO