Quỳ Hợp phấn đấu trở thành vùng kinh tế động lực miền Tây Bắc của tỉnh
Một ngày làm việc tại Quỳ Hợp, đồng chí Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác của tỉnh đã dành thời gian nhiều hơn đến với cơ sở, kiểm tra, lắng nghe tình hình cơ sở. Từ những vấn đề đặt ra trong xây dựng nông thôn mới, vấn đề hạn hán thiếu nước sinh hoạt, vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đến việc thiếu vốn phát triển kinh tế trang trại… đang thực sự trăn trở, băn khoăn đối với đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh.
(Baonghean) - Một ngày làm việc tại Quỳ Hợp, đồng chí Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác của tỉnh đã dành thời gian nhiều hơn đến với cơ sở, kiểm tra, lắng nghe tình hình cơ sở. Từ những vấn đề đặt ra trong xây dựng nông thôn mới, vấn đề hạn hán thiếu nước sinh hoạt, vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đến việc thiếu vốn phát triển kinh tế trang trại… đang thực sự trăn trở, băn khoăn đối với đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh.
Lên với Quỳ Hợp những ngày này, chúng tôi cảm nhận không khí sôi động của đảng bộ, nhân dân toàn huyện ra sức thi đua lập thành tích chào mừng 50 năm thành lập huyện. Có mặt tại huyện vào đầu buổi sớm, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh dành thời gian đến với bà con nhân dân nhiều hơn, cùng lắng nghe ý kiến từ cơ sở.
Đồng chí Hồ Đức Phớc tham quan xưởng luyện thiếc ở xã Châu Quang (Quỳ Hợp). Ảnh: Sỹ Minh
Thăm xã Đồng Hợp, xã nằm ở phía Bắc của huyện đoàn công tác kiểm tra kết quả triển khai xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại đây. Mừng bởi Đồng Hợp không phải là xã có điều kiện tốt để phát triển kinh tế toàn diện, nhưng xã đã phát huy được sức mạnh tổng hợp trong xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, để tạo nên bộ mặt mới sau hơn 2 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Bí thư Đảng uỷ xã Phan Xuân Lam báo cáo về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc xây dựng nông thôn mới. Sau quy hoạch Đồng Hợp đã tập trung tuyên truyền sâu rộng trong toàn dân và chọn một số tiêu chí thực hiện trước như xây dựng hệ thống đường, điện, hệ thống thuỷ lợi. Khảo sát trên tuyến đường dài hơn 5,7km vừa mới thi công theo phương thức Nhà nước hỗ trợ xi măng (hơn 1.000 tấn) còn lại nhân dân đóng góp trên 70% kinh phí, đồng chí Hồ Đức Phớc lưu ý địa phương: đồng thời với việc đưa vào sử dụng tuyến đường phải gia cố hai bên mép đường để đảm bảo an toàn cho nhân dân khi tham gia giao thông, lưu ý kỹ thuật tạo mặt bằng trong thi công.
Đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Nguyệt, hộ nghèo, bệnh tật tại xóm Hợp Liên, chia sẻ với khó khăn của gia đình, đồng chí Hồ Đức Phớc cũng lưu ý các cấp uỷ đảng, chính quyền xã Đồng Hợp quan tâm hơn nữa đến công tác xã hội, giúp đỡ hộ nghèo, hộ khó khăn, còn một hộ đói nghèo là cấp ủy chưa hoàn thành nhiệm vụ trước nhân dân. Tại đây, đồng chí Hồ Đức Phớc và đoàn công tác chứng kiến thực trạng khó khăn do thiếu nước sản xuất, năng suất cây trồng không cao, chưa phát huy được tiềm năng đất đai của địa phương. 5/15 xóm còn thiếu nước, đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của các hộ dân. Chia sẻ với những khó khăn của địa phương, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị xã, huyện chủ động lên kế hoạch khảo sát nguồn nước ngầm tại chỗ, tỉnh sẽ có cơ chế hỗ trợ bà con khoan giếng đảm bảo nước sinh hoạt cho các hộ dân. Đối với những diện tích đất màu, đất lúa còn thiếu nước, trong khi chờ dự án thủy lợi Bản Mồng cần khảo sát nguồn, đầu tư mua máy bơm di động phục vụ cho công tác tưới chống hạn cho cây trồng.
Thăm Trường PTDTNT THCS Quỳ Hợp, Đoàn công tác vui mừng nhận thấy sau 2 năm thành lập, nhà trường đã trở thành địa chỉ tin cậy trong đào tạo, nuôi dưỡng những học sinh khá giỏi, góp phần tích cực đào tạo nguồn nhân lực con em người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Thầy giáo Nguyễn Đức Dục, Hiệu trưởng Nhà trường báo cáo rằng, trong số 150 học sinh của 2 khối lớp 6, 7 của toàn trường, hầu hết các em đã thực sự chăm ngoan học giỏi. Các gia đình, các bậc phụ huynh đã cùng phối hợp với nhà trường để chăm lo hơn cho các em, đội ngũ giáo viên nhà trường hiện tại với 18 CBGVNV cũng đã khắc phục khó khăn ban đầu để tập trung công tác dạy học.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị nhà trường trong công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo đề án đã được duyệt cần ưu tiên tập trung giải phóng mặt bằng mở rộng khuôn viên theo quy hoạch để đảm bảo các điều kiện phục vụ cho các em học tập. Có chỗ học đảm bảo theo yêu cầu ánh sáng, thoáng mát, có khuôn viên để các em vui chơi, và an toàn khi các em ăn nghỉ. Đặc biệt lưu ý vấn đề xây dựng đội ngũ phải có năng lực đạo đức để thầy cô luôn là tấm gương sáng giúp các em hoàn thiện nhân cách, bởi điều khác biệt trường này khác với các trường khác, đó là mái trường gắn bó trọn vẹn với học sinh, học sinh xem trường như tổ ấm của mình. Do vậy, thầy cô ở đây vừa làm nhiệm vụ của người bố, người mẹ, vì vậy cần phải quan tâm sâu sát với học sinh, để các em có điều kiện tốt nhất hoàn thiện về trí lực, thể lực. Trong quy hoạch cần quan tâm đến các hạng mục phục vụ trực tiếp tốt nhất cho các em ăn học bởi cấp học này rất quan trọng để hình thành nhân cách, hình thành nhân sinh quan thế giới quan cho các em. Đồng chí Hồ Đức Phớc và Đoàn công tác đã tặng thầy trò nhà trường một bộ máy vi tính.
Thăm trang trại trồng rừng kết hợp chăn nuôi của ông Cao Như Khôi, xóm Thái Tân (Châu Thái), đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương sự mạnh dạn đầu tư của chủ hộ phát triển kinh tế. Trên diện tích gần 10 ha, chủ trang trại đã quy hoạch trồng rừng nguyên liệu phía trên, phía dưới xây dựng hệ thống trang trại nuôi lợn rừng sinh sản, quy mô 200 con lợn thương phẩm. Cùng với trang trại Khôi Nga, khu vực này đang có 4 trang trại có quy mô, phương thức sản xuất tương tự đang hình thành hiệp hội trang trại để có sự hỗ trợ, thông tin trong mua bán giống, tiêu thụ sản phẩm.
Ông Cao Như Khôi, chủ trang trại Khôi Nga báo cáo phát triển trang trại nuôi lợn rừng đang góp phần để bảo tồn gen giống lợn rừng, lai tạo nâng cao chất lượng giống cung cấp thực phẩm chất lượng cao. Trang trại cũng đã xây dựng hệ thống cấp thoát nước, đảm bảo môi trường trong quá trình hoạt động. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh cũng chia sẻ với chủ trang trại về khó khăn hiện nay của các trang trạng đang gặp là nguồn vốn cho vay ưu đãi dài hơi còn thiếu, vốn giải quyết việc làm các trang trại chưa tiếp cận được, ảnh hưởng đến quá trình sử dụng đất, cũng như hiệu quả đầu tư.
Điều trăn trở đối với Quỳ Hợp là mặc dù có nhiều lợi thế nhưng huyện vẫn chưa bứt phá để khẳng định một vùng kinh tế động lực, trung tâm phát triển vùng Tây Bắc của tỉnh. Trong suốt buổi làm việc, trên cơ sở những ý kiến của đại diện lãnh đạo sở, ngành cấp tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng không thể bằng lòng với một Quỳ Hợp phát triển không mạnh như hiện nay, cũng như mục tiêu trở thành huyện khá của tỉnh mà yêu cầu phải xây dựng Quỳ Hợp phải trở thành vùng kinh tế động lực của Nghệ An, trung tâm phát triển của vùng Tây Bắc. Muốn vậy, huyện phát huy lợi thế vùng tiềm năng khoáng sản để thu hút đầu tư công nghiệp chế biến sâu. Xây dựng nông thôn mới phải xây dựng các mô hình kinh tế gắn với đặc thù của địa bàn. Phát triển du lịch, trung tâm thương mại, chợ nông thôn... đó là những vấn đề đặt ra đối với lãnh đạo chính quyền, nhân dân Quỳ Hợp để từ truyền thống 50 năm phát triển nhanh, bền vững.
Hữu Nghĩa