Quỳ Hợp: Những mô hình thoát nghèo bền vững

21/01/2014 14:00

(Baonghean) - Cuối năm về với Quỳ Hợp khi sắc đào, sắc mận đang tràn ngập khắp núi rừng. Trong không khí rộn ràng của cái Tết đang cận kề, chúng tôi đến với nhiều gia đình làm ăn giỏi nơi vùng sâu, vùng xa, hiểu thêm vì sao đồng bào ở đây ai cũng vui vẻ, nồng hậu nghĩa tình, một niềm tin sắt son vào đảng, nhà nước đã cho họ cuộc sống đổi đời…

Từ Vinh chúng tôi lên huyện Quỳ Hợp, đến với xã Nam Sơn theo Quốc lộ 48C nối Quỳ Hợp với Tương Dương. Vượt qua những cung đường cheo leo, người dẫn đường chỉ tay sang bên kia núi: Đi thêm 2 cây số nữa là Bình Chuẩn (Con Cuông). Nam Sơn giáp với Bình Chuẩn, trước đây chưa có Quốc lộ 48C, đường sá khó khăn, bản làng Nam Sơn heo hút, biệt lập, “nay nhờ có Đảng, Nhà nước mở cho con đường nhựa to đẹp ni, rồi đưa đồng vốn đến cho bà con làm ăn, Nam Sơn đã đổi mới ” - chị Lương Thị Danh – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nam Sơn đón chúng tôi cho biết. Cả đoàn dừng lại ở một ngôi nhà mới bên đường quốc lộ đang dựng dở, tiếng cưa, tiếng người lao xao. Chủ nhà tươi cười chạy ra, Bí thư Đoàn xã giới thiệu: “Đây nhà Mạc Thị Kiệm ở bản Khiết - Nam Sơn, chị là hộ nghèo nhưng nay từ 2,5 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách mà chị đã trở thành giàu có”.

Trang trại chăn nuôi của chị Vi Thị Ngọc ở bản Quảng xã Nam Sơn (Quỳ Hợp).
Trang trại chăn nuôi của chị Vi Thị Ngọc ở bản Quảng xã Nam Sơn (Quỳ Hợp).

Chị Mạc Thị Kiệm đầu tiên được vay 2,5 triệu đồng từ ngân hàng người nghèo, mua 1 con bò để nuôi, lúc đó là năm 2003. Thế nhưng, nuôi chưa được bao lâu, bò chết. Gia đình cả 4 người hùng hục đi làm thuê để lấy tiền trả nợ ngân hàng. Chị Kiệm nhớ lại: “Ai mượn cái chi cũng đi làm hết, làm măng, làm nứa, cấy thuê chỉ mong răng cho đủ 2,5 triệu đồng trả cho ngân hàng. 2,5 triệu đồng lúc nớ là bằng 25 triệu đồng bây giờ. Rồi sau 2 năm gia đình cũng trả hết nợ, không nợ quá hạn”.

Rồi năm sau đó, ngân hàng người nghèo lại có đợt cho vay vốn mới. Chị suy nghĩ lắm, sợ không trả được nợ nhưng vẫn quyết tâm vay. Nhận được 5 triệu đồng, chị phải đi vay thêm mới đủ 5,3 triệu đồng mua con trâu. Sau đó, từ con trâu mẹ đã đẻ thành 10 con trâu, cả mẹ cả con lần lượt đẻ. Gia đình chị nâng niu, làm trại cho nó trên đồi, cả hai vợ chồng ở trên trại vừa chăm trâu vừa làm rẫy. Hai vợ chồng lại hì hục làm lá dong, làm măng, nuôi gà… để trả nợ cho ngân hàng 5 triệu đồng, rồi cũng trả được. Thế là từ tay trắng thành “nhà giàu” trong bản khi có 10 con trâu, chị Mạc Thị Kiệm đã “ra” khỏi danh sách hộ nghèo của bản. Chồng chị Kiệm cũng được kết nạp vào Đảng ở Chi bộ bản Khiết, đến mùa, anh thường đưa đàn trâu đi làm ruộng giúp dân bản. Thấy anh chị cần cù, chịu khó, được ngân hàng động viên, chị lại vay 20 triệu đồng chương trình phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư mua lợn con về nuôi. Trong chuồng thường có đàn lợn thịt 4 con, một đàn gà để thêm thức ăn cho cả nhà. Giờ đây chị đã có tiền làm nhà mới, căn nhà chị đang làm khoảng 150 triệu đồng. Vòng ra phía sau, căn nhà cũ đơn sơ của chị vẫn còn đó như nhắc nhớ về một thời gian khó.

Ở bản Khiết, còn có nhiều gia đình vay vốn Ngân hàng Chính sách mà vươn lên thoát nghèo nữa như chị Mạc Thị Hà vay 20 triệu đồng đã phát triển chăn nuôi, làm được nhà mới, chị Lo Thị Thương từ hộ nghèo được vay 15 triệu đồng mua 1 con bò năm 2008 đến nay đã có 7 con bò; anh Mạc Văn Xín vay 15 triệu đồng nay đã có 5 con trâu, 2 con lợn, làm được nhà và thoát nghèo. Chúng tôi lại đến bản Quảng – xã Nam Sơn. Một ngôi nhà gỗ ngói mới của gia đình chị Vi Thị Ngọc hiện ra, ai cũng trầm trồ thán phục chẳng tin chị Ngọc đã từng là hộ nghèo.

Ngạc nhiên hơn khi thăm trang trại lợn thịt với hơn 40 con, mỗi con trên 80 kg và trại gà phía sau nhà. Thật không ngờ nơi heo hút của xã vùng sâu này những phụ nữ dân tộc thiểu số như chị Ngọc lại biết nuôi lợn theo kỹ thuật mới, được đầu tư bài bản và có hầm biogas để bảo vệ môi trường. Chị Ngọc kể: Được vay 2,5 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách, chị đã mua con bò, rồi sau 3 năm được 4 con bò, chị bán 1 con trả nợ ngân hàng, số tiền còn lại, vay thêm 5 triệu đồng nữa mua thêm 3 con bò. Thế là từ 2,5 triệu đồng vốn ban đầu, sau 6 năm chị đã có 18 con bò! Hiện chị đầu tư trang trại nuôi lợn thịt. Chị nhẩm tính: Cứ 3 tháng một lứa lợn, một lứa 40 con, một con 1 tạ thịt, chị bán với giá 49.000 đồng/kg hơi, trừ chi phí 3 tháng lãi 27,8 triệu đồng, tính ra một tháng nuôi lợn chị lãi hơn 9 triệu đồng. Sắp Tết, giá lợn hơi tăng cao, chị càng yên tâm nuôi lợn, còn trước đó lợn hơi bán tại bản 45.000 đồng/ kg, chị vẫn có lãi.

Nam Sơn là xã đặc biệt khó khăn 135 của Quỳ Hợp, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn. Chị Lương Thị Danh kể: Hội Phụ nữ xã Nam Sơn - Quỳ Hợp có 2 tổ vay vốn và được vay đầu tiên trong xã. Lúc đầu nghe nói vay vốn ngân hàng, chị em rất băn khoăn nhưng được Đảng ủy, ủy ban xã và cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách động viên, lại thấy những tấm gương như chị Kiệm, chị Ngọc làm ăn giỏi, rồi dần dần, chị em ai cũng cần cái vốn. Có trâu lại muốn có nhà, nhiều người ham làm giàu. Từ 36 triệu đồng tiền vốn ban đầu phát huy hiệu quả, giờ cả xã đã có 3 tỷ đồng dư nợ vốn Ngân hàng Chính sách, riêng Hội Phụ nữ Nam Sơn có 76 hộ vay với dư nợ 1,8 tỷ đồng, bình quân 25 triệu đồng/ hộ, có hộ vay 30 triệu đồng. Tỷ lệ thành công hơn 80%, bà con chủ yếu vay để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là trâu, bò sinh sản.

Đến xã Yên Hợp - một xã giáp với huyện Quỳ Châu, chúng tôi vào thăm mô hình chăn nuôi gà của Nguyễn Văn Sinh, xóm Cầu Đá - Yên Hợp. Tốt nghiệp khoa chăn nuôi thú y của Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội, ra trường mấy năm nhưng không xin được việc làm, Sinh quyết định về nhà phát triển sản xuất. Được vay vốn Ngân hàng Chính sách 100 triệu đồng trong chương trình giải quyết việc làm, Sinh đã đầu tư chuồng trại gần 10 triệu đồng, còn lại đầu tư nuôi gà siêu đẻ với 1000 con. Đến nay, mỗi ngày đàn gà cho thu hoạch 800 quả trứng, Sinh đã tìm được đầu ra tiêu thụ ổn định ở Quỳ Hợp, Quỳ Châu. Bỏ mối cho các nhà hàng, quán xá mỗi nơi vài trăm quả/ngày. Sinh còn thuê thêm 2 lao động để chăm sóc gà và trồng rừng. Năm vừa qua Sinh thu được 80 triệu đồng, vừa đủ để tái đầu tư sản xuất. Ngoài ra Sinh còn nuôi thêm gà cỏ để bán trong các dịp lễ, tết. Từ một sinh viên được đào tạo chính quy, Sinh đã tự tìm được hướng đi cho tương lai của mình khi đầu tư chăn nuôi trang trại. Sinh còn tham gia tích cực các hoạt động của Đoàn xã. Cũng từ làm ăn giỏi, một tin vui mới lại đến với Sinh: Năm 2012, em được nhận vào xã làm theo chương trình thu hút trí thức trẻ.

Anh Nguyễn Văn Ba - Giám đốc Ngân hàng Chính sách Quỳ Hợp chia sẻ: Dư nợ của Ngân hàng Chính sách Quỳ Hợp đến 31/12/2013 đã đạt được 266.450 triệu đồng, tỷ lệ tăng trưởng là 11,7%. Doanh số cho vay trong năm 2013 đạt 93.715 triệu đồng, tổng dư nợ đạt 266.285 triệu đồng. Dư nợ cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn đạt 1.620 triệu đồng, dư nợ cho vay giải quyết việc làm 4.207 triệu đồng. Chỉ trong năm 2013, Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Quỳ Hợp đã chủ động kiểm tra được 588 hộ vay vốn của 42 tổ vay vốn với số tiền vay 9.525 triệu đồng. Qua kiểm tra cho thấy các tổ chức ủy thác của các tổ chức hội cấp xã hoạt động tốt, bình xét cho vay công khai dân chủ, đúng đối tượng, nhiều gia đình đã thoát nghèo bền vững. Sự vào cuộc chia sẻ của cả hệ thống chính trị với ngân hàng chính sách đã cho những kết quả cao, nhân lên những cách làm hay, những mô hình tốt và nhân lên niềm tin của đồng bào vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Bài, ảnh: Châu Lan

Mới nhất
x
Quỳ Hợp: Những mô hình thoát nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO