Quỳ hợp: Những mô hình kinh tế hiệu quả

15/01/2014 18:54

(Baonghean) - Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Quỳ Hợp đã trở thành phong trào sâu rộng lan tỏa đến từng người dân với nhiều mô hình, cách làm hay. Đây là điểm khởi đầu góp phần thiết thực xóa đói giảm nghèo.

Ông Vi Anh Xuân ở bản Thắm chăm sóc đàn vịt bầu Quỳ.
Ông Vi Anh Xuân ở bản Thắm chăm sóc đàn vịt bầu Quỳ.

Trong năm 2013, bằng các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới và lồng ghép các nguồn vốn khác, bước đầu Quỳ Hợp đã có nhiều mô hình được đánh giá hiệu quả, nếu đưa vào áp dụng đại trà sẽ giúp được nhiều người hưởng lợi. Đó là mô hình nuôi vịt bầu ở xã Châu Cường. Chúng tôi đến gia đình ông Vi Anh Xuân ở bản Thắm lúc ông đang cho đàn vịt bầu ăn. Ông Xuân phấn khởi nói: “Được chương trình hỗ trợ giống vịt bầu Quỳ Châu và thức ăn công nghiệp hỗn hợp, gia đình tôi nuôi trên 120 con. Quá trình nuôi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh, vì vậy tỷ lệ sống đạt 100%”. Theo như ông Xuân thì giống vịt bầu Quỳ cũng dễ thích nghi với điều kiện tự nhiên ở Châu Cường, là địa bàn có lắm khe suối, ao hồ. Chuồng trại chủ yếu tận dụng nứa mét nên giảm chi phí đầu tư. Qua 3 tháng nuôi, đến nay lứa vịt bầu đã đạt trọng lượng từ 2-2,2 kg/con, bán với giá bình quân từ 180-200.000 đồng/con thu về trên 20 triệu đồng. Thấy được hiệu quả từ giống vịt bầu Quỳ, ông Xuân dự định chỉ bán khoảng trên 40%, số còn lại ông sẽ nuôi vịt đẻ trứng để lấy giống nhen nhóm nuôi với quy mô lớn hơn. Ông Xuân kể tiếp: Nuôi khoảng 5 tháng nữa thì lứa vịt sẽ đẻ trứng, dự định gia đình tôi sẽ nuôi từ 300-400 con vịt bầu, nếu chăm sóc tốt thì mỗi năm cho thu nhập từ 200-250 triệu đồng. Đây là giống đặc sản, thịt thơm ngon nên rất được ưa chuộng, dễ bán.

Kế bên là hộ ông Ngân Văn Thái nuôi 83 con. Ông Thái chia sẻ: “Bước đầu triển khai gặp không ít khó khăn như một số con bị chết do dịch bệnh. Được khuyến cáo tiêm vắc-xin dịch tả và tụ huyết trùng và chăm sóc đúng với quy trình nên đàn vịt sinh trưởng tốt. Ngoài thức ăn hỗn hợp công nghiệp thì gia đình tôi thường tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên như chuối, rau cho vịt ăn. Chỉ hơn 3 tháng đàn vịt đã cho thu nhập gần 200.000 đồng/con, trừ chi phí còn lãi 150.000 đồng/con, như vậy nếu nhân rộng mô hình nuôi tăng quy mô sẽ cho thu nhập cao”.

Ông Ngân Thanh Quang - Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Cường cho biết: Nguồn vốn từ chương trình nông thôn mới cho mô hình này chưa phải là nhiều chỉ trên 30 triệu đồng, hỗ trợ cho 6 hộ dân ở bản Thắm và bản Nhang, mỗi hộ nuôi 83 con vịt bầu. Trong đó nguồn vốn hỗ trợ 100% tiền con giống và chi phí thức ăn, thuốc thú y. Sau trên 3 tháng triển khai, có thể khẳng định các mô hình rất hiệu quả: Tỷ lệ sống đạt trên 95%, bình quân trọng lượng đạt gần 2 kg/con. Có thể nói rằng mô hình nuôi vịt bầu Quỳ chi phí đầu tư thấp phù hợp với điều kiện của Châu Cường. Hiệu quả từ nuôi vịt bầu Quỳ đã rõ nên hiện nay nhiều hộ dân sẽ mở rộng quy mô sản xuất, đây cũng là cách xóa đói giảm nghèo hiệu quả.

Bên cạnh đó là mô hình trồng ngô trên đất 2 lúa bằng nguồn vốn nông thôn mới ở xã Châu Quang cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Nguyễn Ngọc Luyện-Chủ tịch UBND xã Châu Quang cho hay: Lâu nay bà con Châu Quang chưa chú trọng đầu tư trồng ngô trên đất 2 lúa, nhiều diện tích còn để hoang. Được hỗ trợ 140 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình nông thôn mới để xây dựng mô hình trồng ngô trên đất 2 lúa trên diện tích 21 ha của 2 bản Đồng Huống và Đồng Tâm xã Châu Quang, trong đó có trên 18 ha chủ yếu giống ngô tẻ C919 LVN885, LVN99…, còn lại là diện tích ngô nếp. Đây được ví như “chất xúc tác” để người nông dân chú trọng thâm canh ngô trên đất 2 lúa tăng thêm giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích.

Trên cánh đồng ngô đang thu hoạch, chị Phan Thị Sum ở bản Đồng Huống không giấu được niềm vui: Trước đây 4 sào ruộng làm 2 vụ lúa xong thì bỏ hoang, nay được Nhà nước hỗ trợ tiền giống, phân bón, hướng dẫn quy trình canh tác ngô trên đất 2 lúa đã mang lại hiệu quả thiết thực, năng suất ngô đạt 3,3 tạ/sào, tính ra cũng đạt thu nhập bình quân từ 1,3-1,5 triệu đồng/sào/vụ. Theo ông Sầm Bá Nam thì việc trồng ngô theo cánh đồng mẫu lớn thuận lợi trong việc đưa cơ giới vào làm đất và cùng gieo trỉa một thời điểm, cùng một chế độ đầu tư chăm sóc nên ngô sinh trưởng tốt. Như gia đình ông làm 5 sào ngô cùng trên 1 thửa, chủ yếu giống C919, cùng mật độ trồng từ 1.600-1.700 cây/sào, nhờ hệ thống thủy lợi phục vụ được nước tưới, chăm sóc hợp lý nên ngô đạt năng suất vượt trội, ước tính khoảng 3,5 tạ/sào. 5 sào ngô đủ đáp ứng lượng thức ăn cho trên 30 con lợn thịt và lá cây nuôi 3 con bò của gia đình ông. Hiện xã Châu Quang xác định cây ngô là cây chủ lực, mô hình thành công xã sẽ phát triển trồng theo quy mô trên 200 ha ngô trên đất 2 lúa nhằm tạo nguồn nguyên liệu thức ăn tại chỗ cho phát triển chăn nuôi.

Ông Nguyễn Văn Thái - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp cho biết thêm: Trong năm 2013, Quỳ Hợp đã triển khai xây dựng được trên 30 mô hình lồng ghép sản xuất gắn với chương trình nông thôn mới. Nguồn vốn từ chương trình nông thôn mới 860 triệu đồng, trong đó UBND huyện đã trích ngân sách trên 1 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng các mô hình, trong đó, ưu tiên vùng sâu, vùng xa. Xây dựng các mô hình cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Như mô hình trồng mía siêu ngọt giống QĐ 93 ở xã Hạ Sơn 7 ha, Châu Đình 6 ha, Nghĩa Xuân 7 ha... đạt hiệu quả cao, mía cho độ đường cao, năng suất vượt trội trên 90 tấn/ha. Mô hình nuôi thả gà đồi ở Yên Hợp, Minh Hợp, Châu Lý, mô hình nuôi dê ở Châu Tiến, Châu Lý…

Năm 2014, Quỳ Hợp tiếp tục lồng ghép các chương trình dự án để đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi gắn với xây dựng nông thôn mới như xây dựng mô hình trồng ngô trên đất 2 lúa, trồng đậu tương, nuôi lợn đen… Tiếp tục tuyên truyền vận động bà con tự nhân rộng các mô hình đã phát huy hiệu quả để từng bước cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập cho bà con.

Văn Trường

Mới nhất
x
Quỳ hợp: Những mô hình kinh tế hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO